ĐẠI BIỂU DƯƠNG VĂN PHƯỚC: CẦN QUY ĐỊNH ĐẢM BẢO QUYỀN NHÂN THÂN CỦA TÁC GIẢ

26/10/2021

Bảo vệ quyền nhân thân của tác giả là nội dung mà đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam quan tâm nhất khi cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

 

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam Dương Văn Phước phát biểu về Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

Góp ý về những nội dung cụ thể trong Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, đại biểu Dương Văn Phước, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đề nghị bỏ cụm từ “gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả", đồng thời bổ sung cụm từ “khi chưa được tác giả cho phép" vào khoản 4, Điều 1 của dự thảo về sửa đổi, bổ sung Điều 19 về Quyền nhân thân. Sau đó viết lại khoản 4, Điều 1 như sau: "Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc; sửa đổi, cắt xén tác phầm dưới bất kỳ hình thức nào khi chưa được tác giả cho phép", cho chặt chẽ, để tránh tuỳ nghi trong việc áp dụng pháp luật sau này.

Lý giải cho đề nghị này, đại biểu Dương Văn Phước cho rằng: Sự toàn vẹn của tác phẩm gắn với quyền nhân thân là yếu tố mà pháp luật về Sở hữu trí tuệ luôn đề cao, bảo vệ. Quy định của Luật Sở hữu trí tuệ phải bảo vệ tuyệt đối quyền nhân thân của tác giả, bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm và không ai được quyền xâm phạm khi chưa được tác giả cho phép. Với quy định về quyền nhân thân như Dự thảo, các tổ chức, cá nhân có thể sửa đổi, cắt xén tác phẩm, miễn là không phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. Nếu quy định như vậy sẽ làm mất đi vai trò, hạn chế quyền của tác giả đối với tác phẩm của mình; đồng thời, tạo ra sự tùy tiện cho việc xâm hại quyền nhân thân của tác giả, vì cá nhân, tổ chức hoàn toàn có thể tác động vào tác phẩm mà không cần sự cho phép của tác giả, miễn là không “gây phương hại đến danh dự và uy tín, của tác giả".

Ngoài ra, cũng theo đại biểu Dương Văn Phước, việc quy định “phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả" là một quy định rất khó xác định, đánh giá trên thực tế. Vì giá trị của mỗi tác phẩm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có ý chí chủ quan và quan điểm riêng của tác giả. Tiêu chí nào để xác định là phương hại hay không phương hại, và phương hại đến mức độ nào?

Về vấn đề này, tại khoản 3 Điều 20 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ đã quy định “Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén tác phẩm quy định tại khoản 4 Điều 19 của Luật sở hữu trí tuệ là việc không cho người khác sửa chữa, cắt xén tác phẩm hoặc sửa chữa, nâng cấp chương trình máy tính trừ trường hợp có thoả thuận của tác giả" . Có thể nói, quy định này là chặt chẽ hơn Luật sửa đổi lần này, tuyệt đối hóa quyền nhân thân của tác giả theo hướng “mọi hành vi sửa chữa, cắt xén tác phẩm hoặc sửa chữa mà không có sự thỏa thuận của tác giả đều là hành vi vi phạm quyền nhân thân”. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung nội dung trên để đảm bảo quyền nhân thân của tác giả trong Dự thảo Luật lần này./.

Mỹ Phượng - Lê Quang