Phát biểu kết luận tại Phiên họp thứ 6 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chủ động giữa các cơ quan của Quốc hội với Chính phủ cùng các cơ quan hữu quan, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét cho ý kiến và đã nhất trí thông qua 03 nội dung cơ bản để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp bất thường, dự kiến được tổ chức vào đầu tháng 01/2022. Như vậy, về cơ bản, cả 04 nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất đã được chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng, sẵn sàng cho việc tổ chức kỳ họp. Trong thời gian tổ chức kỳ họp cũng sẽ dành một quỹ thời gian tương thích để các cơ quan của Quốc hội cũng như các cơ quan của Chính phủ tổng hợp, thuyết minh, giải trình và chuẩn bị các dự thảo nghị quyết để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp theo hình thức trực tuyến.
Liên quan đến sự kiện này, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa- Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đã có một vài chia sẻ, đánh giá của bản thân đại biểu.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa- Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp tỉnh Đồng Tháp
Phóng viên: Thưa đại biểu, đại biểu có đánh giá như thế nào về sự cần thiết tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội Khóa XV?
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa- Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Tại phiên họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí thông qua 3 nội dung cơ bản để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp bất thường, dự kiến tổ chức vào đầu tháng 1/2022. Một là, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự. Hai là, chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Ba là, dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
Kỳ họp bất thường này là Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV. Các nội dung dự kiến xem xét, thảo luận tại Kỳ họp bất thường là những nội dung quan trọng, cấp bách của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường, gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế đất nước. Việc quyết định tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV với những nội dung này là thực sự cần thiết, để các đại biểu Quốc hội bàn thảo đến nơi đến chốn, thống nhất những quyết sách quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ hoạt động, điều hành hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID- 19; xây dựng những chế độ, chính sách để khuyến khích lực lượng chống dịch tuyến đầu tiếp tục bám trụ, phục vụ đất nước trong giai đoạn nước sôi lửa bỏng hiện nay và tìm ra những giải pháp căn cơ, cốt lõi để vực dậy, phục hồi nền kinh tế; hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới.
Phóng viên: Dự kiến tại Kỳ họp bất thường sắp tới, Quốc hội sẽ xem xét nhiều nội dung quan trọng, cấp bách của nền kinh tế nước ta hiện nay. Đại biểu đặc biệt quan tâm và kỳ vọng vào nội dung nào?
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa- Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Những nội dung dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đều là những nội dung quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, được dư luận quan tâm. Đáng chú ý, là nội dung về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. Đây là đô thị loại I trực thuộc Trung ương có vị trí trung tâm Vùng đồng bằng sông Cửu Long, mang những đặc trưng cơ bản của một trung tâm đa chức năng, có sức lan tỏa về kinh tế, văn hóa, xã hội. Tôi kỳ vọng, Nghị quyết này nếu được Quốc hội thông qua, thành phố Cần Thơ sẽ thực sự trở thành trung tâm văn hóa, kinh tế của Vùng đồng bằng sông Cửu Long, tạo được đà kích thích mạnh cho sự phát triển của thành phố, kéo theo các tỉnh trong khu vực, đóng góp xứng đáng của sự nghiệp phát triển chung của đất nước trong thời gian tới.
Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến lần thứ 2, việc trình Quốc hội xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết này tại Kỳ họp bất thường sắp tới sẽ góp phần cụ thể hoá Nghị quyết số 59 của Bộ Chính trị về phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030 tầm nhìn đến 2045. Tôi cho rằng, các chính sách trong nghị quyết rất quan trọng, có ý nghĩa không chỉ với thành phố Cần Thơ mà còn có ý nghĩa lan toả đối với cả đồng bằng Sông Cửu Long.
Phóng viên: Thông qua việc tổ chức kỳ họp bất thường để xem xét và quyết định những vấn đề thực sự cấp thiết, cấp bách đến quốc kế, dân sinh, đại biểu có đánh giá thế nào về sự quyết tâm, linh hoạt trong hoạt động của Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa- Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Do bối cảnh dịch bệnh, Quốc hội đã quyết định họp trực tuyến cả kỳ qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến điểm cầu Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tôi cho rằng, chất lượng họp tập trung hay trực tuyến đều như nhau, nó chỉ khác nhau ở hình thức. Việc Quốc hội chuyển từ hình thức họp tập trung sang trực tuyến là đúng đắn và phù hợp trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lan rộng như hiện nay, nó thể hiện sự quyết đoán, thích ứng linh hoạt, nhanh nhạy của Quốc hội trong điều hành các hoạt động của mình với mọi tình huống xảy đến, không bị cản trở bởi lý do gì, để xử lý cho bằng được những vấn đề quan trọng, cấp bách của quốc gia, dân tộc. Nó thể tinh thần làm việc, và sự quyết tâm cao độ của Quốc hội đối với những vấn đề của đất nước, xứng đáng với niềm tin, trọng trách mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!