GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: CẦN CÓ CHÍNH SÁCH TÁI CƠ CẤU THỊ TRƯỜNG DU LỊCH

10/01/2022

Ngày 07/01, tại phiên thảo luận toàn thể trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị, cần có chính sách tái cơ cấu thị trường du lịch, bổ sung miễn, giảm thuế đất đối với lĩnh vực du lịch;…

 

Toàn cảnh Phiên thảo luận toàn thể trực tuyến từ điểm cầu Nhà Quốc hội

Dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là một trong 4 nội dung quan trọng được thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV.

Đây là những chính sách bổ sung, ngoài khung khổ chính sách tài chính, tiền tệ đã được Quốc hội quyết định trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; kế hoạch tài chính, kế hoạch vay và trả nợ công, kế hoạch đầu tư công giai đoạn từ 2021-2025. Tổng giá trị của những chính sách này trong 2 năm tới lên đến gần 350 nghìn tỷ đồng.

Chương trình xác định khung những vấn đề trọng tâm, cần tập trung giải quyết, bao gồm 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô thực hiện dự kiến trong năm 2022-2023 như sau: (1) Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; (2) Bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; (3) Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; (4) Phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; (5) Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, huy động từ các Quỹ tài chính ngoài Ngân sách Nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cho rằng, du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19 và phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Đặc biệt lượng khách quốc tế sụt giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp phải chấm dứt hoạt động hoặc buộc phải chuyển đổi mô hình kinh doanh, cắt giảm nhân sự… Phần lớn doanh nghiệp du lịch nợ ngân hàng, không có doanh thu, dẫn đến mất khả năng trả nợ các khoản vay, thuế, phí; hầu hết lao động mất việc và buộc phải chuyển nghề khác để kiếm sống. Điều này dẫn đến nguy cơ thiếu hụt lao động khi ngành du lịch hoạt động trở lại.

Từ thực tế này, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần quan tâm tới một số chính sách cụ thể như: (1) Tiếp nhận nguồn lực thích hợp từ ngân sách Nhà nước để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, nhất là các địa phương là trọng điểm của du lịch; (2) Có chính sách tái cơ cấu thị trường du lịch, thúc đẩy thị trường nội địa, có lộ trình mở cửa du lịch quốc tế an toàn, cho phép các địa phương triển khai đón khách du lịch quốc tế theo mô hình du lịch an toàn; (3) giảm thuế sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư cơ sở lưu trú, khu du lịch sử dụng diện tích đất lớn để tạo cảnh quan, thúc đẩy, phát triển du lịch;…

Bên cạnh đó, đại biểu cũng kiến nghị, giảm giá bán điện cho các cơ sở lưu trú du lịch từ mức giá bán điện kinh doanh sang giá bán lẻ cho các ngành đầu tư sản xuất. Đồng thời, có chính sách miễn giảm thuế, giảm phí giao thông đường bộ đối với các doanh nghiệp lữ hành du dịch trong năm 2022; có chính sách hỗ trợ từ ngân sách cũng như các nguồn lực khác cho các địa phương về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực phát triển du lịch;…

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Sửu, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế kiến nghị bổ sung miễn, giảm tiền thuê đất đối với lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Theo đại biểu, đây là một trong những lĩnh vực chịu tác động lớn do dịch Covid-19 thời gian qua, do đó cần có chính sách phù hợp để kích cầu phục hồi một cách tích cực và hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế

Theo đại biểu Lê Văn Dũng, ĐBQH tỉnh Quảng Nam, ngành du lịch được dự báo chưa thể phục hồi trong năm tới, nếu không có những chính sách kịp thời, lâu dài và đủ mạnh thì doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực du lịch khó tồn tại, duy trì để vượt qua khó khăn. Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm xem xét tiếp tục có cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với lĩnh vực du lịch, dịch vụ. "Đề nghị nâng tỷ lệ giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp dịch vụ du lịch trong năm 2021 lên 70% và thực hiện đến hết năm 2023, thay vì giảm 30% đến hết năm 2021 như hiện nay, đồng thời gia hạn thời gian nộp tiền thuê đất còn lại thêm 12 tháng nữa. Riêng đối với các doanh nghiệp đến hết kỳ cần điều chỉnh đơn giá thuê đất theo chu kỳ 5 năm giai đoạn 2021-2025 được giảm thêm phần tăng cho bảng giá thuê đất của địa phương giai đoạn 2021-2025 tăng cao hơn so với giai đoạn 2016-2020,..", đại biểu Lê Văn Dũng nêu đề xuất.

Góp ý vào nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long nhấn mạnh, du lịch là ngành chịu rất nhiều thiệt hại sau đại dịch Covid-19, tuy nhiên đây cũng là cơ hội mở ra cho du lịch, thay đổi tư duy về du lịch của Việt Nam sau đại dịch để tạo ra bước đột phá, kích thích du lịch phát triển, nâng cao chất lượng.

Đại biểu bày tỏ đồng tình với việc hỗ trợ cấp vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch và đầu tư hạ tầng chuyển đổi số. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ quan tâm và phải có những đánh giá tác động đối với ngành du lịch để có sự lựa chọn ưu tiên phát triển dựa trên tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Bên cạnh đó, xây dựng môi trường du lịch an toàn, nhân văn, bền vững, đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của xã hội và cộng đồng về trách nhiệm bảo vệ môi trường du lịch. Đồng thời, tích cực tham gia xây dựng phong trào ứng xử văn minh, thân thiện với du lịch, giữ gìn trật tự trị an, cung cấp thông tin về dịch vụ tại địa phương cho du khách qua internet, qua hệ thống thông tin, các ấn phẩm quảng bá du lịch, cải tiến chất lượng dịch vụ và thái độ phục vụ du khách;...

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh cũng kiến nghị, bên cạnh huy động và phân bổ nguồn lực thỏa đáng để phát triển du lịch như tăng tỷ lệ chi ngân sách cho du lịch từ 1,4% lên khoảng 3% tổng chi ngân sách như các nước trong khu vực, cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, có giải pháp kiểm soát chất lượng sản phẩm du lịch để đảm bảo quyền lợi của du khách và tạo hình ảnh điểm đến chất lượng, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu điểm đến an toàn cho du khách; tuyên truyền về đảm bảo y tế, tạo tâm lý an toàn để du khách an tâm khi tham quan du lịch nội địa.

Ngoài ra, cần quan tâm các yếu tố về an sinh xã hội để nhân dân được thụ hưởng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần từ lợi ích mà ngành du lịch mang lại. Theo đại biểu, đây là một yếu tố quan trọng để giữ gìn, phát huy giá trị vốn có, giúp du lịch đi vào chiều sâu, đảm bảo cho sự phát triển bền vững.

Việt Nam có tiềm năng lớn về nhiều mặt để phát triển du lịch, có thiên nhiên phong phú, có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, có truyền thống văn hóa lâu đời với nhiều lễ hội, phong tục, tập quán tốt đẹp và độc đáo. Nhiều di tích lịch sử, tôn giáo, kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, giàu bản sắc nhân văn, nguồn lao động dồi dào, thông minh, cần cù và giàu lòng nhân ái. Chính vì thế, đại biểu lưu ý, cần tăng cường xúc tiến đầu tư, kêu gọi các nhà đầu tư tham gia các dự án du lịch mang tính chiến lược, tạo động lực để thúc đẩy phát triển du lịch của cả nước và của từng địa phương./.

Lê Anh