BỘ TÀI CHÍNH TRẢ LỜI CỬ TRI LẠNG SƠN VỀ BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH CHO VAY HỘ SẢN XUẤT KINH DOANH VÙNG KHÓ KHĂN

20/01/2022

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã chính thức trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Lạng Sơn về việc nghiên cứu trình Chính phủ ban hành Chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn từ 50 triệu đồng lên tối đa 100 triệu đồng/hộ không phải đảm bảo tiền vay.

 

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn khoá XV

Trước Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XV, cử tri tỉnh Lạng Sơn đề nghị nghiên cứu trình Chính phủ ban hành Chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn từ 50 triệu đồng lên tối đa 100 triệu đồng/hộ không phải đảm bảo tiền vay.

Trả lời kiến nghị của cử tri, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, chương trình tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khàn được triển khai theo Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu hỗ trợ các hộ gia đình vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, tăng trưởng kinh tế đồng đều giữa các vùng trong cả nước. Đối tượng vay vốn của Chương trình là các hộ gia đình theo quy định của Bộ Luật Dân sự không thuộc diện hộ nghèo thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn trong những lĩnh vực mà pháp luật không cấm.

Tại Điều 7 Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg quy định về mức vốn cho vay của chương trình, trong đó mức vốn cho vay đối với một hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tối đa là 30 triệu đồng/hộ không phải thế chấp tài sản. Trong một số trường hợp cụ thể mức vốn vay của một hộ có thể trên 30 triệu đồng nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng/hộ và phải có tài sản bảo đảm. Căn cứ vào tình hình thực tế, từ khi triển khai Chương trình đến năm 2015, mức cho vay tối đa của Chương trình này đã được Nhà nước xem xét, điều chỉnh 01 lần cho phù hợp với tình hình thực tế, hiện nay mức cho vay là 50 triệu đồng/hộ không phải thế chấp tài sản, trong một số trường hợp cụ thể mức vốn vay của một hộ có thể trên 50 triệu đồng nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng/hộ và phải có tài sản bảo đảm.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, việc điều chỉnh mức cho vay tối đa không phải thế chấp tài sản của chương trình phải gắn với chất lượng tín dụng tại ngân hàng. Ngày 30/10/2021, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh có ý kiến chỉ đạo tại Công văn số 7957/VPCP-QHĐP của Văn phòng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn trong thực hiện chế độ, chính sách tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó “Giao các Bộ, cơ quan: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động, Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Tài chính, Uỷ ban Dân tộc theo chức năng nhiệm vụ được giao khẩn trương chủ trì nghiên cứu, đề xuất giải pháp cụ thể đối với các chính sách ban hành áp dụng tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 nay không còn nằm trong danh sách các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, báo cáo cấp có thẩm quyền tại thời điểm phù họp, bảo đảm kết quả phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững và nâng cao sinh kế cho người dân”.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, Bộ Tài chính đang đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội đánh giá tổng kết toàn diện tình hình triển khai thực hiện Chương trình này để làm cơ sở nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi bổ sung chính sách cho phù hợp. Trong quá trình nghiên cứu sửa đổi chính sách này, Bộ Tài chính sẽ đánh giá về hạn mức cho vay tối đa không cần thế chấp tài sản để đảm bảo nguyên tắc vừa hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, nhưng cũng phải đảm bảo khả năng thu hồi vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội cũng như đảm bảo tính cân đối với mức vay không cần thế chấp tài sản của các chương trình khác đang triển khai qua Ngân hàng Chính sách xã hội./.

Minh Thành