Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình thảo luận tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Nguyễn Minh Tâm nhận định, năm 2021 là năm bản lề, khởi đầu cho một giai đoạn phát triển mới của nền kinh tế - xã hội nước ta, được mở đầu bằng sự kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, một sự kiện chính trị trọng đại, từ đây những chủ trương, đường lối, nhiệm vụ, giải pháp được đại hội đề ra sẽ tạo tiền đề cho những thắng lợi trong quá trình đẩy mạnh công cuộc đổi mới.
Tuy vậy, bước vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và kế hoạch 5 năm 2021-2025, nước ta đã phải đối mặt với những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới và trong nước. Đó là kinh tế - xã hội phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn lớn, thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, dịch bệnh Covid-19 kéo dài, phức tạp đã làm đảo lộn tình hình thế giới, trong nước.
Trong bối cảnh đó, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đánh giá cao những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội của nước ta đạt được trong thời gian qua. Đó là, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64%; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát; thị trường tiền tệ, tín dụng tỷ giá ổn định; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế tiếp tục được giữ vững.
Theo đại biểu Nguyễn Minh Tâm, những thành quả trên thể hiện rõ nét những cố gắng, nỗ lực và sự sáng tạo, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Quốc hội đã kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, xây dựng thể chế kinh tế, tăng cường giám sát, chất vấn. Các cơ quan tư pháp, công an, tòa án, viện kiểm sát đã bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân tạo nên các điều kiện cần thiết cho phát triển kinh tế - xã hội.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho rằng, việc thực hiện kế hoạch còn nhiều hạn chế, kinh tế vĩ mô chưa thật sự ổn định và bền vững; chiến lược vaccine còn gặp nhiều thách thức; đời sống bộ phận nhân dân còn khó khăn; một số yếu kém trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, xã hội, trật tự an toàn xã hội còn chậm khắc phục; tình hình tội phạm tham nhũng, lãng phí vẫn diễn biến phức tạp.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm bày tỏ tán thành với các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt của Chính phủ trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, như chiến lược vaccine, ngoại giao vaccine, biện pháp 5K, các giải pháp hỗ trợ người dân. Tuy nhiên, theo đại biểu, dịch bệnh vẫn kéo dài và chưa có dấu hiệu dừng lại, việc ứng phó với dịch bệnh vẫn mang tính ngắn hạn,… vì vậy cần phải có các giải pháp lâu dài và phải có chiến lược sống chung với dịch bệnh này, hướng tới trạng thái bình thường mới.
Theo đó, bên cạnh các giải pháp về vaccine, xét nghiệm, điều trị bệnh, nâng cao trách nhiệm xã hội thì cần có các kịch bản cụ thể để đảm bảo hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước trong điều kiện dịch bệnh. Trong đó, chú trọng đến các cơ quan hoạt động có tính chất đặc thù như Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, đặc biệt đối với tòa án, viện kiểm sát, công an, làm sao để hoạt động xét xử, giam giữ, tiến hành phù hợp, không để tồn đọng án và phòng ngừa được dịch bệnh.
Đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, một trong hai hoạt động chủ yếu để thực hiện mục tiêu kép: bên cạnh các vấn đề về hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động, bảo đảm chuỗi cung ứng sản xuất không bị đứt gãy trong trường hợp dịch bệnh xảy ra tại các khu công nghiệp thì cũng rất cần quan tâm đến quyền của người lao động trong khu công nghiệp bị cách ly để họ được bảo đảm quyền lợi về ăn nghỉ, vui chơi, giải trí, đời sống gia đình.
Về nguồn lực tài chính cho công tác phục vụ dịch bệnh, đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho rằng cần đảm bảo nguồn lực lâu dài cho công tác phòng, chống đại dịch, khi nguồn ngân sách nhà nước còn khó khăn, phải huy động các nguồn đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp vào quỹ vaccine. Các cơ quan nhà nước cần hết sức tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí để tạo nguồn kinh phí.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Minh Tâm, hiện chúng ta còn để lãng phí trong nhiều lĩnh vực, như nguồn lực, lãng phí biên chế, bộ máy hành chính cồng kềnh, lãng phí do các thủ tục hành chính rườm rà, lãng phí tài nguyên thiên nhiên, tài sản công. Mặc dù nghị quyết của Đảng khẳng định chống cả tham nhũng và lãng phí, nhưng trong nhận thức của nhiều người vẫn xem nhẹ tính chất nguy hại của hành vi lãng phí, chỉ coi nó như là tồn tại, hạn chế, khuyết điểm. Trong khi phát hiện hành vi tham nhũng có thể gặp nhiều khó khăn vì đó là hành vi tội phạm ẩn, người phạm tội có quyền, có trình độ, thủ đoạn tinh vi thì hành vi lãng phí dễ dàng nhận diện hơn. Nếu kiên quyết, có chế tài mạnh chúng ta có thể chống lãng phí một cách hiệu quả và có thêm nguồn lực để phòng, chống đại dịch và phát triển kinh tế - xã hội.
Về hoàn thiện hệ thống pháp luật để phục vụ cho phòng, chống dịch bệnh: đại biểu Nguyễn Minh Tâm nhấn mạnh, trong thời gian tới cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật để phục vụ cho phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và đảm bảo quyền con người, quyền công dân. Một số văn bản pháp luật cần quan tâm sửa đổi, như các quy định của pháp luật về chống bệnh truyền nhiễm đã lạc hậu, một số quy định không áp dụng được trong thời gian dịch bệnh Covid-19 vừa qua.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho rằng cần phải tận dụng nhanh cơ hội từ thương mại điện tử, vì đây là thời điểm phù hợp để đẩy mạnh loại hình thương mại này. Theo đó, rà soát và hoàn thiện khung khổ pháp luật cho loại hình thương mại điện tử. Đồng thời, cần chú ý đây cũng có thể là thời điểm để một số doanh nghiệp FDI về thương mại điện tử tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Vì vậy, cần nghiên cứu các giải pháp để bảo vệ doanh nghiệp trong nước.
Theo đại biểu Nguyễn Minh Tâm, cử tri cũng đề nghị Nhà nước quyết liệt hơn trong tinh giản biên chế, cải cách tiền lương, quan tâm về chính sách nhà ở xã hội đối với những người có thu nhập thấp, ưu tiên hỗ trợ ngân sách cho các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tiếp tục quan tâm đầu tư, hỗ trợ bảo vệ ngư dân bám biển và tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.