ĐẠI BIỂU DƯƠNG KHẮC MAI: CẦN LÀM RÕ PHẠM VI HOẠT ĐỘNG CỦA CẢNH SÁT CƠ ĐỘNG

26/10/2021

Sáng 26/10, thảo luận trực tuyến về Dự án Luật cảnh sát cơ động, đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đắk Nông tán thành với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội; Tờ trình của Chính phủ cũng như sự nỗ lực và trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo.

Đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông phát biểu thảo luận về Dự thảo Luật Cảnh sát cơ động

Theo đại biểu Dương Khắc Mai, dự thảo Luật cảnh sát cơ động vẫn chưa xác định rõ phạm vi, không gian hoạt động của Cảnh sát cơ động dẫn đến chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng khác như tại khoản 2 Điều 35 Luật Quốc phòng; Điều 14 Luật Biên phòng Việt Nam; Điều 8 Luật Cảnh sát biển; khoản 5 Điều 1 Luật Công an nhân dân; quy định tại điểm h khoản 2 Điều 42 Luật Phòng chống thiên tai năm 2013 thì Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn là “Đầu mối hợp tác quốc tế về phòng chống thiên tai (trong đó có hợp tác quốc tế về tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trong ứng phó với thiên tai)” chứ không phải là trách nhiệm của Công an nhân dân (trong đó có Cảnh sát cơ động). Chính thực tiễn những quy định tại các dự án luật đã ban hành thì dự thảo Luật Cảnh sát cơ động cần làm rõ hơn vai trò của cảnh sát cơ động trong các trường hợp cụ thể, trường hợp nào là lực lượng chủ trì, trường hợp nào là lực lượng phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tìm kiếm cứu nạn... trong những khu vực hiện do các lực lượng quân đội và các lực lượng chịu trách nhiệm chính. Đồng thời, việc không xác định rõ phạm vi, không gian, lãnh thổ hoạt động sẽ mâu thuẫn với quy định của các luật đã nêu ở trên.

Về nguyên tắc hoạt động của Cảnh sát cơ động được quy định tại điều 4 của dự thảo Luật nhưng hầu hết quy định này đã được quy định tại điều 4 của Luật Công an nhân dân năm 2018. Theo đại biểu Dương Khắc Mai để đảm bảo tính logic, tránh trùng lặp, luật không nên quy định lại mà chỉ lựa chọn những nội dung mang tính nguyên tắc đặc thù của lực lượng Cảnh sát cơ động để đưa vào. Việc này cũng góp phần tăng tuổi thọ của Luật, vì nếu phát sinh việc sửa đổi, bổ sung Luật Công an nhân dân thì không cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Cảnh sát cơ động về phần này.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bỏ nội dung về trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc thực hiện chính sách về nhà ở xã hội cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động. Bởi việc thực hiện chính sách nhà ở xã hội đã được quy định cụ thể cho nhóm đối tượng sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân (trong đó nội dung này đã bao gồm cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động) theo quy định tại Điều 49 đến Điều 64 thuộc Chương IV (Chính sách về Nhà ở xã hội) của Luật Nhà ở năm 2014./.

Lệ Quyên