GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: HỘ CHIẾU VACXIN LÀ VẤN ĐỀ ĐANG ĐƯỢC NGHIÊN CỨU, THẢO LUẬN

14/06/2021

Dịch Covid-19 hiện vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Cùng với nỗ lực tiên vaccine ngừa lây nhiễm Virus SARS-CoV-2 của nhiều quốc gia thì câu chuyện hộ chiếu vaccine cũng được nhắc đến ngày càng nhiều hơn…

Những tháng đầu năm 2021, khi một vị khách nhập cảnh vào Việt Nam bắt đầu trình ra cuốn hộ chiếu đặc biệt - hộ chiếu vaccine, hay mới đây nhất là một số địa phương như Quảng Nam, Phú Quốc cũng đã đề xuất thí điểm áp dụng cơ chế “ Hộ chiếu Vaccine”. Tuy nhiên, xung quanh câu chuyện áp dụng cơ chế “ Hộ chiếu Vaccine” này hiện vẫn đang còn nhiều ý kiến trái chiều.  

Hộ chiếu vaccine

Bác sỹ Calvin là một trong số những công dân đầu tiên có hộ chiếu Vaccine về Việt Nam. Tấm hộ chiếu có phiếu tiêm ngừa đầy đủ 2 mũi Vaccine và được CDC Mỹ xác nhận. Tuy vậy, theo quy định hiện nay, bác sỹ Calvin vẫn phải cách ly đầy đủ 14 ngày. Đã tuân thủ hết thời gian cách ly bắt buộc và trở lại làm việc, nhưng theo ông Calvin, Việt Nam cần sớm áp dụng cơ chế đối với người đã có hộ chiếu vaccine khi nhu cầu phát triển hợp tác, giao thương, du lịch, đào tạo, thăm thân… hai chiều với các nước sau một thời gian dài bị hạn chế vì dịch bệnh, ngày càng tăng cao.

Trong khi đó, thị trường du lịch đang vào mùa sôi động. Theo những người làm du lịch, nếu không nhanh chân thì ngành du lịch Việt sẽ vô cùng khó khăn. Bà Trần Thị Kim Sơn, Công ty du lịch Biển Ngọc, TP.Đà Nẵng cho rằng, ngoài hộ chiếu vacxin thì hiện tại vẫn phải cách ly 14 ngày, sẽ gây khó khăn cho khách du lịch nước ngoài. Do đó, mong muốn Nhà nước và các doanh nghiệp du lịch có thể phối hợp để mở cửa thị trường quốc tế một cách an toàn, đảm bảo nguyên tắc chống dịch và thuận lợi cho hai phía.

Bà Trần Thị Kim Sơn, Công ty du lịch Biển Ngọc

Không chỉ ngành du lịch, ngành hàng không cũng đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Chính phủ cho phép triển khai cơ chế hộ chiếu vaccine để mở lại đường hàng không quốc tế đi và đến Việt Nam với lý do, ngành hàng không hiện đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, việc mở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ là rất cấp bách. Việc cho phép hành khách sử dụng hộ chiếu vaccine và có kết quả xét nghiệm PCR âm tính là giải pháp hữu hiệu khi mở đường bay.

Mới đây nhất, một số địa phương như Quảng Nam, Phú Quốc đang đề xuất Chính phủ cho thí điểm áp dụng hộ chiếu vaccine với khách lưu trú ngắn ngày, chỉ chơi golf, nghỉ dưỡng không di chuyển. Cùng với đó, hiện việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 của Việt Nam đang được đẩy mạnh, tính toán từng bước áp dụng hộ chiếu Vaccine lúc này đang được nhiều ý kiến cho rằng cần sớm được thực hiện.

Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch cho biết, giải pháp tốt nhất của Việt Nam có thể làm là chúng ta chọn 1-2 địa điểm để có thể làm thí điểm hộ chiếu vaccine, kết hợp với việc tăng cường tiêm vaccine cho tất cả tổ chức, cá nhân tham gia vào việc phục vụ khách hàng.

