ĐBQH ĐẶNG BÍCH NGỌC: CẦN CÓ CHẾ TÀI XỬ LÝ NGHIÊM KHẮC ĐỐI VỚI VI PHẠM TRONG LĨNH VỰC BẢO HIỂM

28/10/2021

Phát biểu tại phiên tham luận trực tuyến toàn thể Quốc hội chiều ngày 27/10, về Báo cáo Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm y tế, đại biểu Đặng Bích Ngọc, Đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình, đề cập một số vấn đề "nóng" trong lĩnh vực bảo hiểm và đề nghị cần xây dựng chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

 

Đại biểu Đặng Bích Ngọc - Đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình

Phát biểu tham gia ý kiến tại phiên thảo luận trực tuyến toàn thể Quốc hội, đại biểu Đặng Bích Ngọc đưa ra một số quan điểm về các vấn đề tại các nội dung thảo luận liên quan đến Báo cáo Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm y tế.

Đối với Báo cáo tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020, đại biểu cơ bản đồng tình với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020. Đại biểu cho rằng, năm 2020, chúng ta gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và đã tác động nặng nề đến mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, người lao động mất việc làm dẫn đến hệ lụy trong triển khai thực hiện các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội.

Góp ý về vấn đề này, đại biểu Đặng Bích Ngọc đề cập đến một số nội dung cụ thể như sau:

Một là về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc: Thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW, về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, để thực hiện được mục tiêu là thách thức rất lớn trong giai đoạn hiện nay. Theo báo cáo, năm 2020, số người tham gia bảo hiểm tính đến hết ngày 31/12/2020 đạt 33,5%, đạt chỉ tiêu đề ra của năm 2020. Tuy nhiên năm 2021, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, trong đó, việc thu bảo hiểm xã hội bắt buộc gặp những khó khăn nhất định; nhiều lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh bị mất việc làm, không còn thuộc diện tham gia bảo hiểm bắt buộc. Chính vì vậy, để thực hiện được mục tiêu theo Nghị quyết 28-NQ/TW đề ra, tức là đạt 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, đòi hỏi sự vào cuộc rất tích cực từ phía Chính phủ cũng như chính quyền các cấp.

Đại biểu đề nghị trong báo cáo cần phân tích, đánh giá đầy đủ những nguyên nhân để đưa ra những giải pháp cụ thể, đồng bộ, quyết liệt trong việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang còn hết sức phức tạp như hiện nay.

Hai là về tình hình chậm đóng và tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội: Theo báo cáo, số liệu tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2020, tổng số tiền chậm đóng BHXH bắt buộc tăng 19,9 % so với năm 2019. Trong tỷ lệ chậm đóng này, khu vực hành chính sự nghiệp, Đảng, đoàn thể, lực lượng vũ trang chiếm 1,5%; Khu vực doanh nghiệp Nhà nước chiếm 6,4%; Khu vực doanh nghiệp có vốn nước ngoài chiếm 8,1% và khu vực doanh nghiệp ngoài quốc danh chiếm 57,2% tổng số tiền chậm đóng.

Qua nghiên cứu số liệu và nắm bắt từ cơ sở, đại biểu bày tỏ băn khoăn: Trong tổng số kinh phí chậm đóng bảo hiểm, thì khu vực hành chính Nhà nước, Đảng, đoàn thể vẫn chiếm tỷ lệ 1,5%; khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm tới 57,2%. Đại biểu đề nghị cần đánh giá và phân tích kỹ nguyên nhân và xác định rõ đối tượng, để từ đó có giải pháp phù hợp và đặc biệt quan tâm xem xét các đối tượng nợ đọng bảo hiểm ở trong khu vực cơ quan hành chính Nhà nước để chúng ta có giải pháp thực hiện. Đối với các cơ quan hành chính Nhà nước, Đảng đoàn thể kinh phí đóng Bảo hiểm xã hội được trích từ nguồn kinh phí được ngân sách cấp hàng năm. Hằng năm, cần phải có rà soát công khai các doanh nghiệp, người sử dụng lao động chậm nộp, trốn đóng bảo hiểm xã hội để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát.

Ba là về công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm: Theo đại biểu Đặng Bích Ngọc, trong năm 2020, mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng ngành Bảo hiểm xã hội vẫn rất cố gắng, đã thực hiện 8.619 cuộc thanh tra. Tuy nhiên, qua công tác thanh tra, kiểm tra, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, một số bộ, ngành đã vào cuộc rất quyết liệt và chỉ ra được rất nhiều sai phạm và những tồn tại hạn chế; kiến nghị đề xuất nhiều nội dung cần phải truy thu. Tuy nhiên, việc thực hiện các khắc phục sau thanh tra, kiểm tra, trong báo cáo cũng như trong phân tích đánh giá là chưa rõ.

Cũng theo đại biểu Đặng Bích Ngọc, mặc dù sau các đợt thanh kiểm tra, các đoàn có kết luận rõ ràng, tuy nhiên chế tài để xử phạt hiện nay nhận thấy chưa đủ mạnh, nên tính chất răn đe chưa cao; tình trạng chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính cả giai đoạn 2016 - 2020 còn ở mức thấp, mới đạt 25,2%  số tiền phải thu hồi. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp cũng như người sử dụng lao động vẫn còn vi phạm và điều này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền, lợi ích của người lao động. Trong bối cảnh như hiện nay, người lao động cũng là lực lượng yếu thế, tôi thiết nghĩ Chính phủ cần có sự phân tích, đánh giá  và ban hành những chế tài thật nghiêm khắc, để thực triển khai thực hiện tốt hơn việc đóng bảo hiểm xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Đối với Báo cáo tình hình quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2020. Tôi thống nhất cao với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội về tình hình quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2020, đại biểu đề xuất góp ý 2 nội dung, Cụ thể:

Một là, đề nghị cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đối với việc thực hiện quỹ bảo hiểm y tế để tránh tình trạng trục lợi bảo hiểm đã diễn ra trong thời gian qua. Qua số liệu thống kê và theo dõi tình hình thực tế tại các địa phương, thời gian qua còn nhiều vụ việc lập khống hồ sơ để hưởng chế độ bảo hiểm y tế. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, số lượng người nằm viện giảm, các cơ sở y tế hụt nguồn thu, cho nên nếu như chúng ta không kiểm tra, giám sát tốt sẽ dẫn đến việc chính các cơ sở y tế sẽ làm những hồ sơ khống để chi trả bảo hiểm nhằm trục lợi, gây thất thoát cho quỹ, vì vậy tôi đề nghị các cấp cần chỉ đạo quyết liệt nội dung này.

Hai là, thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025 vừa được ban hành, đã tác động lớn tới thực hiện chính sách BHYT cho người dân đang sinh sống trên các địa bàn các tỉnh. Những xã về đích thôn mới người dân không được hưởng chính sách hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT. Trong thực tế hiện nay, tại các xã đã về đích nông thôn mới, đối tượng nghèo còn rất nhiều, họ không thể tự bỏ tiền để mua bảo hiểm y tế, điều này đã tác động và ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân ở các tỉnh miền núi.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét và cho kéo dài thời gian thực hiện chính sách bảo hiểm y tế cho các đối tượng này đến hết năm 2021. Thời gian tới, khi xây dựng chính sách BHYT nên quy định theo đối tượng hưởng và không nên quy định theo vùng, khu vực sẽ thiệt thòi cho những đối tượng nghèo.

Bùi Hiền