ĐẠI BIỂU NGUYỄN NGỌC SƠN: SỚM SỬA ĐỔI QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM MỘT LẦN THEO TINH THẦN NGHỊ QUYẾT 28

28/10/2021

Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là trụ cột an sinh xã hội của nước ta, là lưới an sinh cơ bản trong đảm bảo quyền công dân. Trong phiên thảo luận về thực hiện chế độ chính sách BHXH, BHYT, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đã kiến nghị một số giải pháp để phát triển bảo hiểm xã hội bền vững trong thời gian tới.

 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương phát biểu thảo luận

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn bày tỏ đồng tình với những nội dung trong Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020. Việc Quốc hội đưa ra thảo luận riêng tại hội trường báo cáo này minh chứng một điều rằng Đảng, Quốc hội, Chính phủ ngày càng quan tâm tới chính sách an sinh xã hội. Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là trụ cột an sinh xã hội của nước ta, là lưới an sinh cơ bản trong đảm bảo quyền công dân.

Báo cáo đã cho thấy số người tham gia bảo hiểm xã hội là 16 triệu 176.000 người, chiếm khoảng 33,5% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, hoàn thành chỉ tiêu được Chính phủ giao năm 2020, tăng gần 400.000 người, đạt 2,54% so với năm 2019, đặc biệt là số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có sự tăng trưởng vượt bậc, đạt 1 triệu 128.000 người tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2019, vượt 1,31% so với chỉ tiêu 1% được giao tại Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương. Kết quả này thể hiện sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, ảnh hưởng đến công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội. Qua quá trình giám sát tại tỉnh Hải Dương, mặc dù tác động bởi dịch COVID-19 nhưng số lượng người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vẫn tăng cao, đạt 96,45% so với kế hoạch được giao. Tuy nhiên, để phát triển bảo hiểm xã hội một cách bền vững, chúng ta cũng cần nhìn lại một số vấn đề:

Thứ nhất, về phát triển bảo hiểm xã hội, mặc dù số người tham gia bảo hiểm xã hội tăng nhưng số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc giảm, năm 2020 chỉ đạt 93,8% chỉ tiêu kế hoạch đề ra, chiếm tỷ lệ khoảng hơn 31% lực lượng lao động trong độ tuổi. Điều này cho thấy sẽ có nhiều khó khăn trong thực hiện chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc năm 2021 mà Nghị quyết số 28 đã đề ra, nhất là ảnh hưởng bởi sự tác động của dịch bệnh COVID-19.

Thứ hai, một vấn đề đáng quan tâm, đó là số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần tăng cao, ảnh hưởng rất lớn đến tính bền vững, phát triển bảo hiểm xã hội. Tôi đồng tình với ý kiến của đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Anh, Đồng Tháp đã đề cập. Theo tôi, qua nghiên cứu báo cáo, tôi thấy năm 2020 có 860.741 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tăng 53.652 người, 6,65% so với năm 2019, trong đó số tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hưởng bảo hiểm xã hội một lần là 11.868 người, tăng 51,55% so với năm 2019 và bằng 2,09% so với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng thêm của năm 2020 so với năm 2019 là 567.231 người. Số liệu thống kê cho thấy những người hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần tập trung ở độ tuổi từ 20 tuổi đến đủ 40 tuổi, chiếm 80,9% tổng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần giai đoạn 2016-2020, trong đó tập trung đông nhất ở nhóm tuổi từ trên 20 đến đủ 30 tuổi, chiếm 42,7%, nhóm tuổi từ trên 30 đến đủ 40 tuổi, đứng thứ hai, chiếm 38,2%, thấp nhất là nhóm từ đủ 20 tuổi trở xuống, chiếm 0,25%. Qua phân tích, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần nêu trên đa số là người lao động trẻ, nhu cầu về chi tiêu tài chính lớn mà không tính đến việc cần tích lũy thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ 20 năm và đủ tuổi nghỉ hưu.

Việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần là nhu cầu thực tế của người lao động, đời sống thu nhập khó khăn. Như hiện nay, dự báo có thể số người hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần sẽ tăng cao vào các năm tiếp theo. Trước vấn đề này, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn chia sẻ và đồng cảm với người lao động trong điều kiện cuộc sống hiện nay. Tuy nhiên, bảo hiểm xã hội là chính sách trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội như là một của để dành được Nhà nước bảo hộ, nhằm bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho họ khi hết tuổi lao động. Việc nhận bảo hiểm xã hội một lần đồng nghĩa với việc người lao động sẽ rời khỏi hệ thống an sinh xã hội. Hầu hết những trường hợp không tích lũy đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu hoặc nếu đủ mức lương hưu cũng rất thấp, khi về già sẽ gặp rất nhiều khó khăn, tạo áp lực lên xã hội và gia đình. Người lao động lựa chọn hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của mình mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu, nỗ lực và quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước nhằm thực hiện quyền đảm bảo an sinh xã hội của người dân như Hiến pháp đã quy định. Bên cạnh đó, việc nhận bảo hiểm xã hội một lần được coi là lợi trước mắt, hại lâu dài. Bởi khi lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần, các quyền lợi của người lao động sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với hưởng lương hưu. Một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá xã hội đó văn minh hay không chính là phạm vi bao phủ an sinh xã hội, mà việc giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần làm giảm diện bao phủ an sinh xã hội, đang đi ngược với xu hướng này.

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, phát triển bảo hiểm xã hội một cách bền vững nhằm đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho người lao động là cần thiết và cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Trước hết, khi chưa sửa Luật Bảo hiểm xã hội, cần tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân hiểu về lợi ích thiết thực của bảo hiểm xã hội và có ý thức chuẩn bị cho tuổi già một cách chủ động, từ khi còn trẻ bằng việc là tham gia bảo hiểm xã hội. Đồng thời, giao chỉ tiêu cho địa phương tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Từ thực trạng nêu trên, đại biểu đề xuất sớm nghiên cứu sửa đổi quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo tinh thần của Nghị quyết 28 đã đề ra. Đồng thời, sớm sửa Luật Bảo hiểm xã hội, thực hiện các giải pháp đã được nêu tại Nghị quyết số 28, thực hiện các nội dung cải cách về xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, hướng đến bao phủ toàn dân. Sửa đổi điều kiện về thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí theo hướng linh hoạt nhằm giảm số lượng người hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Điều chỉnh cách tính lương hưu, bảo đảm kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng, hưởng công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Tăng sức hấp dẫn và tính liên kết giữa các chế độ bảo hiểm xã hội. Đạt mục tiêu mở rộng diện bao phủ, sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng bảo hiểm xã hội đảm bảo đúng quy định tại Nghị quyết số 28. Bên cạnh việc sửa Luật Bảo hiểm xã hội, sửa đổi Luật Việc làm theo hướng mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bao gồm lao động việc làm theo hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc từ 1 tháng trở lên, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm./.