ĐẠI BIỂU CẦM HÀ CHUNG: HOÀN THIỆN THỂ CHẾ ĐỂ TẠO ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

28/10/2021

Sáng 27/10, thảo luận trực tuyến về Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, đại biểu Quốc hội Cầm Hà Chung, đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ đã có ý kiến góp ý cho các dự thảo này.

Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ tham gia phiên thảo luận ttrực tuyến

Trong bài phát biểu thảo luận trực tuyến, đại biểu Cầm Hà Chung, đoàn Phú Thọ nhất trí với chủ trương dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế và thành phố Hải Phòng. Đại biểu nêu một số quan điểm như:

Thứ nhất, về ban hành chính sách thí điểm thuộc thẩm quyền Quốc hội, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, chỉ những nội dung chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành thì Quốc hội nghiên cứu, ban hành nghị quyết để thí điểm thực hiện. Thực tế, hệ thống pháp luật, các cơ chế, chính sách phải được thực hiện thống nhất. Mặc dù, mỗi địa phương có những điều kiện kinh tế - xã hội, tiềm năng, lợi thế khác nhau, có vai trò, vị trí khác nhau nhưng có mối quan hệ tương hỗ, tác động lẫn nhau trong quá trình phát triển, địa phương vùng biên giới hải đảo là phên dậu quốc gia, giữ đất đảm bảo an ninh, an toàn cho Tổ quốc, địa phương ở vùng núi giữ rừng, đảm bảo nguồn sinh thủy tự nhiên, địa phương có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, có trách nhiệm bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử của đất nước, qua đó tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho các địa phương có điều kiện, có tiềm năng đẩy mạnh phát triển kinh tế.

Đại biểu nhấn mạnh, trong thực tiễn thực hiện các cơ chế, chính sách pháp luật để phát triển kinh tế - xã hội tất yếu nảy sinh những vướng mắc, bất cập, cản trở sự phát triển của địa phương, của đất nước. Trong khi chưa chín muồi để ban hành pháp luật điều chỉnh, cần thiết phải thực hiện thí điểm. Mục tiêu của việc thí điểm ngoài những mục tiêu như tờ trình của Chính phủ đối với 4 địa phương trên còn có mục tiêu là hoàn thành hệ thống pháp luật, các thể chế, cơ chế, chính sách để thực hiện thống nhất trên cả nước. Thực tế hiện nay nhiều địa phương mong muốn có cơ chế đặc thù để tháo gỡ điểm nghẽn, huy động nguồn lực, thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều địa phương có Nghị quyết của Trung ương, có địa phương nằm trong vùng trọng điểm kinh tế, an ninh, quốc phòng như Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam. Việc giải quyết mong muốn của các địa phương nếu không ổn thỏa, không có tiêu chí cụ thể sẽ tạo áp lực lên đoàn đại biểu Quốc hội và lãnh đạo của những địa phương chưa được hoặc không được hưởng cơ chế đặc thù. Đai biểu cho rằng, Chính phủ, các cơ quan, địa phương có liên quan cần nghiên cứu, giải trình hoặc triển khai thực hiện rõ ràng, minh bạch, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong nhân dân.

Đại biểu Cầm Hà Chung phát biểu thảo luận

Để giải quyết vấn đề này, đại biểu Cầm Hà Chung đề nghị Chính phủ, Quốc hội xác định được những nội dung chưa có trong luật điều chỉnh, nội dung khác với quy định của luật hiện hành đang là những yếu tố cản trở, điểm nghẽn hoặc những nội dung có tác dụng thúc đẩy đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của các địa phương, vùng miền trên đất nước ta. Xác định quan điểm, tiêu chí, phải có tiêu chí mới giải thích thỏa đáng cho cử tri và nhân dân, tránh cơ chế xin - cho, quyết định cảm tính. Xác định mục tiêu, thứ tự ưu tiên để Quốc hội xem xét, lựa chọn thực hiện thí điểm. Xem xét, lựa chọn một số địa phương đại diện các vùng miền đáp ứng tiêu chí, thứ tự ưu tiên, kết hợp với các địa phương được Quốc hội xem xét lần này để thực hiện thí điểm, trên cơ sở đó, tổng kết, hoàn thiện khung pháp lý để thực hiện trên toàn quốc.

Thứ hai, về chính sách thí điểm thuộc thẩm quyền Quốc hội, theo đại biểu nên chú trọng đến chính sách thuộc về cơ chế phân cấp, phân quyền, hạn chế chính sách phân bổ thêm nguồn lực từ ngân sách trung ương, phân bổ thêm kinh phí chi thường xuyên. Việc này đặt ra cách đánh giá chính sách ban hành, định mức, nguyên tắc phân bổ, dự toán ngân sách không công bằng. Bên cạnh đó, cần làm rõ hiệu quả của chính sách thí điểm so với không thí điểm, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của các địa phương được thí điểm có hơn, có khác không, có đóng góp chung cho sự phát triển của đất nước so với trước như thế nào.

Thứ ba, đại biểu kiến nghị, hiện nay, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến công tác hoàn thiện thể chế để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Một trong những giải pháp căn cơ đó là rà soát vướng mắc, mâu thuẫn trong quy định của pháp luật để tháo gỡ, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, gắn với kiểm tra, giám sát, quy định trách nhiệm. Đây cũng là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc, chuyên đề của Chính phủ về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế ngày 16/9/2021, trong đó có nhiều nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, khi quyết định chủ yếu xem xét trên văn bản, hồ sơ, ví dụ như là đất đai. Quốc hội bàn về các chính sách chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Trước thực tế này, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét phân cấp cho Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố còn lại được quyết định chuyển đổi mục đích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng bằng từ 30 đến 50% so với các địa phương được hưởng cơ chế đặc thù. Đây là nội dung sẽ được bàn thảo nhiều khi Quốc hội sửa Luật Đất đai và cũng là một trong những điểm nghẽn trong triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, địa phương rất bị động trong sử dụng nguồn lực đất đai. Đối với các chính sách khác như tài chính, ngân sách, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức nên cho hưởng từ 30 đến 50% so với các địa phương đang được hưởng phân cấp cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố còn lại được phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị./.

Hà Lan - Phạm Cường - Thùy Dương