Đại biểu Trần Quang Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình
Phát biểu tại phiên thảo luận trực tuyến toàn thể Quốc hội chiều 27/10, Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế và Tp.Hải Phòng, đại biểu Trần Quang Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, khẳng định dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế là sự thể chế hóa các Nghị quyết của Bộ Chính trị, nhằm tạo cơ chế huy động nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương này.
Theo đại biểu, các địa phương được trao “cơ chế, chính sách đặc thù”, được thí điểm sẽ có cơ hội đột phá, phát triển mạnh mẽ về kinh tế, xã hội, điều này sẽ giúp cho việc phát huy thế mạnh, và là động lực để thúc đẩy phát triển trong khu vực và cả nước.
Cụ thể, Hải Phòng là thành phố lớn trực thuộc Trung ương, có vị trí quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Thừa Thiên Huế là vùng đất cố đô với nhiều yếu tố đặc thù. Thanh Hóa, Nghệ An là những tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng, địa bàn rộng lớn, địa hình đa dạng, điều kiện phong phú. Các địa phương này là những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ, có tiềm năng và điều kiện tự nhiên để phát triển mạnh.
Tuy nhiên, đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn một số điểm, như: trong 4 tỉnh thông qua nghị quyết đặc thù lần này có 3 tỉnh nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ. Và hầu hết các tỉnh còn lại như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đều khó khăn do lịch sử để lại như chiến tranh và điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, thường xuyên bị thiên tai bão, lũ và cũng có điều kiện cùng các nét đặc thù như Nghệ An, Thanh Hóa. Vậy nếu áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển kinh tế xã hội cho cả vùng Bắc Trung bộ thì sẽ tạo động lực cho cả vùng phát triển, theo kịp các vùng và khu vực khác trong cả nước. Riêng đối với Quảng Bình và Quảng Trị thu ngân sách hàng năm còn thấp, chưa đến ½ tổng số chi nên việc phát triển kinh tế - xã hội vùng củng là yếu tố hết sức cần thiết để các tỉnh còn khó khăn có cơ hội vươn lên theo kịp các tỉnh khác trong khu vực và cả nước.
Về thời gian triển khai thí điểm, đại biểu đồng tình với cách tiếp cận theo hướng tiến hành thí điểm trong khoảng thời gian 2021 – 2025 vì trùng với thời điểm đánh giá tổng kết trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng các cấp và như vậy sẽ thuận lợi cho việc đánh giá đúng thực chất củng như nhân rộng mô hình cho các tỉnh. Tuy nhiên, từ nay cho đến hết năm 2022 và thậm chí đến năm 2023 nước ta vẫn đang khó khăn do đại dịch Covid – 19 nên đòi hỏi sự quyết tâm và nỗ lực cao hơn nữa của các địa phương củng như Trung ương khi bắt tay vào các nhiệm vụ cụ thể.
Về các nhóm 7 cơ chế, chính sách cụ thể và 2 nhóm chính sách đặc thù cho Hải Phòng và Thừa Thiên Huế, đại biểu Trần Quang Minh đề cập một số nội dung như sau:
Thứ nhất, nhất trí về việc bổ sung ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương. Đồng thời cho rằng, đây cũng một cách hợp lý để đẩy mạnh các hoạt động đầu tư phát triển trên địa bàn thí điểm.
Tuy nhiên, theo đại biểu, sự điều tiết từ nguồn vượt thu so với dự toán hàng năm có thể dẫn đến việc lập dự toán thấp, không sát với thực tế để được hưởng số tăng thu nhiều hơn. Vì thế, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, các cơ quan có liên quan cần chú trọng tính sát thực tế, khách quan khi lập dự toán thu ngân sách tránh việc bị những tác động của các địa phương có tỷ lệ điều tiết từ nguồn tăng thu. Đối với việc bổ sung có mục tiêu từ nguồn tăng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu qua cảng biển Nghi Sơn – Thanh Hóa củng tương tự như vậy.
Tại dự thảo các Nghị quyết, việc tăng tỷ lệ của Trung ương bổ sung cho địa phương chỉ áp dụng khi trong trường hợp ngân sách Trung ương không bị hụt thu là điều kiện rất khó khăn do trong bối cảnh hiện nay, như năm 2021 ngân sách Trung ương có tỉ lệ hụt thu rất lớn và những năm tiếp theo. Do vậy, theo đại biểu, nếu tình trạng này vẫn diễn ra thì việc áp dụng cơ chế, chính sách như trong Dự thảo là khó khả thi.
Thứ hai, hiện nay chúng ta đang tăng cường chính sách thu hút đầu tư, giảm bớt các chi phí trung gian cho các doanh nghiệp nên việc tăng các phí, lệ phí sẽ tạo thành các rào cản mới, tăng thêm các chi phí cho doanh nghiệp, giảm tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế nhất là ở các cảng lớn như cảng Hải Phòng, cảng biển Nghi Sơn.
Thứ ba, về quản lý quy hoạch: “Trên cơ sở đồ án quy hoạch của thành phố Hải Phòng, tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An đã được Thủ tướng Chinh phủ phê duyệt” sẽ quyết định phân cấp cho UBND các tỉnh, thành phố này thực hiện phê duyệt, điều chỉnh cục bộ là việc rất hợp lý với điều kiện không ảnh hưởng đến mục tiêu chung của tổng thể quy hoạch. Nếu được tổ chức triển khai thực hiện và có hiệu quả, đại biểu đề nghị áp dụng rộng rãi trên địa bàn của cả nước để đẩy nhanh hơn nữa các trình tự, thủ tục liên quan đến điều chỉnh quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch cục bộ trên từng địa phương.
Thứ tư, đối với nội dung tăng thu nhập cho cán bộ, công chức của thành phố Hải Phòng, đại biểu cho rằng hoàn toàn phù hợp để tạo động lực, ổn định cuộc sống và công việc cho lực lượng cán bộ, công chức, thu hút nhân lực chất lượng cao cho thành phố trong bối cảnh đây là một thành phố có mức sống cao, thu nhập của khối doanh nghiệp chênh lệch lớn so với khối công lập.
Thứ năm, liên quan đến thành lập Quỹ Bảo tồn di sản Huế, đại biểu cho rằng, hiện nay đang trong lộ trình sắp xếp, bãi bỏ các loại Quỹ hoạt động không hiệu quả, bên cạnh đó việc đóng góp Quỹ từ ngân sách các địa phương trong cả nước là không đúng với pháp luật hiện hành và không hợp lý. Bên cạnh đó, ngoài mục đích phục vụ tôn tạo cho các công trình, di sản do Nhà nước quản lý trực tiếp thì việc sử dụng Quỹ có đóng góp từ ngân sách để dự kiến chi cho việc trùng tu, tôn tạo các di sản thuộc sở hữu cá nhân là chưa phù hợp. Theo đại biểu, Quỹ có thể thành lập nhưng chủ yếu là huy động từ nguồn vốn xã hội hóa./.