Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến phát biểu thảo luận
Góp ý với báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về kết quả đạt được và những tồn tại hạn chế trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, đại biểu Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐHQH tỉnh Điện Biên có ý kiến: “Hội nghị lần thứ 7 BCH TƯ Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 28 ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách bảo hiểm, chính sách xã hội; Để nâng cao nhận thức và chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về lợi ích, vai trò, ý nghĩa của bảo hiểm xã hội và những nội dung cải cách chính sách bảo hiểm xã hội hướng đến bảo hiểm xã hội toàn dân, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số: 1676 ngày 21/11/2019 Phê duyệt đề án đổi mới, nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền bảo hiểm xã hội. Thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước, cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương đã quan tâm và chỉ đạo sát sao công tác tuyên truyền chính sách, phát triển đối tượng tham gia BHXH. Bảo hiểm xã hội Việt Nam hàng năm cũng đã cân đối bố trí kinh phí để tổ chức hoạt động tuyên truyền, cụ thể 3 năm gần đây đã bố trí (2019: 390 tỉ; 2020: 360 tỉ; dự toán giao năm 2021: 360 tỉ). Đến hết năm 2020 còn khoảng 66,5% người lao động trong độ tuổi chưa tham gia BHXH (mục tiêu đến 2020: phấn đấu đạt khoảng 35%, đến năm 2025 phấn đấu đạt khoảng 45%, năm 2030 phấn đấu đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH) đây là cả một chặng đường cần sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, hiện nay số lượng người tham gia BHXH tăng cả khu vực tham gia BHXH bắt buộc và tham gia BHXH tự nguyện. Kết quả đạt được cũng đã được Chính phủ đánh giá tại báo cáo số 343/BC-CP ngày 26/9/2021, cụ thể năm 2020 tỉ lệ người tham gia BHXH tự nguyện so với lực lượng lao động trong độ tuổi đạt 2,33% tăng gấp 2 lần năm 2019 (vượt mục tiêu Nghị quyết 28. “mục tiêu giai đoạn đến năm 2021: nông dân và khu vực lao động phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi”; ‘đến năm 2025: 2,5%’, ‘đến năm 2030:5%”), báo cáo cũng đã nêu hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH có nhiều chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được trong tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện thì còn có những tồn tại như: kết quả đạt được còn cách xa so với tiềm năng, mức bình quân thu nhập lựa chọn để tính đóng bảo hiểm giảm (giảm 19,28% so với năm 2019; giảm 34,66% so với năm 2016), nhận thức của người lao động trong việc tham gia BHXH còn hạn chế….. Về nội dung này, Chính phủ cần đánh giá thêm nguyên nhân và phân tích kỹ hơn vì sao người lao động chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, ý nghĩa và giá trị của việc tham gia BHXH tự nguyện? trong khi bảo hiểm xã hội tự nguyện với những chính sách ưu việt, ổn định (được nhà nước hỗ trợ tiền đóng: đối tượng thuộc hộ nghèo 30%, thuộc hộ cận nghèo 25%; đối tượng khác 10%; phương thức đóng linh hoạt…) nhưng lại không thu hút được sự tham gia của họ? thậm chí một bộ phận không nhỏ người dân không biết có chính sách này, hoặc có biết lơ mơ nhưng không hiểu quyền lợi và cách thức đóng thế nào, mua BHXH tự nguyện ở đâu, và họ không phân biệt được chính sách bảo hiểm xã hội của Nhà nước do BHXH Việt Nam tổ chức thực hiện nó giống và khác gì so với các hoạt động bảo hiểm do các Doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm thực hiện (nhiều người hiểu nhầm và đánh đồng các hoạt động bảo hiểm đều là của Nhà nước).
Hiện nay, công tác tuyên truyền chủ yếu đang tập trung vào các đối tượng là người lao động và người sử dụng lao động trong khu vực doanh nghiệp, còn những người lao động ở khu vực khác (lao động tự do, tiểu thương khu vực đô thị, nông dân ở khu vực nông thôn có thu nhập khá…) thì hoạt động tuyên truyền chưa thật sự quan tâm tới đối tượng này mà thu nhập của các đối tượng này khá, có khả năng tham gia được BHXH tự nguyện và thực tế cũng khá nhiều người tham gia mua Bảo hiểm nhân thọ của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm (vì các doanh nghiệp có đội ngũ tư vấn hùng hậu, sẵn sàng theo bám và tư vấn khách hàng khi dự đoán khách hàng đó có tiềm năng). Mặt khác, quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn (hưởng chế độ hưu trí, chế độ tử tuất; thời gian đóng để được hưởng lương hưu dài), đối tượng có khả năng tham gia BHXH tự nguyện thì mức hỗ trợ đóng bảo hiểm thấp nên không khích lệ được họ….
Trong thời gian tới để khắc phục những hạn chế nêu trên và tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được và phấn đấu đạt mục tiêu của Nghị quyết 28, đại biểu Luyến đề nghị: Thứ nhất, BHXH Việt Nam cần tiếp tục tăng cường hơn nữa hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, để họ chuyển biến về nhận thức và nhận thức đầy đủ giá trị, tính ưu việt của chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện của Nhà nước. Cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong hệ thống chính trị để xây dựng mạng lưới cộng tác viên, tuyên truyền viên về chính sách BHXH đến tận thôn, phố, bản; quan tâm tuyên truyền đến các nhóm đối tượng thu nhập khá và ổn định, có khả năng tham gia BHXH. Thứ hai, Chính phủ cần sớm nghiên cứu để điều chỉnh các chính sách về bảo hiểm xã hội tự nguyện theo hướng thiết kế bổ sung các chế độ được hưởng (ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…) khi tham gia BHXH tự nguyện. Nâng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội đối với các đối tượng khác lên 20% (hiện đang hỗ trợ 10%) để khuyến khích và thu hút họ tham gia BHXH tự nguyện./.