Theo Chương trình dự kiến của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Cảnh sát cơ động. Dự án Luật gồm 05 chương, 31 điều, với nội dung cơ bản được xây dựng trên cơ sở bám sát các giải pháp của 04 chính sách đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua; kế thừa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2013, bổ sung những quy định mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn hoạt động của Cảnh sát cơ động.
Thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trên cơ sở nghiên cứu Tờ trình số 287/TTr-CP ngày 2/8/2021 của Chính phủ về dự án Luật Cảnh sát cơ động, Thường trực Ủy ban Xã hội vừa đóng góp ý kiến về Luật Cảnh sát cơ động. Qua nghiên cứu văn bản dự thảo Luật lần này, nhiều ý kiến góp ý của Ủy ban Xã hội đã được tiếp thu và điều chỉnh trong dự thảo Luật.
Tại Phiên họp toàn thể lần thứ 2 do Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức mới đây, bổ sung ý kiến đóng góp cho dự án Luật, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang cơ bản nhất trí với sự cần thiết xây dựng Luật Cảnh sát cơ động nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, khắc phục những bất cập của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động và đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển và hội nhập của đất nước trong tình hình mới.
Về việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án Luật cho thấy, bộ hồ sơ dự án luật đã có Báo cáo 484 về vấn đề bình đẳng giới. Hồ sơ dự án Luật đã bổ sung công văn góp ý số 6177/BCT-TG ngày 10/9/2021 của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam theo như quy định và theo ý kiến của Ủy ban Xã hội.
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Xã hội
Các quy định của dự thảo Luật thể hiện nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử về giới. Tuy nhiên, với tính chất đặc thù của công tác Cảnh sát cơ động cũng như thực trạng quân số nữ tham gia và trong lực lượng này còn chiếm tỷ lệ rất thấp, Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu các ý kiến của Bộ Tư pháp, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để bổ sung vào dự thảo Luật các quy định các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Cầm cũng đã nghiên cứu Báo cáo của Bộ Công an giải trình, tiếp thu ý kiến củ Bộ Tư pháp. Những quy định về chế độ, chính sách ưu đãi đặc thù đối với phụ nữ trong Cảnh sát cơ động sẽ được quy định cụ thể ở các văn bản dưới luật để đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với điều kiện kinh tế…
Về biện pháp công tác của Cảnh sát cơ động (Điều 12), tại khoản 1 có nêu Cảnh sát cơ động thực hiện các biện pháp vũ trang, vận động quần chúng, pháp luật, ngoại giao, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, nghiệp vụ theo quy định. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Cầm đề nghị bổ sung thêm biện pháp về tâm lý, văn hóa - xã hội vì các lý do sau:
Thứ nhất: Mục đích của lực lượng Cảnh sát cơ động là để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Có nhiều vụ việc sẽ liên quan tới tâm lý, xã hội.
Thứ hai: Thực tế, trong một số tình huống phức tạp, tụ tập đông người, lợi dụng biểu tình có hiện tượng lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, thiếu nhận thức của người dân, của phụ nữ, phụ nữ mang thai, trẻ em để kêu gọi tụ tập, gây rối. Do vậy, Cảnh sát cơ động cần phải có thêm các biện pháp về tâm lý, văn hóa xã hội để giải quyết những tình huống này được hiệu quả.
Đối với Điều 4 về Nguyên tắc hoạt động, đề nghị bổ sung thêm 1 nguyên tắc Tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhân dân trước nội dung bảo vệ quyền và lợi ích hợp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Lý do là vì tại Điều 14 khoản 1 về Nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động đã thể hiện phải Tuyệt đối trung thành với Nhân dân do vậy việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân là điều tất yếu.
Ngoài ra, việc đưa nguyên tắc Tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân là yếu tố đầu tiên trước khi tính tới quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân sẽ tạo điều kiện cho Cảnh sát cơ động làm việc trong những vụ việc khi có đối kháng về lợi ích giữa Nhân dân và từng cá nhân cụ thể trong vụ việc đó.
