ĐBQH TÔ VĂN TÁM: ÁP DỤNG CÁC BIỆN PHÁP CHỐNG DỊCH "CHƯA CÓ TIỀN LỆ" LÀ CẦN THIẾT

10/08/2021

Phát biểu tại phiên thao luận của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Tô Văn Tám – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum, cho rằng việc Quốc hội tạo cơ sở pháp lý cho Chính phủ áp dụng một số biện pháp đặc biệt, khác với quy định của luật hoặc chưa có trong luật để tăng tính hiệu quả của công tác phòng, chống dịch bệnh là cần thiết.


Đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum thảo luận tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Theo đại biểu Tô Văn Tám, điểm sáng của kết quả phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm là việc thực hiện mục tiêu kép đạt được nhiều thành tựu tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, thu ngân sách nhà nước tăng 16,3% so với cuối năm 2020, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn được tổ chức duy trì phù hợp với điều kiện chống dịch, không đứt gãy nguồn cung ứng, tổ chức tốt việc lưu thông hàng hóa, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhất là người dân các địa phương có dịch đang thực hiện Chỉ thị 15, 16 của Chính phủ. Mặc dù có hiện tượng khan hiếm cục bộ nhưng Chính phủ, Bộ Công Thương đã kịp thời chỉ đạo, phối hợp với các địa phương tổ chức lại hệ thống siêu thị, chợ dân sinh, v.v. nên đã sớm khắc phục hiện tượng này.

Bên cạnh đó, công tác phòng, chống dịch được triển khai với sự chủ động, kịp thời và hết sức quyết liệt, sát với diễn biến phức tạp của dịch, với các giải pháp đa dạng, linh hoạt và phù hợp. Trong đó, vaccine được coi là mấu chốt, là cứu cánh, đảm bảo cho sự thành công của phòng, chống dịch.

Ngay từ thời điểm đầu khi dịch bùng phát vào đầu năm 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tích cực, chủ động đàm phán việc mua vaccine, đồng thời chỉ đạo việc nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước. Mặc dù hiện tại tỷ lệ người dân được tiêm vaccine của nước ta còn thấp do diễn biến phức tạp của đại dịch trên thế giới và khả năng sản xuất đáp ứng nhu cầu vaccine của các quốc gia, cử tri và dư luận vẫn chia sẻ và ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong quá trình thực hiện chiến lược vaccine và tin tưởng rằng mục tiêu 150 triệu liều vắc xin để tiêm cho 70 đến 75% dân số nhằm đạt miễn dịch cộng đồng và sản xuất vaccine trong nước là hiện thực trong thời gian gần.

Đại biểu Tô Văn Tám phản ánh, cử tri ghi nhận và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, quên mình của các lực lượng tuyến đầu như y tế, quân đội, công an, tình nguyện viên trong thực hiện nhiệm vụ chống dịch.

Trong khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, Quốc hội đã và đang đồng hành cùng Chính phủ trong quá trình phòng, chống dịch. Đại biểu Tô Văn Tám thống nhất cao với việc Quốc hội cần xem xét, quyết định một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo cơ sở pháp lý cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch, thể hiện trong nghị quyết của Quốc hội với nội dung cốt lõi là "cho phép Chính phủ áp dụng một số biện pháp đặc biệt khác với quy định của luật hoặc chưa có trong luật". Song, đại biểu đoàn Kon Tum cũng cho rằng cần phải xác định rõ giới hạn, phạm vi và thời gian đủ để Chính phủ thực hiện phòng, chống dịch bệnh có kết quả.

Đại biểu Tô Văn Tám nhận định, nền kinh tế của một quốc gia phát triển hay trì trệ, thịnh vượng hay nghèo đói không chỉ là vị trí địa lý, văn hóa, tiềm lực, tiềm năng, các nguồn lực mà quan trọng và quyết định là đường lối của Đảng cầm quyền và thể chế với tính cách là công cụ cụ thể hóa đường lối của Đảng cầm quyền. Bởi vậy theo đại biểu, xây dựng, cải cách, hoàn thiện thể chế nhằm cụ thể hóa kịp thời đường lối của Đảng có ý nghĩa quyết định cho sự thịnh vượng của nước ta. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã xác định rõ vấn đề và coi đó là một trong những đột phá chiến lược và đã tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Sáu tháng đầu năm đã thực hiện việc kiện toàn tổ chức bộ máy, ban hành 60 nghị định, các Bộ ban hành nhiều thông tư và trong 5 năm qua Quốc hội ban hành 73 luật, 2 pháp lệnh, Chính phủ ban hành khoảng 737 nghị định, công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cùng với việc đơn giản hóa 1.000 thủ tục hành chính gồm 3.900 điều kiện kinh doanh, 6.700 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành đã tạo khung pháp lý thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên theo đại biểu Tô Văn Tám, việc xây dựng, cải cách thể chế hành chính vẫn còn bộc lộ những hạn chế như: Số lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành nhiều nhưng vẫn còn những nội dung chồng chéo, trùng lắp, chưa thật ổn định. Thủ tục hành chính vẫn còn yếu tố gây phiền hà, nhũng nhiễu, diện mạo, quy mô của hệ thống thể chế trong thời kỳ chuyển đổi và hoàn thiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có lúc chưa thật đồng bộ.

Đại biểu Tô Văn Tám cho rằng, quan điểm công tác làm luật phải hướng vào cải cách thể chế, và quan điểm Chính phủ cần tập trung vào cải cách thể chế, cho thấy sự coi trọng và thúc đẩy mục tiêu hoàn thiện thể chế và Quốc hội luôn đồng hành cùng Chính phủ trong quá trình này. Đây cũng là yếu tố quyết định cho mục tiêu hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Vũ Hà