ĐBQH HỒ THANH BÌNH ĐỀ NGHỊ CHÍNH PHỦ TĂNG CƯỜNG ĐẦU TƯ HẠ TẦNG CHO ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

28/05/2021

Tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Hồ Thanh Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang nêu rõ, Đồng bằng sông Cửu Long mặc dù có rất nhiều tiềm năng phát triển nhưng vẫn đang phải đối diện với nguy cơ tụt hậu về kinh tế so với cả nước, do vậy ông đề nghị Chính phủ tăng cường hơn nữa trong đầu tư hạ tầng giao thông và cảng biển nước sâu để làm tiền đề thu hút đầu tư.

Phát biểu tại phiên thảo luận về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ, đại biểu Hồ Thanh Bình đánh giá, nhiệm kỳ vừa qua, cùng với hệ thống chính trị, Chính phủ đã rất trách nhiệm và nỗ lực trong điều hành và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong các lĩnh vực quan trọng của đất nước. Việt Nam đã là điểm sáng trong mắt của thế giới với thành tích tăng trưởng ấn tượng trong đại dịch toàn cầu và bên bờ vực khủng hoảng kinh tế thế giới.

Đại biểu Hồ Thanh Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang phát biểu tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. 

Đại biểu Hồ Thanh Bình đề nghị Chính phủ nhiệm kỳ mới cần tăng cường hiệu quả tư duy phòng bệnh hơn chữa bệnh đối với vấn đề sức khỏe và vấn đề ma túy. Khoa học đã chứng minh sức khỏe của người dân chịu ảnh hưởng rất lớn bởi môi trường sống, thức ăn, bệnh dịch, kiến thức của người dân về dinh dưỡng và sức khỏe cũng như là chất lượng của hệ thống khám, chữa bệnh. Theo đại biểu Hồ Thanh Bình, chính sách đầu tư và thu hút vốn đầu tư trong lĩnh vực sức khỏe cho người dân cần được tính toán ở một tỷ lệ nhất định, giữa vốn cho bệnh viện, trang thiết bị y tế, đào tạo y bác sĩ và vốn cho sản xuất nông nghiệp an toàn và xử lý các vấn đề môi trường.

Đại biểu Đoàn An Giang đề nghị Chính phủ có những chính sách ưu tiên, bằng công cụ hỗ trợ tài chính thiết thực đối với các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn và mô hình tiên tiến trong quản lý chuỗi nông sản an toàn, bên cạnh nỗ lực của các doanh nghiệp; xem việc sản xuất nông nghiệp an toàn không chỉ là yêu cầu của thị trường mà chính là một phần của sức khỏe môi trường, đối tượng tác động trực tiếp đến sức khỏe và chất lượng của dân số lâu dài.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần đồng hành với các doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp an toàn. Chính phủ cũng cần quan tâm, đầu tư thích đáng cho vấn đề đảm bảo an toàn các loại môi trường không khí, môi trường nước, môi trường đất, nơi người dân sinh sống và sản xuất. Chính phủ cũng cần tăng cường các chính sách phổ biến, phổ cập các kiến thức và thực hành đối với sức khỏe và dinh dưỡng của người dân trong các vấn đề liên quan đến sản xuất, dịch vụ và tiêu thụ đối với nông sản và thực phẩm xung quanh họ. Đại biểu Hồ Thanh Bình cho rằng, việc tập trung đầu tư cho dịch vụ y tế mà thiếu các giải pháp phòng ngừa hiệu quả cho người dân sẽ dẫn đến các hệ lụy về chất lượng nòi giống, các vấn đề về hạnh phúc gia đình và gánh nặng kinh tế.

Liên quan đến tệ nạn ma túy, đại biểu Hồ Thanh Bình cho biết, Báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao 2016-2021 nhấn mạnh tội phạm liên quan đến ma túy tăng về tính chất và quy mô. Theo đại biểu, đã đến lúc Việt Nam cần xem vấn đề ma túy là vấn đề cấp bách và cương quyết phòng, chống, không khoan nhượng.

“Với tảng băng 230.000 người nghiện được báo cáo, con số thực tế số người nghiện chắc chắn còn nhiều hơn”, đại biểu Hồ Thanh Bình nhận định.

Đại biểu cho rằng, các quy định pháp luật liên quan đến hiểm họa này cần đặt trọng tâm ở các giải pháp "phòng". Phải làm sao cho người muốn sử dụng ma túy nghĩ rằng đây là "giặc" có tác hại, bằng, hoặc cao hơn virus SARS-CoV-2. Việc tăng cường hành lang pháp lý và xã hội hóa các dịch vụ chữa bệnh đối với con nghiện ma túy mà thiếu các biện pháp phòng ngừa hữu hiệu sẽ có nguy cơ lớn dẫn đến gia tăng số con nghiện trong thời gian tới.

“Tôi tha thiết kêu gọi Quốc hội, Chính phủ, các đại biểu Quốc hội và hệ thống chính trị hết sức quan tâm và có giải pháp cương quyết trong việc phòng, chống tệ nạn này, có ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, đến xã hội và vấn đề nòi giống dân tộc”, đại biểu đề nghị.

Đại biểu Hồ Thanh Bình phản ánh, cử tri vùng Đồng bằng sông Cửu Long cảm ơn Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ đã quan tâm và lắng nghe các kiến nghị của cử tri đối với nhiều vấn đề phát triển và đã đưa ra nhiều chính sách kịp thời. Tuy nhiên, thách thức lớn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long là nguy cơ tụt hậu về kinh tế trong nước và là bài toán về việc làm cũng như thu nhập nội vùng cho bà con Đồng bằng sông Cửu Long.

Với quy mô dân số trên 17 triệu người trong một diện tích trên 40.000 km2 đầy tiềm năng, với hệ thống giáo dục được đầu tư thông suốt từ mầm non đến phổ thông cũng như có nhiều trường đại học trong vùng, với tinh thần sáng tạo, chịu thương, chịu khó của người dân nơi đây, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang có những yếu tố quan trọng đáp ứng các yêu cầu về nguồn nhân lực và đất đai cho các nhà đầu tư, các tập đoàn lớn trong và ngoài nước đến đầu tư. Đại biểu Hồ Thanh Bình nhận định, Chính sách của Chính phủ cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa nhằm sớm đưa vùng trở thành một khu vực kinh tế mới thu hút đầu tư trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ quyết liệt và tăng cường hơn nữa trong đầu tư hạ tầng giao thông và cảng biển nước sâu trong vùng để làm tiền đề thu hút đầu tư. Bên cạnh các lĩnh vực truyền thống của vùng, đó là sản xuất nông nghiệp và du lịch, Chính phủ và các tỉnh, thành trong vùng cũng cần sớm quan tâm, đa dạng hóa các lĩnh vực quan trọng khác cho vùng như các lĩnh vực có giá trị cao trong chế biến, chế tạo, các lĩnh vực điện tử, cơ giới hóa, tự động hóa, năng lượng tái tạo, các dịch vụ logistics cảng biển, kinh tế biển, viễn thông, tài chính, công nghệ thông tin, giáo dục, đào tạo chất lượng cao trong một số lĩnh vực trọng yếu của vùng, như lĩnh vực nông nghiệp, biến đổi khí hậu và nhiều ngành kinh tế quan trọng khác của đất nước.

Hồ Hương