ĐBQH NGUYỄN THỊ XUÂN: TÁN THÀNH SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH PHÁP LỆNH VỀ VIỆC ĐƯA NGƯỜI NGHIỆN MA TÚY ĐỦ 12 TUỔI ĐẾN DƯỚI 18 TUỔI VÀO CƠ SỞ CAI NGHIỆN BẮT BUỘC

05/03/2022

Theo đại biểu Nguyễn Thị Xuân, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk, việc ban hành Pháp lệnh trình tự, thủ tục tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dứi 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và cần thiết. Dự thảo Pháp lệnh cơ bản đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, được xây dựng khá chi tiết, đầy đủ.


Phiên họp toàn thể lần thứ tư của Ủy ban Tư pháp

Tại phiên họp toàn thể lần thứ 4 của Ủy ban Tư pháp, góp ý vào dự thảo Pháp lệnh trình tự, thủ tục tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dứi 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đại biểu Nguyễn Thị Xuân, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk bày tỏ quan điểm thống nhất sự cần thiết ban hành Pháp lệnh. Theo đại biểu, việc ban hành Pháp lệnh để thực hiện quy định tại khoản 5, Điều 33 của Luật Phòng, chống ma túy (Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định trình tự thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc).

Đại biểu cũng đánh giá, dự thảo Pháp lệnh cơ bản bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, được xây dựng khá cụ thể, chi tiết, đầy đủ. Tuy nhiên, về hồ sơ dự án Pháp lệnh, đại biểu nêu rõ, theo quy định tại Điều 62 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đối với các dự án không do Chính phủ trình thì trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo phải gửi xin ý kiến Chính phủ và “Chính phủ có trách nhiệm xem xét, trả lời bằng văn bản trong thời gian 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị và thể hiện rõ ý kiến của Chính phủ về dự án, dự thảo đủ điều kiện hoặc chưa đủ điều kiện trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội” (khoản 2, Điều 62). Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung ý kiến của Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk 

Về nội dung cơ quan soạn thảo xin ý kiến liên quan đến quy định điều kiện hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại, đại biểu Nguyễn Thị Xuân cho rằng, nếu Nghị định 116/2021/NĐ-CP đã quy định về vấn đề này thì không nhất thiết phải quy định trong Pháp lệnh để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị đánh giá thêm quy định tại Điều 57 và Điều 58 của Nghị định số 116/2021/NĐ-CP có phù hợp với thẩm quyền, phù hợp quy định của Luật Phòng, chống ma túy hay không? Nếu Nghị định không phù hợp thì quy định trong Pháp lệnh có phù hợp không?.

Liên quan đến một số nội dung cụ thể trong dự thảo, đại biểu Nguyễn Thị Xuân kiến nghị, quy định về chi phí, lệ phí (Điều 7), báo cáo đánh giá tác động cần làm rõ nguồn chi lấy từ đâu? Việc xác định trách nhiệm như dự thảo Pháp lệnh có khả thi không? Có làm cản trở sự tham gia của các chủ thể liên quan khi phát sinh trách nhiệm chi trả chi phí?

Về việc bảo đảm quyền lợi, sự phát triển của người bị đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đại biểu Nguyễn Thị Xuân cho rằng, dự thảo Pháp lệnh đã có một số quy định thể hiện sự quan tâm yêu cầu bảo đảm tâm lý lứa tuổi của đối tượng bị đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tuy nhiên, chưa quy định cụ thể hoặc chưa xác định rõ trách nhiệm thực hiện các quy định này. Do đó, cần có quy định cụ thể hơn về vấn đề này hoặc giao Hội đồng thẩm phán hướng dẫn.

Đối với Điều 15 (Yêu cầu bổ sung tài liệu) của dự thảo Pháp lệnh, đại biểu Nguyễn Thị Xuân đề nghị cân nhắc, làm rõ điểm b khoản 1 quy định Thẩm phán yêu cầu bổ sung tài liệu trong trường hợp “Khi phát hiện có vi phạm nghiêm trọng trong trình tự, thủ tục,… ”. Vì, khi có vi phạm nghiêm trọng thì cần có biện pháp thay đổi, khắc phục (có thể trả hồ sơ làm lại; hoặc thay đổi chủ thể đề nghị); việc bổ sung tài liệu không khắc phục được “vi phạm nghiêm trọng” đã xảy ra.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị đánh giá tính khả thi quy định khoản 3, Điều 15 “trong thời hạn 02 ngày làm việc, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và xã hội phải gửi tài liệu bổ sung”; đề nghị cân nhắc quy định “đình chỉ việc xem xét, quyết định… ” tại khoản 4, vì việc chậm bổ sung tài liệu không làm thay đổi bản chất của việc đề nghị đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; đề nghị quy định “tạm đình chỉ” để sau khi bổ sung đủ tài liệu sẽ tiếp tục xem xét, quyết định.

Về kỹ thuật lập pháp, đại biểu Nguyễn Thị Xuân cũng kiến nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc khi quy định cụ thể chức danh “Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội” trong dự thảo Pháp lệnh để phù hợp với thực tế tổ chức bộ máy cấp huyện ở nước ta, nhất là trong bối cảnh đang sắp xếp tổ chức, bộ máy hiện nay và thực hiện tổ chức chính quyền đô thị ở nhiều địa phương. Đại biểu đề xuất, không nên quy định chức danh cụ thể mà nên quy định người đứng đầu. Ngoài ra, một số quy định viện dẫn số điều chưa chính xác, cần rà soát, điều chỉnh cho phù hợp./.

Lan Anh