Sau 3,5 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, trách nhiệm của 2 đợt họp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình Phiên họp thứ 6 với nhiều nội dung quan trọng. Tại phiên họp này, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chủ động giữa các cơ quan của Quốc hội với Chính phủ cùng các cơ quan hữu quan, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí thông qua các nội dung cơ bản để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp bất thường, dự kiến được tổ chức vào đầu tháng 01/2022, gồm các nội dung sau:
Một là, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí việc bổ sung dự án Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của một số Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Đề nghị các cơ quan hữu quan và Chính phủ hoàn thiện hồ sơ, tờ trình cũng như báo cáo thẩm tra để trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp bất thường thứ Nhất, Quốc hội khoá XV theo trình tự thủ tục rút gọn.
Hai là, xem xét, quyết định Chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc đường bộ Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề xuất thống nhất cơ quan đầu mối quản lý các dự án cũng như các dự án thành phần. Việc uỷ quyền cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng của dự án trong bước báo cáo nghiên cứu khả thi. Phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2, còn một phần chuyển sang năm 2026.
Ba là, xem xét, quyết định Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. Với những chính sách đặc thù đã được Chính phủ bổ sung làm rõ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí trình Quốc hội xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết này nhằm cụ thể hoá Nghị quyết số 59 của Bộ Chính trị về phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030 tầm nhìn đến 2045, tạo cơ chế thu hút đầu tư, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng thành phố Cần Thơ thành Trung tâm phát triển của vùng đồng bằng Sông Cửu Long, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển chung của đât nước trong thời gian tới.
Quan tâm đến sự kiện này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội đã có một vài chia sẻ, nhận định.
Giáo sư Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội
Phóng viên: Thưa đại biểu, đầu tháng 1/2022, Quốc hội lần đầu tiên tổ chức một Kỳ họp bất thường. Xin Đại biểu cho biết ý nghĩa và sự cần thiết tổ chức Kỳ họp bất thường trong điều kiện hiện nay?
Giáo sư Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội: Như chúng ta đã biết, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, được Nhân dân tin tưởng uỷ thác quyền lực nhà nước, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân cả nước, do đó Quốc hội cần phải theo sát tất cả những diễn biến xảy ra của đất nước, từ đó đưa ra những quyết định kịp thời. Quyết định của Quốc hội là định hướng cho quyết định của Chính phủ và quyết định của các địa phương, nhằm tổ chức triển khai các công việc phù hợp. Quốc hội Việt Nam, trong quá trình phát triển đã ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò của mình, ngày càng gần dân hơn, gắn bó với cử tri hơn, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ phản ánh nhu cầu, tâm tư của cử tri, đồng hành, triển khai ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đã quyết định tổ chức Kỳ họp bất thường, tuy thời gian họp không dài, nhưng là việc hết sức cần thiết, cụ thể vì những lý do sau:
Thứ nhất, hiện nay dịch bệnh đang diễn biến hết sức nghiêm trọng, khó lường, đầy những biến cố bất trắc. Do đó, cần phải có những quyết định đúng đắn và phù hợp với tình hình đất nước. Có những vấn đề đã đổi khác từ Kỳ họp thứ 2 đến nay, nên cần có những ứng phó kịp thời, đồng bộ. Vì vậy quyết định tổ chức Kỳ họp bất thường này là hết sức sáng suốt, đúng đắn, cần thiết.
Thứ hai, tổ chức Kỳ họp bất thường để có thể tổng kết đánh giá kỹ lưỡng những thành quả đạt được trong một năm vừa qua. Tại Kỳ họp thứ 2, chúng ta mới chỉ có số liệu kinh tế quý III. Sau kỳ họp đó, với Nghị quyết 128/NQ-CP, tại quý IV, kinh tế đất nước đã có những diễn biến hết sức tích cực. Đó là điều rất cần được đánh giá, xem xét, bổ sung để làm cơ sở tiếp tục xây dựng kế hoạch năm 2022.
