ĐẠI BIỂU NGUYỄN TRƯỜNG GIANG: TIẾP TỤC CẮT GIẢM CHI PHÍ VÀ TINH GỌN BỘ MÁY QUẢN LÝ QUỸ BHXH

28/10/2021

Đánh giá cao việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu tiên đưa Báo cáo về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội để Quốc hội thảo luận, từ đó, cho thấy tầm quan trọng của việc thực hiện quản lý chính sách này, đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đã có nhiều ý kiến về nội dung của Báo cáo.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông phát biểu thảo luận

Qua nghiên cứu báo cáo của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Trường Giang, Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông đánh giá cao việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành bảo hiểm xã hội trong việc cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể, cơ quan bảo hiểm xã hội đã thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 cho tất cả các thủ tục hành chính, kết nối, tích hợp và cung cấp 15 dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia, triển khai thực hiện thanh toán điện tử, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Cơ quan bảo hiểm xã hội đã triển khai các cơ sở dữ liệu điện tử chuyên ngành, hệ thống quản lý chi, trả, xét duyệt các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, khai thác, phân tích dữ liệu để đánh giá, xác định dấu hiệu lạm dụng, trục lợi và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Việc triển khai thanh tra, kiểm tra theo hình thức điện tử đã làm tăng năng suất, hiệu quả, chất lượng công việc và giảm nhân lực, thời gian tiến hành của các đoàn thanh tra.

Theo báo cáo, với phương pháp thanh tra, kiểm tra truyền thống, thủ công như trước đây thì thời lượng làm việc trung bình tại một đơn vị sử dụng lao động là 20 giờ, ứng dụng công nghệ thông tin đã giảm thời lượng làm việc tại một đơn vị khoảng 48% xuống còn 10,5 giờ. Đây là những số liệu đáng lưu ý liên quan đến chi phí quản lý Quỹ bảo hiểm.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 90 của Luật Bảo hiểm xã hội thì nguồn kinh phí để thực hiện quản lý Quỹ bảo hiểm xã hội hằng năm được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ. Định kỳ 3 năm Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội. Trong năm 2020 chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đang được thực hiện theo Nghị quyết 528 năm 2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giai đoạn 2019-2021. Theo đó, chi phí quản lý Quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết 528 giảm dần, năm 2019 là 2,15%, năm 202 là 2% và năm 2021 và 1,85%, số tiền này được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Thực hiện quy định tại Nghị quyết 528, theo báo cáo ước chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp năm 2020 làm 12.782 tỷ đồng, chiếm khoảng 27,28% số tiền sinh lời từ hoạt động quỹ đầu tư năm 2020 và bằng 88,32% tổng dự toán năm 2020. Riêng chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2020 là 8.600 tỷ đồng, trong đó chi phí quản lý bảo hiểm xã hội là 8.000 tỷ đồng, khoảng 8.000 tỷ đồng, chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp là 622 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ 1,74 và 1,87% so với dự toán chi phí và thấp hơn 0,26 và 0,13% so với tỷ lệ mức chi được phê duyệt theo Nghị quyết 528. Đáng chú ý, chi hoạt động bộ máy chiếm 35,66%, chi phục vụ đối tượng và tổ chức thu, chi chiếm 46%, chi hiện đại hóa công nghệ thông tin và xây dựng cơ sở dữ liệu chiếm 6,6%, như tôi đã báo cáo ở phần trên, nhưng hiệu quả rất là cao. Tôi đánh giá cao việc ngành bảo hiểm đã cắt giảm chi phí quản lý so với quy định. Tuy nhiên, qua nghiên cứu báo cáo thẩm tra cũng như báo cáo của Chính phủ thì việc cắt giảm so với năm 2019 xét về tổng thể cho thấy dự toán chi phí phát triển đối tượng và quản lý thu bảo hiểm xã hội năm 2020 thì các mục này đều cao hơn so với năm 2019, trong khi tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và hiệu quả của ứng dụng công nghệ thông tin thì mức giảm này còn chưa tương xứng.

Từ những phân tích ở trên và những kết quả đạt được nêu trên, đại biểu kiến nghị: đối với chi phí quản lý quỹ, tiếp tục cắt giảm chi phí quản lý Quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trong bối cảnh tăng cường áp dụng công nghệ thông tin, trong quản lý quỹ, chủ động, tích cực, quyết liệt sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn. Các chỉ tiêu này giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định và chi phí quản lý phải được gắn với kết quả phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm và hiệu quả sinh lời từ hoạt động của quỹ. Báo cáo với Quốc hội, Nghị quyết 528 năm 2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về chi phí quản lý quỹ trong giai đoạn 2019-2021, do đó đề nghị Chính phủ sớm hoàn thành việc đánh giá kết quả thực hiện chi phí trong giai đoạn này và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm quyết định cho giai đoạn tiếp theo theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội. Báo cáo, tháng này là tháng 10 rồi, nếu Chính phủ trình không sớm thì quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ không được xem xét kịp thời để thực hiện, triển khai trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

Thứ hai, về đầu tư phát triển quỹ. Nguyên tắc đầu tư từ quỹ là bảo toàn, hiệu quả và thu hồi được vốn đầu tư. Theo báo cáo tổng số tiền lãi thu được từ hoạt động quỹ đầu tư năm 2020 khoảng 47.500.059 tỷ đồng, lãi đầu tư bình quân khoảng 5%. Theo báo cáo, việc đầu tư quỹ vào ngân hàng thương mại hiện nay chưa thống nhất với Luật các tổ chức tín dụng nên việc đầu tư quỹ vào các ngân hàng thương mại gặp khó khăn. Do đó, đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo, đề xuất sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm và các luật có liên quan theo tinh thần Nghị quyết số 28 của Trung ương, đó là đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững và hiệu quả. Ưu tiên đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, nhất là trái phiếu Chính phủ dài hạn. Nghiên cứu từng bước mở rộng sang các lĩnh vực có khả năng sinh lời cao, từng bước và có lộ trình đầu tư một khoản tiền nhàn rỗi của quỹ thông qua ủy thác đầu tư tại thị trường trong nước và quốc tế, bảo đảm an toàn, bền vững./.