ĐBQH HOÀNG ĐỨC CHÍNH: THỐNG NHẤT SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH NGHỊ QUYẾT THÍ ĐIỂM MỘT SỐ CƠ CHẾ ĐẶC THÙ

28/10/2021

Phát biểu tham gia ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố, ngày 27/10, đại biểu Hoàng Đức Chính, Đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình, bày tỏ nhất trí cao về sự cần thiết ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế đặc thù và cần có sự tổng kết, đánh giá tính hiệu quả.

 

Đại biểu Hoàng Đức Chính - Đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình.

Phát biểu tại phiên thảo luận trực tuyến toàn thể của Quốc hội, đại biểu Hoàng Đức Chính bày tỏ nhất trí cao về sự cần thiết và nội dung các dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hoá và Thừa Thiên Huế. Những cơ chế này nhằm thế chế hoá các nghị quyết của Bộ Chính trị, tạo nguồn lực cho các địa phương phát triển. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, đề nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu phân cấp chung cho tất cả các tỉnh, thành phố về cơ chế quản lý đất đai; quản lý quy hoạch và quản lý, sử dụng rừng như các địa phương thực hiện thí điểm. Vì đây cũng là những vướng mắc, bất cập trong phát triển kinh tế của tất cả các địa phương trong cả nước; Nếu các địa phương có những cơ chế phân cấp này thì sẽ góp phần rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư, từ đó đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, bao gồm cả dự án đầu tư công và dự án đầu tư ngoài ngân sách. Đại biểu cho rằng, đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch covid-19 trong giai đoạn hiện nay.

Thứ hai, để có đầy đủ thông tin, làm căn cứ cho các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua các nghị quyết, đại biểu Hoàng Đức Chính đề nghị Chính phủ có số liệu phân tích đánh giá tổng thể tác động của các cơ chế về tài chính - ngân sách đến tính an toàn, khả năng cân đối và vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, khi thực hiện áp dụng cơ chế phân cấp cho các địa phương, nhất là trong điều kiện thu ngân sách trung ương đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Đồng thời, đánh giá, phân tích tác động của cơ chế vay và việc nâng trần mức vay cho các địa phương đến sự an toàn nợ công Quốc gia.

Thứ ba, về hiệu lực thi hành của Nghị quyết: Đại biểu đề nghị các Nghị quyết áp dụng thí điểm cơ chế chính sách đặc thù cho các địa phương đến năm 2025, để phù hợp với Kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025. Sau đó tiến hành tổng kết, đánh giá làm cơ cở tiếp tục thực hiện cho giai đoạn tiếp theo./.

Bùi Hiền