ĐBQH VŨ THỊ LƯU MAI: ĐỀ NGHỊ CHÍNH PHỦ QUAN TÂM HƠN VIỆC HUY ĐỘNG VỐN NGOÀI NGÂN SÁCH CHO PHÁT TRIỂN

20/04/2021

Tại phiên thảo luận của Quốc hội về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho rằng, bên cạnh những thành quả, cố gắng của Chính phủ nhiệm kỳ qua, vẫn còn một số vấn đề còn tồn tại, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư công và đề nghị Chính phủ quan tâm nhiều hơn nữa.

Thứ nhất, về việc thực hiện chủ trương huy động nguồn lực ngoài ngân sách cho đầu tư phát triển, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai phản ánh, ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội, tại Nghị quyết số 26 về kế hoạch trung hạn đã đề ra nhiệm vụ phát huy tối đa tiềm lực của mọi thành phần kinh tế ngoài nhà nước, Nhà nước chỉ đầu tư cho những lĩnh vực dự án mà các thành phần kinh tế khác không thể đầu tư. Tiếp đó, Quốc hội cũng đã ban hành luật về đối tác công tư với động lực huy động tối đa nguồn ngân sách từ thành phần kinh tế tư nhân. Theo đại biểu, Chính phủ đã hoàn toàn đúng đắn khi đề ra chủ trương xây dựng một Chính phủ kiến tạo.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội phát biểu tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. 

Tuy nhiên, nhìn lại cả chặng đường đã qua thì mong muốn huy động tối đa nguồn lực từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước chưa đạt được kết quả mong muốn. Trong cả nhiệm kỳ, có rất nhiều dự án đã phải chuyển từ hình thức đầu tư theo hình thức đối tác công tư sang 100% vốn nhà nước, đó là hàng loạt các dự án thuộc tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, các dự án thuộc tuyến đường ven biển và nhiều dự án BOT ở một số địa phương đã phải chuyển đổi sang 100% vốn nhà nước.

Theo đại biểu, tỷ lệ đầu tư từ khối tư nhân trong tổng vốn đầu tư tại thời điểm cao nhất cũng chỉ đạt được 45,6%, thấp hơn nhiều nước trên thế giới. Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng tình trạng này có những nguyên nhân khách quan nhưng cũng có những nguyên nhân chủ quan.

Vẫn biết rằng việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách khó hơn rất nhiều so với việc dùng ngân sách để đầu tư cho các công trình, dự án, huy động sức mạnh của toàn dân chưa bao giờ là điều đơn giản. Nhưng một Chính phủ kiến tạo phải là một Chính phủ phát huy được sức mạnh tổng hợp, huy động được mọi nguồn lực, khơi dậy khát vọng phát triển trong mỗi người dân, chúng tôi tin rằng Chính phủ sẽ làm được điều này. Bởi vì chỉ có như vậy chúng ta mới đủ sức để đi đường dài, chỉ có như vậy mới phù hợp với xu thế phát triển tất yếu của thế giới”, nữ đại biểu Đoàn Hà Nội khẳng định.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cũng cho biết, trong giai đoạn vừa qua, Quốc hội đã ban hành nhiều đạo luật nhằm phát huy tính chủ động của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, có những quy định vừa đi vào thực hiện đã phát sinh bất cập.

Đại biểu lấy ví dụ về việc Luật Đầu tư công vừa sửa đổi năm 2019 đã giao thẩm quyền cho chính quyền địa phương trong quyết định những dự án chi tiết để đưa vào danh mục, tuy nhiên, ngay khi áp dụng, bên cạnh những địa phương thực hiện nghiêm túc, đúng đắn thì cũng không ít các địa phương đã đưa vào danh mục nhiều dự án chưa đúng tiêu chí, hàng loạt các dự án mới đã được bổ sung, trong khi đó, nguồn lực ngân sách là có hạn, phải đối mặt với thiên tai, dịch bệnh.

Hiện nay, tổng số vốn đề xuất là 3,8 triệu tỷ, trong khi đó, nguồn lực dự kiến đầu tư từ phía Nhà nước chỉ có 2,750 triệu tỷ, như vậy vượt lên 1,050 triệu tỷ và chúng ta cũng chưa biết là sẽ lấy từ đâu? Trong đó có tới 1.200 dự án mới trong tổng số 4.000 dự án chỉ tính riêng năm 2021”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai chỉ rõ, đồng thời khẳng định, điều này đã tạo gánh nặng rất lớn cho ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị khác.

Từ lý do trên, đại biểu cho rằng, tới đây Chính phủ cần rà soát, quán triệt đầy đủ tinh thần của Luật Đầu tư công, theo đó, tránh vi phạm điều cấm, đó là vượt quá sức chịu đựng của ngân sách nhà nước, đồng thời, phải tuyệt đối tránh tư duy nhiệm kỳ, tránh kiểu cách phân bổ ngân sách theo nhiệm kỳ. Trong trường hợp cần thiết có thể sửa đổi Luật Đầu tư công, theo đó, tiếp tục giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập phương án phân bổ chi tiết.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đánh giá, trong nhiệm kỳ vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện rất tốt việc quản lý nhà nước, trong đó đã kiềm chế được tình hình đầu tư dàn trải, manh mún. Đại biểu cũng đề nghị, Quốc hội khóa tới chỉ thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn trong trường hợp tuân thủ đúng nguyên tắc, tiêu chí, vì xét trên thực tế, đây là tiền thuế của người dân và người dân có quyền được biết phân bổ như thế nào, hiệu quả hay không?

Về vấn đề hạch toán ngân sách theo kết quả đầu ra, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho biết, đây là một định hướng đổi mới đã được đề ra ngay trong Nghị quyết 25 của Quốc hội về kế hoạch tài chính trung hạn. Theo đó, phải lấy kết quả cụ thể để làm thước đo hiệu quả sử dụng ngân sách.

Tôi đề nghị tới đây Chính phủ cũng đề nghị tất cả các bộ, ngành, địa phương báo cáo cụ thể, với 2 triệu tỷ trong 5 năm qua thì kết quả thu được là gì? Bao nhiêu dự án đã được hoàn thành? Bao nhiêu dự án dở dang và công bố công khai để người dân được biết và thực hiện quyền giám sát của mình”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề nghị.

Về mối quan hệ công tác giữa Quốc hội và Chính phủ, đại biểu thể hiện sự tán thành với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội khi nói rằng, quan hệ công tác giữa Quốc hội và Chính phủ nhiệm kỳ qua là rất tốt. Nhìn lại cả chặng đường đã qua, ở 2 vị trí khác nhau, ở 2 nhánh quyền lực khác nhau nhưng Quốc hội và Chính phủ trong một số thời điểm có thể về một số vấn đề có những quan điểm khác nhau, có những chính kiến khác nhau, có khi là cả sự mâu thuẫn, nhưng điều đó là bình thường.

Sẽ là bất bình thường nếu như chúng ta luôn đồng thuận, luôn dĩ hòa vi quý và luôn thỏa hiệp. Nhưng vượt lên trên hết tất cả những bất đồng về quan điểm, những khác nhau về chính kiến thì cuối cùng một Chính phủ chân chính và một Quốc hội vì dân sẽ luôn gặp nhau ở một điểm, đó là tất cả đều vì công việc chung, vì lợi ích của nhân dân và vì một ngày mai tươi sáng của đất nước”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai khẳng định.

Hồ Hương