Ngoài ra, trong thảo luận từ Kỳ họp thứ 9 và thứ 10 của Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu đã quan tâm đến vấn đề đổi mới chương trình hoạt động của Quốc hội, cụ thể, đã có đề xuất mỗi quý Quốc hội nên tổ chức một Kỳ họp kéo dài một tuần, để Quốc hội theo sát diễn biến tình hình của đất nước, đáp ứng được những nguyện vọng, ý chí của nhân dân. Điều khó khăn là số kỳ họp Quốc hội trong một năm đã được quy định trong Hiến pháp. Nếu không có ý chí, quyết tâm chính trị cao độ, nếu không thực sự vì dân, gần dân thì khó có thể làm đươc việc này. Tôi đánh giá rất cao Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đặc biệt là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong việc đưa ra quyết định tổ chức kỳ họp bất thường này.
Phóng viên: Khẳng định việc tổ chức Kỳ họp bất thường vào thời điểm này là điều rất cần thiết, xin đại biểu cho biết những nội dung sẽ được Quốc hội xem xét tại Kỳ họp lần này?
Giáo sư Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội: Kỳ họp này, Quốc hội sẽ tập trung thảo luận, quyết định những nhóm vấn đề quan trọng nhất của đất nước, bao gồm: Dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự; Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. Theo tôi, đây là 4 vấn đề rất nóng bỏng, quan trọng, cấp bách và cần thiết, nhận được sự quan tâm lớn của cử tri cả nước, cần được thảo luận, quyết định kịp thời, không để chậm trễ. Nếu để muộn hơn thì sẽ dẫn tới ách tắc vấn đề.
Kỳ họp bất thường sẽ diễn ra từ ngày 4/1 đến ngày 11/1/2022 theo hình thức trực tuyến. Tôi cho rằng đây là quyết định hợp lý, phù hợp với tình hình thực tiễn. Khi dịch bệnh COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp khó lường, Quốc hội đã có những thay đổi nhanh và linh hoạt, ứng dụng khoa học công nghệ để bắt nhịp với diễn biến thực tế, đưa ra ứng phó kịp thời vì lợi ích nhân dân. Thời gian kỳ họp vừa đủ để các đại biểu đưa ra ý kiến với những vấn đề cấp thiết, nóng bỏng về tình hình kinh tế- xã hội của đất nước trong dịch bệnh.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã khẳng định kỳ họp này chỉ giải quyết vấn đề cấp bách, cấp thiết cho quốc kế dân sinh và những vấn đề đó phải được chuẩn bị kỹ lưỡng. Đồng thời đề nghị Chính phủ cần chuẩn bị hết sức chu đáo, đầy đủ, từ sớm, từ xa, tránh trường hợp gửi muộn tài liệu, khiến đại biểu Quốc hội không kịp nghiên cứu sâu sắc để đưa ra ý kiến về những vấn đề cần quyết định. Ngay từ Phiên họp thứ 5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 11/2021, Chủ tịch Quốc hội đã đề nghị các cơ quan liên quan vào cuộc ở mức độ cao nhất, kể cả phải làm ngày, làm đêm để chuẩn bị cho nội dung Kỳ họp bất thường. Với nội dung, thời gian và cách thức tổ chức như trên, trên tư cách một đại biểu Quốc hội, tôi rất hào hứng bước vào Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất.
Phóng viên: Với những nội dung nêu trên, đại biểu kỳ vọng gì ở thành công của Kỳ họp bất thường này?
Giáo sư Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội: Tôi kỳ vọng Kỳ họp bất thường sẽ giải quyết được những vấn đề cấp bách và hệ trọng của đất nước trong tình hình dịch bệnh. Trước hết, tính kịp thời của việc tổ chức kỳ họp đã đáp ứng được mong muốn nguyện vọng của cử tri. Bước vào Kỳ họp, tôi hy vọng các đại biểu Quốc hội sẽ đóng góp các ý kiến xác đáng, tâm huyết và toàn diện nhằm tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Từ đó Quốc hội sẽ tiếp tục đổi mới hoạt động, đưa ra nhiều quyết sách đúng đắn, đưa đất nước ngày càng phát triển. Với cách thức chuẩn bị tổ chức chu đáo và kỹ lưỡng, tôi tin Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất của Quốc hội khóa XV sẽ thành công tốt đẹp.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!