Về đảm bảo bình đẳng giới trong công tác xây dựng Cảnh sát cơ động (Điều 5), điều động Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ; Tuyển chọn công dân vào Cảnh sát cơ động (Điều 24), Đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát cơ động (Điều 25) là các điều rất cần lồng ghép bình đẳng giới và đảm bảo quyền lợi của cả phụ nữ và nam giới. Tuy nhiên, hiện nay, duy nhất ở Điều 24 về tuyển chọn công dân vào Cảnh sát cơ động có quy định đáp ứng mục tiêu Bình đẳng giới là: Công dân Việt Nam không phân biệt nam, nữ. Do vậy, tại Điều 5 về Xây dựng Cảnh sát cơ động, Điều 18 về Điều động Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ; Điều 25 về Đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát cơ động cũng cần nghiên cứu có quy định đảm bảo Bình đẳng giới tương tự. Ví dụ, tại Điều 18 về điều động Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ đề nghị bổ sung quy định việc thực hiện điều động Cảnh sát cơ động phải bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới: không điều động đối với Cảnh sát cơ động là nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi bởi lẽ theo luật Bình đẳng giới thì Chính sách bảo vệ và hỗ trợ người mẹ không bị coi là phân biệt đối xử về giới (Điều 6, khoản 4 Luật Bình đẳng giới).
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Cầm, hiện nay, tỉ lệ nữ giới tham gia vào lực lượng Cảnh sát cơ động còn ít nên cần có thêm những quy định đặc thù dành riêng để thu hút giới nữ tham gia vào lực lượng Cảnh sát cơ động. Do vậy, tại Điều 24 về tuyển chọn công dân vào Cảnh sát cơ động, đề nghị bổ sung quy định ưu tiên nữ trong trường hợp nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn như nam; ưu tiên tuyển chọn công dân nữ tốt nghiệp các chuyên ngành mà các nhà trường, học viện trong Công an nhân dân chưa đào tạo được.
Đối với Điều 25 về Đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát cơ động đề nghị bổ sung thêm quy định ưu tiên đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát cơ động là người dân tộc thiểu số. Điều này cũng phù hợp với chính sách đào tạo, bồi dưỡng được quy định tại Luật Công an Nhân dân.
Cần chăm lo hơn tới đời sống văn hóa tinh thần cho Cảnh sát cơ động
Điều 23 về chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động tại khoản 3 quy định: Sĩ quan cảnh sát cơ động công tác ổn định lâu dài được bố trí nhà ở công vụ. Tuy nhiên, tại khoản 1 của Điều này đã quy định rõ: Cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân. Tại điều 38 về tiền lương, phụ cấp, nhà ở và điều kiện làm việc đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ công an Nhân dân tại Luật Công an nhân dân đã nêu rõ: Sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan chuyên môn kỹ thuật được hưởng phụ cấp nhà, được bảo đảm nhà ở công vụ; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ công an Nhân dân được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật. Do vậy, không cần thiết phải quy định lại chính sách này trong Luật Cảnh sát cơ động.
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Cầm, cần bổ sung vào điều 23 về chính sách cho Cảnh sát cơ động như được chăm lo đời sống văn hóa tinh thần. Vì đặc thù của cảnh sát cơ động chủ yếu là nam giới, hoạt động trong môi trường đơn vị trực tiếp chiến đấu, ăn, ở tập trung, đóng quân ở những địa bàn trọng yếu chiến lược, vùng sâu, vùng xa làm giảm cơ hội giao lưu, tiếp xúc với văn hóa, xã hội, ảnh hưởng một phần đến sự phát triển toàn diện, cơ hội tìm kiếm việc làm khác để xây dựng kinh tế, ít có điều kiện chăm sóc, củng cố và xây dựng hạnh phúc gia đình. Mặt khác, nam công dân phục vụ trong cảnh sát cơ động thường xuyên phải ứng trực, thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu khi xảy ra các tình huống phức tạp về an ninh, trật tự trong điều kiện vất vả, gian khổ, thậm chí nguy hiểm nên dẫn đến nguy cơ bị thương, hy sinh rất cao. Do đó, việc chăm lo đời sống văn hóa tinh thần, đảm bảo cơ chế chính sách, tư vấn tâm lý, giảm tải căng thẳng cho Cảnh sát cơ động là việc hết sức cần thiết./.