PHẢI TIẾP TỤC DUY TRÌ MỤC TIÊU KÉP TRONG THỜI GIAN TỚI

22/07/2021

Ngay sau buổi sáng làm việc thứ 3 của Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Lê Quân-Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau về những dấu ấn phát triển kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm và những giải pháp để phát triển kinh tế, xã hội trong 6 tháng cuối năm 2021.

 

Giáo sư Lê Quân - Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau.

Phóng viên: Thưa đại biểu, đánh giá như thế nào về các chỉ số phát triển kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội trong kỳ họp lần này?

Giáo sư Lê Quân - Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau: Có thể đánh giá một cách khái quát, tình hình Kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm chúng ta cơ bản đạt được thành công mục tiêu kép, đó là tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh cho người dân. Về tăng trưởng kinh tế chúng ta đạt trên 5,64%, gần đạt so với mục tiêu 6%, đặc biệt một số chỉ số như thu ngân sách chúng ta tăng cao, ngoài ra nhập khẩu xuất khẩu cũng tăng. Cụ thể, xuất khẩu một số lĩnh vực như thủy sản tăng cao hơn so với các kỳ trước, một số lĩnh vực xuất khẩu liên quan đến các khu vực FDI cũng đảm bảo được mức duy trì. Còn nhập khẩu, các chỉ số tập trung vào nhập khẩu máy móc, trang thiết bị và vật liệu sản xuất. Một số lĩnh vực khác như chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cũng có những điểm nhấn. Tuy nhiên có thể nói 6 tháng qua nền kinh tế của chúng ta cũng có những tiềm ẩn rủi ro và một số chỉ số đạt được chưa thực sự chất lượng. Ví dụ chỉ số thu thuế, thu ngân sách khu vực tư nhân, hợp tác xã của chúng ta suy giảm, nợ đọng thuế nhiều. Bởi năng lực và hiệu quả của khu vực tư nhân, khu vực doanh nghiệp của chúng ta còn hạn chế. Trong xuất khẩu, chúng ta vẫn còn nặng về xuất khẩu công nghiệp, về khoáng sản tức là chúng ta xuất khẩu nhiều mặt hàng mà mới chỉ gia công và tỷ trọng gia tăng chưa cao. Một số lĩnh vực khác như sức khỏe của doanh nghiệp hay hợp tác xã, hộ kinh doanh không tăng như kỳ vọng. Như vậy thì khả năng thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng dựa vào khu vực này là không khả quan. Bên cạnh đó, tại một số khu vực thành thị chúng ta kiểm soát mức độ tăng trưởng của lĩnh vực thương mại dịch vụ, đặc biệt là những lĩnh vực chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19 còn nhiều điều mà chúng ta cần tính toán kỹ lưỡng.

Phóng viên: Đại biểu ấn tượng với chỉ số nào nhất trong báo cáo này và tại sao ạ?

Giáo sư Lê Quân - Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau: Trong sáu tháng đầu năm, hai chỉ số mà tôi ấn tượng nhất, đó là lĩnh vực nông nghiệp. Chúng ta tiếp tục duy trì ổn định, nhất là đối với những tỉnh có vai trò chủ đạo trong việc phát triển nông nghiệp của đất nước, điều này giúp chúng ta đảm bảo được cuộc sống cho người dân, tăng  trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp cũng tốt và vẫn duy trì được 25 mặt hàng có tỷ trọng xuất khẩu trên 1 tỷ Đô la Mỹ. Chỉ số thứ 2 mà tôi ấn tượng đó là chúng ta khoanh vùng dịch tốt đảm bảo duy trì sản xuất của các khu vực công nghiệp nhất là những khu công nghiệp tại Bắc Giang, Bắc Ninh vừa qua. Vì chúng ta khoanh vùng, dập dịch tốt nên đến nay các khu vực này vẫn duy trì được quá trình sản xuất một cách xuyên suốt, vì thế mà tăng trưởng của công nghiệp chế tạo chế biến vẫn đạt trên 13% và vẫn duy trì được việc làm và tỷ trọng xuất khẩu của những mặt hàng này.

Phóng viên: Trước tình hình diễn biến phức tạp như hiện nay, theo đại biểu chúng ta cần có những giải pháp cụ thể như thế nào để duy trì được tình hình phát triển kinh tế, xã hội của 6 tháng cuối năm?

Giáo sư Lê Quân - Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau: Trong 6 tháng cuối năm chúng ta vẫn phải đảm bảo duy trì tăng trưởng đạt mục tiêu kép. Tuy nhiên mục tiêu phòng chống dịch vẫn phải đặt lên hàng đầu. Chúng ta không thể sống chung với dịch nhưng chúng ta có thể kiểm soát tốt dịch. Tỷ lệ người dân tiêm Vắc- xin chưa được nhiều thì chúng ta phải làm tốt công tác phòng chống dịch tại từng khu vực, từng địa phương và trong từng ngành. Với một số tỉnh, một số ngành, chúng ta phải  tiếp tục thực hiện phương châm kết hợp 5K  với khoanh vùng dập dịch và truy vết tốt. Một số khu vực khác chúng ta phải đặc biệt chú trọng như là khu vực sản xuất công nghiệp, các nhà máy các khu công nghiệp. Theo đó tập trung làm sao quản lý và kiểm soát tốt dịch để dịch không vào được thì mới duy trì được sản xuất và tăng trưởng công nghiệp tăng cao giúp chúng ta tăng trưởng GDP và việc làm. Ngoài ra một số lĩnh vực chúng ta cũng phải hết sức linh hoạt trong việc thực hiện chỉ thị 15 và 16 của thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là lĩnh vực thương mại và dịch vụ. Khi mà mục tiêu thương mại và dịch vụ tăng trưởng trên 3% thì khi đó nguy cơ dịch bệnh lây lan cao hơn và có khả năng diễn biến xấu hơn. Như vậy thì chúng ta phải tính toán làm sao để trong tỷ trọng tăng trưởng GDP và giải quyết việc làm cho người dân thì phải phân khu, phân khai các chỉ tiêu khác nhau để có các giải pháp phù hợp với từng khu vực địa lý, từng địa phương./.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Phan Hằng- Kim Thanh