Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai
Góp ý về chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh (Điều 5), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai cho biết, dự thảo Luật quy định nhiều chính sách ưu đãi đầu tư đối với nhiều hoạt động điện ảnh, bao gồm ưu đãi về từng loại thuế cụ thể, ưu đãi về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Tuy nhiên quy định này chưa phù hợp với Luật Đầu tư và các luật thuế có liên quan, đề nghị nghiên cứu kỹ về nội dung này để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật liên quan.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Phương Mai, Luật Đầu tư không quy định cụ thể về các hoạt động điện ảnh thuộc đối tượng ưu đãi đầu tư. Tại quy định tại Danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư ban hành kèm theo Nghị định số 31/2001/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư có quy định ngành, nghề đầu tư “kinh doanh rạp hát, trường quay, cơ sở sản xuất phim, in tráng phim” thuộc Danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư, Như vậy, việc dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) quy định cụ thể về từng hình thức, đối tượng ưu đãi đầu tư, bao gồm cà ưu đãi về thuế cho nhiều hoạt động điện ảnh là khác với Luật Đầu tư.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương cũng cho rằng, việc dự thảo Luật quy định các ưu đãi về thuế là chưa thể chế đầy đủ, chưa đúng với tinh thần “hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong các sắc thuế và chính sách miễn, giảm, giãn thuế, bảo đảm tính trung lập của thuế” được nêu trong Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.
Bên cạnh đó, đại biểu nhận thấy, khoản 4 Điều 4 của Luật Đầu tư đã quy định: “Trường hợp luật khác ban hành sau ngày Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành cần quy định đặc thù về đầu tư khác với quy định của Luật Đầu tư thì phải xác định cụ thể nội dung thực hiện hoặc không thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư, nội dung thực hiện theo quy định của luật khác đó". Do vậy, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương đề nghị trường hợp ghi nhận các chính sách ưu đãi cụ thể tại Luật Điện ảnh thì cần thực hiện theo nguyên tắc trên của Luật Đầu tư và sửa đổi đồng bộ các quy định tương ứng của Luật Đầu tư, các luật thuế có liên quan. Đồng thời bổ sung đánh giá tác động về những chính sách đó theo quy định tại khoản 1 Điều 35 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quy định tại khoàn 4 Điều 5 của dự thảo Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị tiếp tục rà soát các quy định khuyến khích tại khoản 4 để bảo đảm tính thống nhất, tránh chồng chéo với các quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này. Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương nêu ví dụ như quy định về sản xuất, phát hành và phổ biến phim (điểm a khoản 4) trùng lặp với quy định về sản xuất phim thực hiện theo kế hoạch phục vụ nhiệm vụ chính trị của Nhà nước (điểm a khoản 2), sản xuất, phát hành, phổ biến phim Việt Nam (điểm a khoản 3); quy định về quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh (điểm b, khoản 4) trùng lặp với quy định về tổ chức các liên hoan phim (điểm d khoản 2)…
Bàn về Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương tán tành với đề xuất của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục về việc không quy định về Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh vì những lí do sau:
Thứ nhất, đại biểu nhận thấy, quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh chưa bảo đảm tính thống nhất với quy định tại khoản 11 Điều 8 của Luật Ngân sách nhà nước, có nhiệm vụ chi của Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh trùng với nhiệm vụ chi của NSNN đã được quy định tại khoản 2 Điều 5 của Dự thảo Luật.
Thứ hai, mặc dù Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh chưa được quy định trong Luật Điện ảnh năm 2006 nhưng qua 14 năm triển khai thực hiện, Quỹ vẫn chưa được thành lập do chưa xác định được nguồn thu ổn định để đảm bảo hoạt động của Quỹ. Để khắc phục, dự thảo Luật uy không quy định cụ thể về nguồn thu của Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh nhưng giao Chính phủ quy định về nội dung này. Tại Điều 10 của dự thảo Nghị định Chính phủ chuẩn bị kèm Hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, một số nguồn thu của Quỹ lại từ nguồn NSNN là chưa bảo đảm phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước.
