ĐẠI BIỂU TRẦN THỊ THU HẰNG: XỬ LÝ VI PHẠM VỀ THI ĐUA KHEN THƯỞNG CẦN CÔNG BẰNG, KHÁCH QUAN VÀ NGHIÊM MINH

28/10/2021

Sáng 28/10, tham gia thảo luận trực tuyến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Thu Hằng, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông thống nhất với hầu hết nội dung của dự thảo luật và đánh giá cao nỗ lực, trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo.

 

Theo đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông, dự thảo Luật quy định tại điều 18, điều 19, các thành tích phải duy trì liên tục, trường hợp bị gián đoạn (kể cả do nguyên nhân khách quan như tham gia đào tạo nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ hay công tác nước ngoài dài hạn, nghỉ chế độ thai sản,…) thì phải bắt đầu lại từ đầu, gây ảnh hưởng đến quá trình xét thi đua, khen thưởng, làm giảm tính phấn đấu của người lao động, hạn chế sự nỗ lực của cá nhân đối với công tác thi đua. Đồng thời, việc quy định điều kiện tiêu chuẩn để xét các danh hiệu thi đua mang tính kế thừa của dự thảo Luật đã khiến cho hoạt động thi đua nặng về hình thức hơn do có sự nhường nhịn lẫn nhau để cá nhân có thể đạt được danh hiệu thi đua cao hơn cho dù thành tích đạt được không thực sự nổi trội nhất và mang tính liên tục (do việc xét danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở quy định tỷ lệ ngày càng hạn chế).

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông phát biểu thảo luận về Dự án Luật Thi đua, khen thưởng(sửa đổi)

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng cũng cho rằng, các tiêu chuẩn như “các thành tích đặc biệt xuất sắc và toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học, công nghệ, quốc phòng, an ninh và đối ngoại” hoặc “là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ”, “là động lực thúc đẩy sự phát triển của khu vực và cả nước” quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 58 để xét tặng danh hiệu “Tỉnh Anh hùng”, “Thành phố Anh hùng” chưa thực sự là tiêu chí chung cho tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho cả nước. Nếu áp dụng theo các tiêu chí này thì danh hiệu trên chỉ thuộc về các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có lịch sử hình thành lâu đời, là trung tâm kinh tế - xã hội của vùng, khu vực. Đặc biệt như các tỉnh mới thành lập, các tỉnh, thành miền núi, hải đảo có tính chất đặc thù về cơ sở vật chất, điều kiện kinh tế, quy mô dân cư, … thì không thể đạt được. Trong khi để thực hiện công tác phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo quốc phòng an ninh… thì các tỉnh mới, tỉnh nghèo phải nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu lại các tiêu chuẩn áp dụng này.

Tại khoản 1 Điều 93 chưa có quy định về việc thu hồi quyết định khen thưởng nếu phát hiện có cá nhân, tập thể vi phạm trong thời kỳ được khen thưởng. Đặc biệt là trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thực tế chứng minh vẫn xảy ra trường hợp khen thưởng cho cá nhân, tuy nhiên sau khi khen thưởng một thời gian, qua công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện cá nhân đó có hành vi vi phạm trong thời điểm được khen thưởng; mặc dù sau đó cá nhân phải chịu hình thức kỷ luật nhưng quyết định khen thưởng này không bị thu hồi. Do đó, để đảm bảo sự công bằng, khách quan và nghiêm minh của pháp luật, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung điểm đ vào khoản 1 Điều 93 là “Có vi phạm quy định của Nhà nước từ hình thức khiển trách trở lên trong kỳ được khen thưởng nhưng sau đó mới bị phát hiện”./.

Lệ Quyên