ĐBQH NGUYỄN THỊ VIỆT NGA: BỒI ĐẮP VĂN HÓA CẦN ĐƯỢC CHÚ TRỌNG MỌI LÚC MỌI NƠI

30/04/2021

Nhìn lại thành công cũng như hạn chế còn tồn tại của nhiệm kỳ 2016, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương còn trăn trở về một vấn đề, đó là làm thế nào để văn hóa thực sự trở thành động lực, nguồn lực, để trở thành bệ phóng đưa đất nước phát triển toàn diện.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương phát biểu tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. 

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn 2016-2021 vừa qua đã được thể hiện rõ trong báo cáo của Chính phủ. Tuy nhiên, dường như nền tảng của văn hóa chưa theo kịp sự phát triển kinh tế.

Nước ta đã dành nhiều nguồn lực để phát triển văn hóa từ cơ chế, chính sách đến các chương trình mục tiêu. Nhưng vấn đề phát triển văn hóa không chỉ đơn thuần nằm ở số tiền dành cho lĩnh vực văn hóa.

Sự thực cho thấy xã hội ngày càng có nhiều biểu hiện của việc đạo đức văn hóa xuống cấp và việc xuống cấp văn hóa đạo đức này diễn ra ở mọi lĩnh vực, ngay cả trong những môi trường tưởng như văn hóa nhất”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu quan điểm.

"Quốc hội đã thực hiện giám sát tối cao về vấn đề xâm hại trẻ em, những con số đưa ra khiến chúng ta không khỏi giật mình. Nhưng ngay trong, sau thời gian thực hiện giám sát tối cao thì những sự việc đau lòng vẫn diễn ra, gây phẫn nộ cho nhân dân" -  nữ đại biểu đoàn Hải Dương nói.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Việt nga, thời gian qua đã nhiều vụ án, đại án được đưa ra xét xử mà người vi phạm lại giữ các chức vụ cao, phạm tội không phải thiếu hiểu biết pháp luật mà ngược lại rất am hiểu về luật pháp nhưng bị mối lợi vật chất làm mờ mắt để cố tình chà đạp lên pháp luật, thu lợi bất chính cho cá nhân.

 Dư luận xã hội đồng tình với việc xử lý nghiêm minh các trường hợp tham ô, tham nhũng nhưng cũng rất đau xót khi niềm tin của nhân dân bị một số quan chức biến chất đã làm xói mòn, lung lay và hậu quả của sự xói mòn niềm tin này còn lớn hơn nhiều những thiệt hại về kinh tế.

Trong Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ nêu rất rõ nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại, trong đó nhấn mạnh nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, trong đó yếu tố quyết định chính là con người.

Nước ta đã có hệ thống pháp luật tương đối đồng bộ và toàn diện, có những chế tài xử lý quyết liệt, tuy nhiên theo đại biểu, nếu thiếu đi ý thức tự giác pháp luật, thiếu nền tảng văn hóa vững chắc thì những vi phạm pháp luật vẫn tiếp tục diễn ra nhiều. Trong một thời gian khá dài, dường như việc đào tạo trong các trường đại học, cao đẳng, khối ngành học khoa học xã hội và nhân văn ít được coi trọng, các ngành này tuyển sinh khá chật vật so với khối ngành kinh tế.

Chúng ta đã có nhiều nỗ lực để bảo tồn, giữ gìn và phát triển nền văn hóa nhưng dường như vẫn thiếu giải pháp trọng tâm, nền tảng”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nói.

Từ những phân tích nêu trên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị Chính phủ xem xét có giải pháp tổng thể đồng bộ, hiệu quả và quyết liệt hơn nữa để phát triển văn hóa một cách toàn diện. Khi Việt Nam và toàn thế giới đối mặt với đại dịch Covid-19, trong những lúc nguy nan nhất, cứu cánh hữu hiệu cho con người lại chính là văn hóa, sự tương thân tương ái, tinh thần đùm bọc, sẻ chia, tình đoàn kết dân tộc, nghĩa đồng bào đã tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn, huy động được nguồn lực tài chính, vật chất quan trọng để giúp nước ta vượt qua được những tình huống khó khăn nhất.

Nước ta đã có truyền thống văn hóa tốt đẹp ngàn đời của dân tộc được giữ gìn, trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. “Việc bồi đắp, phát huy văn hóa là việc làm cần được chú trọng trong mọi lúc, mọi nơi và không có điểm dừng”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu quan điểm.

Hồ Hương