ĐẠI BIỂU CHÂU QUỲNH DAO: ĐỔI MỚI CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH ĐỂ CÓ NGUỒN LỰC MỞ RỘNG MẠNG LƯỚI Y TẾ CƠ SỞ

28/10/2021

Theo đại biểu Châu Quỳnh Dao, Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động để nhân dân hiểu được tầm quan trọng của bảo hiểm y tế cũng như đổi mới cơ chế chính sách để các địa phương có nguồn lực đầu tư mở rộng mạng lưới y tế cơ sở.

Đại biểu Quốc hội Châu Quỳnh Dao phát biểu thảo luận từ điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang

Qua nghiên cứu báo cáo việc quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 cũng như báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 68 của Quốc hội khóa XIII, đại biểu Châu Quỳnh Dao bày tỏ vui mừng khi tỷ lệ người dân của chúng ta tham gia bảo hiểm y tế đến cuối năm 2020 vượt chỉ tiêu Nghị quyết 68 đề ra đến 10,85%. Điều này thể hiện được quyết tâm, sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp trong công tác chăm lo cho sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn khi mà trong báo cáo cũng như trong thảo luận tổ cũng chưa thấy đề cập việc mặc dù chúng ta đã nỗ lực rất nhiều trong việc mở rộng bao phủ bảo hiểm y tế đến nhóm người cao tuổi nhưng hiện tại có đến 500.000 người cao tuổi thuộc hộ nghèo chưa có bảo hiểm y tế.

Một điểm nữa là người thuộc hộ nghèo sinh sống ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, tuy họ không thuộc đối tượng được miễn bảo hiểm y tế nhưng việc tiếp cận với bảo hiểm tự nguyện rất khó khăn, bởi vì họ thường là những đối tượng hộ cận nghèo, hộ vừa mới thoát nghèo và chưa đủ tuổi để hưởng được sự hỗ trợ 100% từ ngân sách nhà nước, do đó cũng rất khó tiếp cận. Đáng lưu tâm hơn nữa là người cao tuổi có bảo hiểm y tế, nhưng nếu sinh sống ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, miền núi thì việc thụ hưởng những chính sách nhân văn về bảo hiểm y tế còn rất bất cập và bất bình đẳng. Do cơ sở vật chất, nguồn nhân lực thiếu thốn rất nhiều và đặc biệt nữa, đa số hoàn cảnh của họ rất nghèo, phải nặng gánh mưu sinh, giao thông cách trở, nên không có điều kiện chăm sóc sức khỏe định kỳ.

Theo tính toán thì chi phí khám, chữa bệnh cho người cao tuổi cao gấp 10 lần so với người trẻ. Người cao tuổi, dân số chỉ chiếm 12% so với dân số của cả nước, nhưng chi phí điều trị chiếm tới 50% mỗi năm. Đây là điều hết sức đáng quan tâm. Chúng ta mừng khi tuổi thọ trung bình của dân số Việt Nam là cao 73,7 tuổi, nhưng tuổi thọ khỏe mạnh thực sự của chúng ta còn thấp, chỉ có 64 tuổi. Khoảng 95% người cao tuổi, theo khảo sát là có bệnh nền, bệnh mãn tính. Những bệnh này cần có một cơ chế, chính sách đặc thù về vấn đề khám, chữa bệnh. Nhưng trong thực tế, nhiều chính quyền địa phương cũng chưa có đủ kinh phí để tăng cường cơ sở vật chất về trang thiết bị để chăm sóc sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi cũng như vấn đề đầu tư cho những phòng khám thành lập lão khoa, chuyên sâu hay là đội ngũ nhân lực y tế chuyên sâu về lão khoa cũng còn rất ít. Chính vì vậy cũng ảnh hưởng nhiều đến công tác tuyên truyền, tư vấn và phổ biến những kiến thức về phòng cũng như là cách chữa bệnh đối với người cao tuổi. Chính phủ đã nhìn nhận thẳng vấn đề là chưa hoàn thành được mục tiêu mà Nghị quyết 68 đề ra, đó là đầu tư, cải thiện, nâng cấp trạm y tế cấp xã. 

Để thực hiện thành công chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII đề ra, đó là đảm bảo 100% người cao tuổi được hưởng chính sách, có được bảo hiểm y tế và tất cả người cao tuổi được quản lý sức khỏe, được khám, chữa bệnh, được chăm sóc tại gia đình, tại cộng đồng, tại các cơ sở tập trung. Đại biểu Châu Quỳnh Dao kiến nghị Quốc hội, Chính phủ thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động để nhân dân, người cao tuổi, người thân của người cao tuổi hiểu được tầm quan trọng, vai trò của bảo hiểm y tế trong việc chăm lo sức khỏe, chăm lo tuổi thọ cũng như chất lượng cuộc sống và đặc biệt hiểu được quy trình, thủ tục khám, chữa bệnh và để làm sao toàn dân tham gia bảo hiểm y tế là vì đại cuộc, giúp đất nước của chúng ta sớm hoàn thành 3 mục tiêu. Thứ nhất là công bằng trong khám, chữa bệnh theo nhu cầu. Thứ hai là đảm bảo an toàn về tài chính, tức là không để gia đình nào bị khánh kiệt do chi phí thuốc men, chi phí điều trị. Thứ ba nữa chính là tiếp cận với dịch vụ y tế có chất lượng. Điểm mới nữa là chúng ta cố gắng làm sao nghiên cứu để xây dựng các chỉ số theo dõi, giám sát, đánh giá, để thấy được sự chuyển biến trong nhận thức, trong thái độ, hành vi, để từ đó chúng ta điều chỉnh phương thức truyền thông như thế nào cho hiệu quả, để hoạch định chính sách một cách phù hợp.

Thứ hai, đổi mới cơ chế chính sách, nhất là tài chính để làm sao cho các địa phương có đủ điều kiện, đủ nguồn lực để đầu tư mở rộng mạng lưới y tế cơ sở, nhất là các trạm y tế xã. Theo quan điểm y tế cơ sở chính là nền tảng, mà hiện nay đang hướng thường là ngân sách Trung ương hỗ trợ trong giai đoạn 2016-2020 chỉ dành cho những dự án thuộc nhóm B, trong khi trạm y tế xã thuộc nhóm C. Đầu tư trang thiết bị cũng như bồi dưỡng, đào tạo nguồn lực y tế, nhân viên y tế chuyên sâu về lão khoa, như vậy mới đáp ứng được nhu cầu của người cao tuổi trong việc thụ hưởng, đảm bảo được chất lượng cuộc sống. Đề nghị Quốc hội nghiên cứu, xem xét để nâng tuổi của người cao tuổi được hưởng bảo hiểm y tế miễn phí từ 80 còn lại 75, theo kiến nghị của cử tri, cũng như hỗ trợ 100% mức đóng cho người cao tuổi thuộc hộ cận nghèo./.