ĐBQH ĐINH THỊ PHƯƠNG LAN: CẦN ĐẦU TƯ TƯƠNG XỨNG CHO VĂN HÓA, GIÁO DỤC ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG, TOÀN DIỆN

20/04/2021

Tại phiên thảo luận của Quốc hội về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ, đại biểu Đinh Thị Phương Lan – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi khẳng định, cùng với phát triển kinh tế, cần phải đầu tư tương xứng cho văn hóa, giáo dục để tạo nền tảng phát triển bền vững, toàn diện cho đất nước.

Theo đại biểu Đinh Thị Phương Lan, những thành công mà Chính phủ đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua có vai trò quan trọng của Quốc hội. Quốc hội ngày càng thể hiện sâu sắc hiện thân của khối đại đoàn kết dân tộc, tư duy sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ, linh hoạt, thận trọng, quyết đoán, nêu cao tinh thần trách nhiệm vì dân, vì nước; hoàn thành tốt nhiệm vụ trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng đối ngoại, thể hiện rõ vai trò, vị trí là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi phát biểu tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. 

Cùng với sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã nỗ lực không ngừng, kế thừa những thành tựu của 35 năm đổi mới; thế và lực của nước ta ngày càng phát triển, tạo nền tảng để Việt Nam thực hiện khát vọng hùng cường, thịnh vượng. Tiếp nối thành công của Đại hội Đảng lần thứ XIII, đất nước đang phát triển trong bối cảnh thế giới với những chuyển biến sâu sắc, khó lường nhưng cũng kỳ vọng những tiến bộ vượt bậc trong nhiều lĩnh vực.

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan chỉ rõ, nhiệm kỳ qua, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn trong lĩnh vực đối ngoại. Kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Đối ngoại của Việt Nam đã vượt qua nhiều thách thức, góp phần cùng cả nước khắc phục khó khăn, tiếp tục phát triển. Kỳ vọng về một Việt Nam tiếp tục thực hiện mô hình chống dịch hiệu quả, tinh thần trách nhiệm và nghĩa cử cao đẹp, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Tiếp tục nâng tầm đối ngoại đa phương, tham gia xây dựng định hướng, tầm nhìn, thúc đẩy hợp tác Cộng đồng ASEAN, Cộng đồng quốc tế. Thực hiện hiệu quả các hiệp định ký kết là trọng trách rất lớn trong thời gian sắp tới, không chỉ góp phần phát triển kinh tế - xã hội mà còn nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần bảo đảm, an ninh quốc phòng, chủ quyền quốc gia.

Theo đại biểu Đinh Thị Phương Lan, mặc dù nhiệm kỳ qua có nhiều khó khăn nhưng Việt Nam đã đạt được những thành tựu toàn diện với nhiều dấu ấn nổi bật về kinh tế - xã hội, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Thời gian tới, Việt Nam đang phải đối diện với già hóa dân số, trong khi thời gian chuẩn bị thích ứng không còn nhiều. Già hóa dân số là một thành tựu xã hội to lớn của mỗi quốc gia trong nỗ lực kéo dài tuổi thọ con người, tuy nhiên, già hóa dân số sẽ làm cho gánh nặng kinh tế - xã hội trở nên nghiêm trọng nếu như quốc gia không có những bước chuẩn bị, thực hiện các chiến lược, chính sách thích ứng, kịp thời, phù hợp. Hoàn thiện hệ thống chính sách an sinh xã hội bao phủ toàn dân với các yêu cầu: bảo đảm để người dân có việc làm, tham gia bảo hiểm xã hội, hỗ trợ người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, góp phần nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng, hạnh phúc của nhân dân là kỳ vọng lớn lao nhưng đòi hỏi nỗ lực rất lớn.

Bên cạnh đó, đại biểu Đinh Thị Phương Lan cũng nhấn mạnh, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Là quốc gia với 54 thành phần dân tộc khác nhau, mỗi dân tộc đều mang một nét văn hóa, bản sắc riêng và ấn tượng, chính sự khác biệt về thành phần dân tộc này đã góp phần tạo nên nét đẹp rất đa dạng, phong phú, đặc sắc cho nền văn hóa Việt Nam. Những thành tựu to lớn của đất nước có vai trò, bản lĩnh, sức mạnh của văn hóa Việt Nam. UNESCO khẳng định "Nước nào tự đặt mục tiêu phát triển kinh tế tách rời ra khỏi môi trường văn hóa thì nhất định sẽ xảy ra mất cân đối nghiêm trọng cả về kinh tế lẫn văn hóa. Tiềm năng sáng tạo của dân tộc đó sẽ suy yếu dần". Kỳ vọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước không thể không có sự đầu tư đúng mức cho văn hóa, trong đó chính sách không thể không xuất phát từ việc cân nhắc đến những đặc điểm riêng, những yếu tố gắn liền, đảm bảo các quyền của người dân tộc thiểu số.

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan cũng khẳng định, giáo dục Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, không có sự tiến bộ và thành đạt của một quốc gia nào mà tách rời khỏi sự tiến bộ và thành đạt của quốc gia đó trong lĩnh vực giáo dục. Một nhà khoa học đã nói: giáo dục làm thay đổi cơ bản phương hướng phát triển của nền văn minh nhân loại. Ai chậm chân trên hướng này sẽ không đuổi kịp bước tiến bộ chung của nhân loại. Giáo dục góp phần xóa đói, giảm nghèo, thực hiện công bằng xã hội, giáo dục mang lại kiến thức, quan điểm, kỹ năng, giúp nâng cao năng suất lao động của người nghèo, thu nhập cao hơn, đất nước không thể phát triển bền vững nếu không phát triển giáo dục đúng mức.

Về thế hệ trẻ, đại biểu Đinh Thị Phương Lan dẫn lời bà Herita, Giám đốc điều hành UNICEF, mặc dù doanh số thế giới bùng nổ, chúng ta đã giảm gần 40% trẻ em không được đi học tiểu học, số trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm 100 triệu em, nhưng thách thức vẫn còn, số lượng các gia đình di cư nhiều hơn bất kỳ giai đoạn nào khác. Đối với nhiều người, động lực thúc đẩy di cư là mưu cầu cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên, đối với rất nhiều trẻ em, di cư lại là một lựa chọn tích cực và là một nhu cầu cấp thiết. Đơn giản là vì các em chưa xây dựng được một cuộc sống an toàn, lành mạnh, thịnh vượng ở nơi các em được sinh ra. Trẻ em cần nước sạch, không khí sạch, môi trường sạch, nhiều trẻ em sẽ gánh chịu sự hủy hoại lâu dài đến sự phát triển của não bộ và phổi trong thời gian phát triển của mình.

Đến năm 2041, một trong bốn trẻ em sẽ phải sống ở khu vực thiếu nước nghiêm trọng, và hàng nghìn trẻ em sẽ mắc bệnh ở các nguồn nước ô nhiễm là những điều cần phải suy ngẫm và chuẩn bị có quan tâm đúng mức đến trẻ em, thế hệ trẻ Việt Nam.

"Phải chuẩn bị tâm thế để thế hệ trẻ Việt Nam đủ sức mang trên vai trọng trách lịch sử to lớn, tiếp tục phát huy truyền thống vinh quang của thế hệ cha anh để trở thành lực lượng lao động có trí tuệ, có tay nghề cao, có đạo đức, có lối sống trong sáng, có sức khỏe, thể chất, có sức khỏe, tinh thần cường tráng, có khát vọng tham chính để đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh", đại biểu Đinh Thị Phương Lan nhấn mạnh .

Hồ Hương