ĐBQH PHAN NGỌC THỌ: QUÁ TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ ĐÒI HỎI SỰ ĐỒNG BỘ TỪ CÁC BỘ, NGÀNH ĐẾN ĐỊA PHƯƠNG

23/03/2021

Tham gia ý kiến tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội Phan Ngọc Thọ, Đoàn ĐBQH Thừa Thiên Huế đề nghị các bộ, ngành cần sớm ban hành về chiến lược chuyển đổi số trong ngành, lĩnh vực mình và quan tâm để hỗ trợ, hướng dẫn địa phương triển khai đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư phục vụ chuyển đổi số của cấp địa phương cũng như ở tầm quốc gia.

Đại biểu Quốc hội Phan Ngọc Thọ, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thừa Thiên Huế phát biểu tại phiên họp

Tham gia ý kiến tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội Phan Ngọc Thọ đóng góp nhiều ý kiến xác đáng về chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Theo đại biểu, chiến lược này đã được Chính phủ ban hành cả về mục tiêu và giải pháp, tuy nhiên, để các mục tiêu này thành hiện thực, đòi hỏi sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ và kiên trì của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, sự vào cuộc thực sự của doanh nghiệp và người dân và quan trọng là cần nguồn lực không nhỏ của ngân sách cũng như của toàn xã hội. Chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước, cơ quan chính quyền phải được xem là nhiệm vụ ưu tiên nhằm tiếp tục hoàn thiện chính quyền điện tử, thực hiện thực chất dịch vụ công trực tuyến và quan trọng chuyển đổi số cơ quan chính quyền sẽ dẫn dắt và phát huy hiệu quả chuyển đổi số trong các hợp đồng dịch vụ của xã hội. Quá trình chuyển đổi số đòi hỏi sự đồng bộ từ các bộ, ngành đến địa phương, vì vậy, vấn đề các bộ, ngành cần sớm ban hành về chiến lược chuyển đổi số trong ngành, lĩnh vực mình và quan tâm để hỗ trợ, hướng dẫn địa phương triển khai đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư phục vụ chuyển đổi số của cấp địa phương cũng như ở tầm quốc gia.

Một vấn đề khác được đại biểu Phan Ngọc Thọ đặc biệt quan tâm là vấn đề cải thiện và nâng cao chất lượng thể chất, sức khỏe của người dân. Đại biểu cho rằng đây là nhiệm vụ chiến lược quốc gia quan trọng, hướng tới một quốc gia hùng cường. Theo đại biểu, chăm sóc sức khỏe ban đầu phải được xem là giải pháp và mục tiêu hàng đầu của ngành y tế trong nhiều năm tới, nhằm nâng cao chất lượng dân số, tăng tuổi thọ người dân, gắn liền với thời gian sống mạnh khỏe cao, cải thiện thể lực, chiều cao của thế hệ trẻ.

Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội cần có giải pháp và cơ cấu chi bảo hiểm y tế nói riêng và có nguồn lực của ngành y tế nói chung cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu. Khám sàng lọc cho các đối tượng, đặc biệt là trẻ em, nhóm người có nguy cơ mắc bệnh nghèo cao nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng bảo hiểm y tế. Thực hiện tốt quan điểm phòng bệnh hơn chữa bệnh đã có từ ngàn xưa của cha ông ta.

Bàn về vấn đề chiến lược xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế, đại biểu Phan Ngọc Thọ đề nghị tiếp tục thực hiện mục tiêu quan trọng là di dời dân cư khu vực 1 kinh thành Huế, triển khai Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, trong đó tập trung cho mở rộng địa giới hành chính thành phố Huế, xây dựng cơ chế đặc thù, nhằm thúc đẩy xây dựng Thừa Thiên Huế sớm trở thành phố trực thuộc Trung ương để trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Đây là những việc lớn trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước. Theo đại biểu, cử tri Thừa Thiên Huế mong muốn Chính phủ, Quốc hội tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ Thừa Thiên Huế nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra, cùng Thừa Thiên Huế bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô Huế, văn hóa Việt Nam.

Đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục có giải pháp, cơ chế thúc đẩy phát triển hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, tạo điều kiện hình thành các khu công nghiệp phụ trợ đã có chủ trương như khu công nghiệp phụ trợ dệt may tại Phong Điền, Thừa Thiên Huế, khu công nghiệp về ôtô tại Quảng Nam nhằm tạo điều kiện thu hút chuỗi sản xuất của cả nước về Việt Nam, hướng tới mục tiêu xây dựng nền công nghiệp nước nhà bền vững, chủ động trong tương lai./.

Minh Hùng

Các bài viết khác