Bên cạnh những ý kiến đồng thuận thì vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn, lo ngại vì cho rằng, Việt Nam vẫn còn quá nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu và giải quyết. Không chỉ có nỗi lo khi nào sẽ có quy chuẩn chung giữa các quốc gia trong việc áp dụng hộ chiếu vaccine, mà tình trạng truy suất thông tin tiêm chủng cũng là một trở ngại lớn. Nếu quản lý không tốt, chúng ta sẽ phải đối diện với nguy cơ “nhập khẩu” virus là khó tránh khỏi khi áp dụng “hộ chiếu vaccine” mà thiếu biện pháp ngăn ngừa và bỏ qua các nguyên tắc trong phòng, tránh dịch bệnh.

Theo GS. TS Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội Khóa XIV, những thành tựu trong phòng chống dịch Covid- 19 của Việt Nam trong suốt 2 năm qua là hết sức to lớn. Để đạt được kết quả này là nỗ lực, đóng góp, công sức của cả hệ thống chính trị, các cấp các ngành và toàn thể nhân dân. Vì vậy, việc bảo vệ, giữ gìn những thành quả trong phòng chống dịch như hiện nay là rất cần thiết. Bên cạnh đó, không có gì bằng sức khỏe, bằng sinh mạng của nhân dân vì vậy việc áp dụng hộ chiếu vaccine cần phải có tính toán, cân nhắc hết sức thận trọng thời điểm áp dụng phù hợp. 

Không chỉ ở Việt Nam, ngay cả các quốc gia trên thế giới, câu chuyện hộ chiếu vaccine vẫn đang là chủ đề gây tranh cãi và chưa có hồi kết. Trong khi ngày càng có nhiều nước trên thế giới áp dụng mô hình “hộ chiếu vaccine”, lại không hề có sự thống nhất các tiêu chuẩn chung ở cấp độ quốc tế để nâng cao hiệu quả của “tấm giấy thông hành” thời Covid-19 này. Việc áp dụng mô hình “hộ chiếu vaccine” đã bộc lộ những chia rẽ giữa các quốc gia, khi nước nào cũng đề cao lợi ích của mình.

Ý tưởng về hộ chiếu vaccine hay hộ chiếu tiêm chủng đã được một số quốc gia trên thế giới đề cập đến. Israel công bố hộ chiếu xanh cho phép những người đã tiêm chủng ăn trong các nhà hàng, tham dự các sự kiện công cộng và đi lại tự do. Đan Mạch thông báo đang phát triển hộ chiếu vaccine kỹ thuật số cho những người đã tiêm vaccine. Trong khi đó, đề xuất cấp thẻ vaccine cho phép đi lại tự do trên khắp liên minh Châu Âu đang được thủ tướng Hy Lạp thúc đẩy. Hay tại Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã chỉ thị cấp giấy chứng nhận cho những người đã được tiêm ngừa Virus SARS-CoV-2 và cho công dân nhập cảnh vào Nga. Tuy nhiên, đây không phải là sự lựa chọn của nhiều quốc gia.

Thủ tướng Canada cho rằng, việc có đủ người dân nhiệt tình tham gia tiêm chủng sẽ giúp nước này không cần phải thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt hơn như cấp hộ chiếu Vaccine: “ … Tôi nghĩ, đó là một ý tưởng thú vị nhưng cũng đầy thách thức. Chúng tôi đã thúc đẩy mọi người tiêm vaccine càng nhanh càng tốt vì chúng tôi luôn biết rằng sẽ có những người không tiêm phòng vì nhiều lý do khác nhau. Tôi lo lắng về những tác động không mong muốn như sự chia rẽ trong cộng đồng của chúng tôi ….”.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau 

Tại Vương quốc Anh, hộ chiếu vaccine cũng gây nhiều tranh cãi, mặc dù không có ý định triển khai hộ chiếu vaccine, song chính phủ sẽ hỗ trợ các nước khác thực hiện kế hoạch này, bởi tiêm vaccine là điều hoàn toàn tự nguyện.