Thứ ba, theo Báo cáo số 343/BC-ĐGS ngày 12 tháng 8 năm 2019 về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2018, Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kiến nghị Quốc hội đối với một số Quỹ không cần thiết, hoạt động không hiệu quả hoặc không triển khai được trong thực tiễn quy định tại các luật thì cần bãi bỏ.
Liên quan đến vấn đề sản xuất phim sử dụng ngân sách Nhà nước (Điều 14), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương nhận thấy, việc liệt kê các chủ thể đầu tư dự án sản xuất phim như dự thảo Luật còn trùng lặp, chung chung, không xác định rõ từng chủ thể đầu tư dự án sản xuất phim, do vậy đề nghị rà soát, xác định cụ thể chủ thể đầu tư dự án sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước để có cơ sở giao nhiệm vụ thực hiện. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, các chủ thể đầu tư dự án sản xuất phim là rất rộng, nhiều cơ quan nhà nước có thể tham gia sản xuất phim, việc xác định cụ thể chủ thể sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước là rất khó. Do vậy, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương đề nghị nghiên cứu quy định chủ thể đầu tư dự án sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước một cách hợp lý trong dự thảo Luật.
Về khoản 4 Điều 14, đại biểu cho rằng, việc sản xuất phim sử dụng NSNN thực hiện theo hình thức đấu thầu sẽ phải tuân thủ trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật đấu thầu. Việc quy định như dự thảo Luật có thể gây ra cách hiểu là đối với sản xuất phim sử dụng NSNN tuy thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu nhưng Chính phủ có thể có những quy định riêng, phù hợp với đặc thù của việc sản xuất phim, khác pháp luật về đấu thầu. Do vậy, đại biểu đề nghị chỉnh lý lại quy định này cho rõ ràng, minh bạch, thống nhất.
Góp ý về quy định các loại Giấy phép trong dự thảo Luật (các điều 13, 27 và 38), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương nhận thấy, dự thảo Luật có khá nhiều quy định về cấp phép liên quan đến hoạt động điện ảnh như Giấy phép cung cấp dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam (Điều 13), Giấy phép phân loại phim (Điều 27), Giấy phép tổ chức liên hoan phim, liên hoan phim chuyên ngành, chuyên đề, giải thưởng phim và cuộc thi phim, Giấy phép tổ chức chương trình phim, tuần phim tại Việt Nam (Điều 38). Đối với việc cấp Giấy phép phân loại phim, dự thảo Luật quy định về thay đổi nội dung phim và các thông tin khác trong Giấy phép phân loại phim, thu hồi Giấy phép phân loại phim.
Tuy nhiên, đối với việc cấp phép cung cấp dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam, cấp phép tổ chức liên hoan phim, liên hoan phim chuyên ngành, chuyên đề, giải thưởng phim và cuộc thi phim cũng như cấp phép phép tổ chức chương trình phim, tuần phim tại Việt Nam, dự thảo Luật chưa quy định về việc thay đổi thông tin trong Giấy phép cũng như việc thu hồi Giấy phép. Bên cạnh đó, dự thảo Luật chưa quy định điều kiện để được cấp các loại Giấy phép nói trên. Do vậy, đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung các quy định này trong dự thảo Luật để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong quy định về các loại Giấy phép, minh bạch, công bằng trong tổ chức thực hiện.
Đề cập đến trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hạ tầng trên không gian mạng (Điều 21), đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương nhận thấy đây là một quy định quan trọng nhằm đảm bảo thực thi các quy định của pháp luật về điện ảnh trên môi trường số. Tuy nhiên, việc quy định tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hạ tầng trên không gian mạng chỉ thực hiện việc gỡ bỏ vi phạm trong trường hợp tổ chức, cá nhân phổ biến phim không chấp hành yêu cầu gỡ bỏ phim vi phạm sẽ thu hẹp phạm vi thẩm quyền yêu cầu của cơ quan nhà nước, không bảo đảm yêu cầu xử lý kịp thời khi phát hiện phim vi phạm trên không gian mạng, có thể gây ra các hậu quả khó khắc phục. Do đó, đại biểu đề nghị chỉnh lý lại quy định tại khoản 2 Điều này nhằm nâng cao trách nhiệm của các chủ thể trung gian trong việc cung cấp dịch vụ hạ tầng trên không gian mạng, bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, xử lý kịp thời các vi phạm./.