ĐBQH NGUYỄN VĂN CHIẾN: TIẾP TỤC THỰC HIỆN CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC TƯ PHÁP, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG XÉT XỬ

25/03/2021

Ngày 25/3, tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội Khóa XIV, sau khi Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo về công tác của các tòa án trong nhiệm kỳ khóa XIV. Trả lời phỏng vấn, ĐBQH Nguyễn Văn Chiến, đánh giá cao nỗ lực của ngành Tòa án trong thời gian qua...

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo về công tác của các tòa án trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội Khóa XIV, ngày 25/03/2021.

Báo cáo về công tác của các tòa án trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày tại Kỳ họp thứ 11 đã khẳng định: Trong nhiệm kỳ qua, mặc dù số lượng công việc tăng (bình quân mỗi năm tăng khoảng 8%) với tính chất phức tạp, quy mô lớn và phải thực hiện nghiêm việc tinh giản biên chế nhưng các Tòa án đã không ngừng đổi mới, triển khai nhiều biện pháp đột phá, sáng tạo nên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Quốc hội giao và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Chánh ánh Tòa án nhân dân tối cao cũng nêu lên những con số rất ấn tượng. Cụ thể, các Tòa án đã thụ lý 2.433.631 vụ việc, đã giải quyết được 2.375.983 vụ việc, đạt tỷ lệ 97,6% (so với nhiệm kỳ trước, thụ lý tăng 624.551 vụ việc, đã giải quyết tăng 594.573 vụ việc). Chất lượng xét xử tiếp tục được bảo đảm và có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan hàng năm đều dưới 1,5%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội.

Đặc biệt, đã xét xử các vụ án hình sự đạt tỷ lệ 99,5%; đã giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại và lao động đạt tỷ lệ 97,3%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội. Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, trong nhiệm kỳ không để xảy ra trường hợp nào kết án oan người không có tội. Việc giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, vụ án hành chính đúng pháp luật.

Bên hành lang Quốc hội, Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã ghi lại ý kiến của Đại biểu Nguyễn Văn Chiến, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đánh giá về những kết quả của ngành Tòa án trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV:

Phóng viên: Trong Báo cáo về công tác của các tòa án do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày trước Quốc hội đã nêu lên 22 thành tựu nổi bật trong trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Đại biểu quan tâm đến vấn đề nào trong 22 thành tựu được nêu trong báo cáo?

Đại biểu Nguyễn Văn Chiến, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Qua báo cáo tổng kết cho thấy có 22 thành tựu nổi bật của ngành Tòa án, trong 22 nội dung này, tôi quan tâm đến vấn đề nâng cao chất lượng xét xử, bởi vì chất lượng xét xử sẽ hướng tới hệ thống Tòa án đảm bảo uy tín, thực hiện quyền con người theo quy định của Hiến pháp. Vì vậy, tôi thấy việc nâng cao chất lượng xét xử rất quan trọng vì nó sẽ hướng đến hệ thống tòa án đảm bảo uy tín và thực hiện quyền con người theo quy định của Hiến pháp. Đồng thời, vấn đề thủ tục hành chính trong giai đoạn hiện nay đang được người dân cho rằng vẫn còn phiền hà trong quá trình thụ lý vụ án, đưa vụ việc ra tòa. Do vậy, việc cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tư pháp, rút ngắn thời gian thụ lý, thuận tiện hơn cho người dân là rất cần thiết. Thực hiện điều này cũng đảm bảo nguyên tắc tranh tụng, nhất là đối với các vụ án hình sự quan trọng. Hơn nữa, cải cách hoạt động xét xử, cải cách hoạt động tư pháp không chỉ là mối quan tâm của riêng Việt Nam mà của nhiều quốc gia trên thế giới. Thời gian qua, thực hiện cải cách cư pháp, ngành Tòa án cũng đã thực hiện nhiệm vụ bảo đảm nguyên tắc tranh tụng, nhưng cần tiếp tục có biện pháp nâng cao một cách đồng bộ về chất lượng xét xử cũng như giải quyết các đơn thư, khiếu nại liên quan đến giám đốc thẩm.

Đại biểu Nguyễn Văn Chiến, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.

Phóng viên: Tỷ lệ xét xử các vụ án hình sự trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV của ngành Tòa án đạt tới 99,5%, đại biểu đánh giá như thế nào về con số này?

Đại biểu Nguyễn Văn Chiến, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Tôi cho rằng, đây là kết quả rất ấn tượng, vì đã giải quyết các vụ án hình sự đạt 99,5%. Nhiệm kỳ này không có các vụ án oan sai là sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống ngành Tòa án, đặc biệt là chủ trương bồi dưỡng nâng cao chất lượng xét xử của thẩm phán. Tôi cho rằng có được kết quả này là do ngành Tòa án đã thực hiện tốt chủ trương cải cách tư pháp thời gian qua. So với nhiệm kỳ trước các vụ án dân sự, hành chính tồn đọng rất nhiều nhưng tại nhiệm kỳ đã giảm đáng kể, điều này cho thấy sự cố gắng, nỗ lực nhất là trong năm cuối nhiệm kỳ. Nhờ vậy kết quả chung đã được nâng lên đáng kể, với 97,3% vụ án dân sự, hành chính đã được xét xử. Như chúng ta đã biết, việc xét xử các các vụ án hành chính, vụ hánh dân sự có nhiều khó khăn, nan giải nhưng nhiệm kỳ này đã được giải quyết rất hiệu quả.

Qua tiếp xúc cử tri, nhiều cử tri cũng rất quan tâm đến việc hoạt động xét xử của Tòa án có đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân hay không. Vì vậy, tôi cho rằng việc nâng cao năng lực xét xử của thẩm phán, qua đó thúc đẩy chất lượng công tác xét xử để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân cũng đặc biệt quan trọng, nhằm, thực hiện tốt quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp.

Phóng viên: Để tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, hạn chế tối đa các vụ án oan, sai, theo ông đâu là nhiệm vụ quan trọng nhất cần triển khai trong thời gian tới?

Đại biểu Nguyễn Văn Chiến, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Trước tiên, khi đề cập đến công tác xét xử, trước hết cần tuân thủ pháp luật. Hoạt động xét xử phải góp phần vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, nếu phát hiện có khiếm khuyết thì Tòa án phải tổng kết, nghiên cứu, kết luận kịp thời. Vấn đề thứ hai là phải nâng cao chất lượng xét xử, tức là nâng cao năng lực, điều kiện để giúp thẩm phán trong qua trình xét xử tốt nhất. Thời gian qua, ngành Tòa án cũng đang triển khai các giải pháp bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ xét xử, đây là việc làm rất tốt, góp phần vào nâng cao chất lượng xét xử.

Bên cạnh đó cần tiếp tục bồi dưỡng nghiệp vụ cho thẩm phán và bảo đảm nâng cao ý thức trách nhiệm cũng như đạo đức của người thẩm phán để bảo đảm hoạt động xét xử nghiêm minh. Đồng thời, tiếp tục thực hiện cải cách hành chính trong lĩnh vực tư pháp để giảm thiểu tối đa phiền hà cho người dân khi đến Tòa án, thông qua việc thụ lý đơn qua hệ thống điện tử, cải cách thủ tục hành chính một cửa. từ đó giúp người dân thấy rằng giữa Tòa án và người dân gần gũi, thân thiện và tin tưởng, từ đó nâng cao vị thế, uy tín của hệ thống cơ quan tư pháp, trong đó ngành Tòa án là trọng tâm.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Lan Hương