Trong khi đó, tình trạng làm giả chứng nhận tiêm chủng vaccine vẫn đang là lỗi lo thường trực khi mà đầu tháng 2 vừa qua, cơ quan cảnh sát châu âu ( Europol ) đã cảnh báo về hiện tượng các băng nhóm tội phạm có tổ chức làm giả và bán giấy chứng nhận âm tính với Virus SARS-CoV-2 tại các sân bay, đôi khi giá lên tới 300 Euro 1 tờ. 

“ … Chừng nào các biện pháp hạn chế đi lại vẫn còn hiệu lực do đại dịch Covid – 19, rất có thể tội phạm sẽ lợi dụng cơ hội này để làm giả và bán giấy chứng nhận âm tính với Virus SARS-CoV-2. Những đối tượng lừa đảo có thể tạo ra các giấy tờ giả mạo, có chất lượng cao nhờ các ứng dụng công nghệ rộng rãi  ….” PV Bà  Catherine De Bolle,  Giám đốc Cơ quan cảnh sát Châu âu ( Europol ) cho biết.

Không chỉ có vậy, hiện nay các quốc gia vẫn chưa có sự đồng nhất trong việc chấp nhận các loại vaccine. Đơn cử, “hộ chiếu vaccine” mà EU đề xuất sẽ chỉ chấp nhận các loại vaccine đã được Cơ quan dược phẩm châu Âu (EMA) phê duyệt . Trong khi Trung Quốc cho biết, “hộ chiếu vaccine” của họ sẽ chỉ cho phép người nước ngoài nhập cảnh nếu họ tiêm vaccine của Trung Quốc. Chính sự phân tách toàn cầu dựa trên vaccine này đã đẩy hàng triệu người trên toàn thế giới, vốn không thể lựa chọn tiêm loại vaccine nào đứng trước nguy cơ ngay cả khi được tiêm phòng đầy đủ thì việc đi lại của họ vẫn có thể bị hạn chế, cản trở hoạt động kinh doanh quốc tế và ngành du lịch.

Lợi ích của việc áp dụng cơ chế hộ chiếu vaccine đem lại là điều không phải bàn cãi. Cũng chính vì điều này mà thời gian qua, Chính phủ đã giao các Bộ ngành có liên quan nghiên cứu, chuẩn bị cơ sở, hạ tầng và các điều kiện cần thiết để tiến tới áp dụng hộ chiếu vaccine. Tuy nhiên, do đại dịch Covid – 19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp, cùng với đó là hàng loạt thách thức buộc chúng ta phải xử lý để bảo vệ thành quả phòng chống dịch bệnh trong thời gian qua nên việc áp dụng hộ chiếu Vaccine ngay lúc này hiện cũng đang còn ý kiến băn khoăn.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, hộ chiếu vaccine là một giải pháp được nhiều chuyên gia đề cập đến nhưng về nguyên tắc thì cần ưu tiên giải pháp an toàn, bảo vệ sức khỏe người dân khỏi lây nhiễm dịch bệnh Covid 19. Trong trường hợp, việc tiêm vaccine mà đảm bảo rằng hoàn toàn miễn dịch đối với virut này thì chúng ta mới có thể nghĩ đến việc mở rộng và áp dụng đại trà hộ chiếu vaccine. Đây là vấn đề cần tiếp tục được thảo luận, nghiên cứu và áp dụng thí điểm trước khi nhân rộng.

Ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội

Phóng viên: Thưa đại biểu, thời điểm này liệu Việt Nam đã nên áp dụng cơ chế hộ chiếu vaccine hay chưa? Nếu áp dụng thì sẽ mang lại lợi ích như thế nào đối với nước ta?

Ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội: Việc mở rộng giao thương, thăm thân, giao lưu, thương mại,… là nhu cầu không chỉ của nước Việt Nam mà toàn thế giới đều mong muốn. Những lợi ích mang lại thì chắc chắn là rất nhiều. Tuy nhiên, trong khi Ấn Độ, một số nước xung quanh đang ở đỉnh dịch thì việc chúng ta nghĩ đến việc mở rộng giao thương thời điểm này là thời điểm cần hết sức cân nhắc, thận trọng.

