ĐBQH TRẦN ĐÌNH VĂN: THÍCH ỨNG ĐỂ PHỤC HỒI, PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

21/10/2021

Tham gia ý kiến về phát triển kinh tế - xã hội; giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, đại biểu Trần Đình Văn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Lâm Đồng quan tâm đến việc kiểm soát tốt dịch bệnh và thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu Trần Đình Văn, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng tham gia ý kiến về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội

Thống nhất cao phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được nêu trong báo cáo dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội năm 2022, đại biểu Trần Đình Văn nhận định, Chính phủ đã bám sát, cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu đột phá và các nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, nhấn mạnh đến việc phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh COVID-19 hiệu quả để sớm mở cửa trở lại, tận dụng tốt các cơ hội thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu nhấn mạnh, năm 2021, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến kinh tế-xã hội của nước ta, Lâm Đồng cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng đó, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã chung sức, đồng lòng vượt qua nhiều khó khăn, thách thức thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa kiềm chế, không để dịch bệnh lây lan rộng trên địa bàn, vừa đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng với tinh thần “hiệu quả trên hết”. Theo thống kê, tính tới ngày 15/10/2021, tỷ lệ người dân trên 18 tuổi trên địa bàn tỉnh tiêm chủng đạt 79,1% (trong đó, tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi vắc xin đạt 9,24%, tiêm 1 mũi đạt 69,9%); dự kiến trong tháng 11/2021 sẽ hoàn thành việc tiêm vắc xin cho người dân trên 18 tuổi. Cử tri khẩn thiết đề nghị Chính phủ đẩy mạnh độ phủ vắc xin; vì nếu cứ để tình trạng chênh lệch về độ phủ vắc xin của các địa phương trong cả nước, cộng với nguồn lực y tế của từng địa phương trong tình hình hiện nay sẽ dẫn đến tình trạng bất cập trong tiến trình bình thường hóa các hoạt động xã hội và sống chung với dịch, độ vênh và bất cập trong việc triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ thực sự khó khăn. Để đạt được độ phủ vắc xin như trên, Chính phủ cần hỗ trợ, thúc đẩy nhanh việc chuyển giao công nghệ, cấp phép khẩn cấp đối với vắc-xin trong nước phù hợp với quy định của pháp luật; sớm triển khai việc tiêm vắc-xin cho trẻ em, nghiên cứu phương án tiêm mũi tăng cường, sớm đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường với những giải pháp sống chung với dịch.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều quyết sách quan trọng để hỗ trợ người lao động, đối tượng người có công cách mạng, đối tượng yếu thế để vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động mất việc làm, thất nghiệp tăng cao, thu nhập giảm mạnh buộc người lao động tự do rời khỏi các tỉnh, thành phố lớn trở về quê. Đề nghị Chính phủ cần đặc biệt quan tâm chăm lo đến vấn đề an sinh xã hội, chính sách thu hút lực lượng lao động trở lại thành phố làm việc, hoặc giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động khi họ ở lại địa phương. Tỉnh Lâm Đồng hàng năm thu hút khoảng 7 triệu lượt khách, trong đó khoảng 500 nghìn lượt khách quốc tế; là địa phương với điểm mạnh là du lịch nghỉ dưỡng sinh thái với nhiều khách sạn đạt chuẩn từ 2 sao trở lên, có cảng hàng không dân dụng khai thác nhiều chuyến bay quốc tế, ngành du lịch chiếm tỷ trọng lớn tổng thu ngân sách của tỉnh. Khi làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, lây lan nhanh trên cả nước đã tác động tiêu cực đến ngành du lịch, đa số các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực du lịch tạm ngừng hoạt động kinh doanh, một số doanh nghiệp giải thể hoặc rút giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế và nội địa. Để thực hiện các giải pháp kích cầu du lịch sau khi dịch bệnh được kiểm soát, tận dụng lợi thế về tiềm năng và có chiến lược phát triển thị trường du lịch chất lượng cao gắn với chứng nhận đã tiêm vắc xin phòng COVID-19, tạo điều kiện triển khai đón du khách có “hộ chiếu vắc xin”, cử tri tỉnh Lâm Đồng đề nghị Chính phủ phân bổ đầy đủ vắc xin phòng COVID-19 để tiêm ngừa cho lực lượng lao động trong ngành du lịch, tạo điều kiện thuận lợi, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế của địa phương.

Cùng với đó, cử tri mong muốn Chính phủ cần tiếp tục tạo bước đột phá mới trong chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng đề ra, Chính phủ cần tăng cường thu hút sự tham gia của các đối tác theo mô hình đối tác công - tư (PPP) trong lĩnh vực nông nghiệp nhất là mặt hàng cà phê, chè vốn là thế mạnh của địa phương Lâm Đồng, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy chuỗi sản xuất bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và bình ổn giá các sản phẩm nông nghiệp. Từ câu chuyện về hoạt chất thuốc xử lý mầm hoa xuất khẩu sang Úc và khan hiếm giống tằm tại địa phương trong thời gian qua, đề nghị Chính phủ quan tâm, đẩy nhanh đàm phán với các đối tác có sản lượng xuất khẩu hoa chiến lược; đầu tư, mở rộng các trung tâm trong nước nhằm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ để làm chủ về cây giống, con giống giảm sự phụ thuộc vào nguồn giống nhập khẩu như hiện nay, đảm bảo không để đứt gãy trong chuỗi sản xuất nông nghiệp, giúp bà con nông dân và doanh nghiệp khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, góp phần quan trọng cho sự phát triển của ngành nông nghiệp địa phương./.

Kim Liên