Việt Nam nói riêng và các nước trên toàn thế giới cũng đều suy nghĩ, tìm giải pháp để có thể phục hồi lại kinh tế, mở rộng lại giao thương. Hộ chiếu vaccine là một giải pháp nhiều nhà chuyên gia đề cập đến nhưng về nguyên tắc thì cần ưu tiên giải pháp an toàn bảo vệ sức khỏe người dân khỏi lây nhiễm dịch bệnh Covid 19. Trong trường hợp, việc tiêm vaccine mà đảm bảo rằng hoàn toàn miễn dịch đối với virut này thì chúng ta mới có thể nghĩ đến việc mở rộng và áp dụng đại trà hộ chiếu vaccine. 

Phóng viên: Lợi ích của việc áp dụng cơ chế hộ chiếu vaccine mang lại là rất lớn. Thế nhưng, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn bởi không chỉ có nỗi lo khi nào sẽ có quy chuẩn chung giữa các quốc gia trong việc áp dụng hộ chiếu vaccine, mà tình trạng truy suất thông tin tiêm chủng cũng là một trở ngại lớn. Quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?

Ông  Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội: Chúng phải thống nhất với nhau là các vaccine trên thế giới cũng mới được triển khai trong vòng hơn một năm trở lại đây, những nghiên cứu kỹ và sâu thì chưa có nhiều và đặc biệt các biến thể mới của virut này chúng ta cũng chưa kiểm soát được. Do đó, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trên toàn thế giới trong đó có Việt Nam cũng đang triển khai rất nhiều các bước khẩn trương tích cực để tìm ra những loại vaccine hữu hiệu.

Tuy nhiên, đến thời điểm này chưa thể khẳng định một cách chắc chắn được vaccine nào là hữu hiệu, một phần do thời gian cũng quá gấp cho nên các nước cũng chưa có điều kiện để có thể ngồi lại với nhau thống nhất về một quy chuẩn đối với loại vaccine này. Do vậy để đảm bảo an toàn cho người dân thì quy định của mỗi nước hiện nay vẫn là tiêu chuẩn cao nhất. Tôi cho rằng là việc thống nhất các quy chuẩn cho loại vaccine này cũng như cơ chế để áp dụng có lẽ cần phải thêm thời gian nghiên cứu. Nước Việt Nam chúng ta cũng đang tích cực nghiên cứu vaccine riêng của mình và hy vọng chúng ta sẽ sớm có những thành tựu và đóng góp cho nền y tế thế giới trong công cuộc phòng chống Covid19.

Phóng viên: Để bảo vệ thành quả phòng chống Covid-19 cũng như áp dụng thành công hộ chiếu Vaccine. Theo đại biểu thì các bộ, ngành có liên quan cần thực hiện giải pháp căn cơ gì trong thời gian tới?

Ông  Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội: Theo tôi chúng ta phải tiếp tục thực hiện chỉ đạo theo sự tham mưu, tư vấn của Bộ Y tế; những giải pháp của Bộ Y tế hiện nay đang rất có hiệu quả. Bộ Y tế cũng sẽ chủ động tích cực đưa ra những tiêu chuẩn, tiêu chí; những biện pháp về mặt chuyên môn đảm bảo được an toàn cho vấn đề người nhập cảnh tránh trường hợp mang thêm virut lây lan trong nước. Bên cạnh đó, các bộ, ngành khác có liên quan trong chức năng, nhiệm vụ được phân công cũng tích cực, nỗ lực phối hợp hiệu quả trong công tác phòng chống dịch covid-19. Bộ Thông tin và
Truyền thông vừa qua cũng ra phần mềm Bluezone rất là thiết thực, hy vọng phần mềm này sẽ tiếp tục ứng dụng và nâng cấp cho phù hợp với tình hình thực tiễn các địa phương. Bên cạnh đó, cũng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức tuân thủ của người dân trong thực hiện đúng khuyến cáo của Ban chỉ đạo, Bộ y tế đưa ra. Chúng ta đã vượt qua 3 làn sóng của dịch covid -19 và tôi hy vọng với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Việt Nam sẽ bảo vệ được an toàn sức khỏe cho người dân trên mảnh đất hình chữ S thân yêu.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Lê Anh