ĐBQH LÒ THỊ LUYẾN: CẦN HOÀN CHỈNH THÊM VỀ KỸ THUẬT ĐỐI VỚI DỰ THẢO LUẬT ĐIỆN ẢNH (SỬA ĐỔI)

26/03/2022

Đánh giá dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đến thời điểm hiện tại đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều ý kiến tham gia của ĐBQH tại kỳ họp trước, kết cấu các Chương, Điều được chỉnh lý sâu, có tính thống nhất cao..., theo đại biểu Lò Thị Luyến- Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên, để hoàn thiện dự thảo Luật hơn nữa, Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh thêm một số điểm về kỹ thuật văn bản.

 

Đại biểu Quốc hội Lò Thị Luyến- Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên

Qua nhiều lần tiếp thu, chỉnh lý, đại biểu Quốc hội Lò Thị Luyến cho rằng, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã có nhiều bước tiến về chất lượng so với trước đây. Dự thảo Luật đã chỉnh sửa, bổ sung nhiều nội dung như: bổ sung một số chính sách cụ thể nhằm huy động nguồn lực của Nhà nước, của toàn xã hội tham gia phát triển điện ảnh, xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh; làm rõ chính sách về phát triển nguồn nhân lực; bổ sung các chính sách thu hút đầu tư và sự tham gia của các tổ chức, cá nhân nước ngoài vào hoạt động điện ảnh Việt Nam; cụ thể hóa quy định về phổ biến phim trên các nền tảng; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển điện ảnh…

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu cho rằng, Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh thêm về kỹ thuật văn bản. Cụ thể:

Tại khoản 1 Điều 6 dự thảo Luật quy định “Nhà nước có chính sách phát hiện, thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện phát triển tài năng điện ảnh, ưu tiên hỗ trợ tài năng trẻ....”, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu cụ thể và giải thích cụm từ “Nhà nước có chính sách phát hiện” là như thế nào?. Vì việc phát hiện, tìm được các tài năng thì thường là do chủ thể cụ thể phát hiện qua nhiều kênh thông tin (hoạt động phong trào, các hội thi, các diễn đàn,.....). Theo nữ đại biểu, dự thảo Luật nên bỏ 2 từ “phát hiện” và chỉnh lý lại khoản 1 Điều 6 như sau: “Nhà nước có chính sách thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện phát triển tài năng điện ảnh, ưu tiên hỗ trợ tài năng trẻ; đãi ngộ thích hợp để nâng cao chất lượng nguồn  nhân lực điện ảnh”

Tại điểm a khoản 2 Điều 9 dự thảo quy định Nghiêm cấm thực hiện các hành vi: “ phát hành, phổ biến phim trên hệ thống rạp chiếu phim, trên hệ thống truyền hình và địa điểm chiếu phim công cộng mà không có giấy phép phân loại phim của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh  hoặc được biên tập cấp Quyết định phát sóng của cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động truyền hình”

Đại biểu cho rằng, nội dung của quy định này chưa rõ nghĩa; đề nghị biên tập và chỉnh lý lại kỹ thuật văn phong quy phạm tại khoản này cho rõ nghĩa và dễ hiểu hơn; đồng thời, đại biểu nêu rõ: nội dung dự thảo tại điểm a khoản 2 Điều 9 quy định “hoặc được biên tập” nhưng toàn bộ dự thảo luật không thấy có quy định ai là người được biên tập trước khi phổ biến, phát hành phim? Toàn bộ dự thảo luật chưa thấy có các quy định về quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của người được giao nhiệm vụ biên tập vì biên tập phim là người biên tập bỏ đi những đoạn phim không cần thiết hoặc lắp ghép những mảnh khác nhau của bộ phim thành một bộ phim hoàn chỉnh... như vậy nếu dự thảo luật có quy định về biên tập phim trước khi phát hành, phổ biến phim thì cũng cần phải có các quy định về ai là người biên tập, quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của người biên tập, để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra về các tác động không mong muốn khi phát hành, phổ biến phim.

Do vậy, về kỹ thuật văn phong quy phạm, đại biểu đề nghị chỉnh lý lại điểm a khoản 2 điều 9 như sau: “Phát hành, phổ biến phim trên hệ thống rạp chiếu phim, trên hệ thống truyền hình và địa điểm chiếu phim công cộng mà không có giấy phép phân loại phim của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh  hoặc chưa được biên tập, chưa được cơ quan báo chí có thẩm quyền cấp Quyết định phát sóng” (cơ quan có thẩm quyền đã được quy định tại khoản 3 Điều 20)

Tại Điều 14 quy định về Sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước của, đại biểu Quốc hội Lò Thị Luyến cho rằng cần cân nhắc sắp xếp chủ ngữ, vị ngữ và kỹ thuật văn phong cho logic hơn. Cụ thể, chỉnh lý lại tên Điều thành “sử dụng ngân sách nhà nước trong sản xuất phim”. Các khoản trong Điều 14 sắp xếp lại văn phong (1. được sử dụng ngân sách nhà nước để sản xuất phim phục vụ nhiệm vụ chính trị; 2. Các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp ở trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) là chủ đầu tư dự án sử dụng ngân sách nhà nước để sản xuất phim phục vụ nhiệm vụ chính trị; 3. Chủ đầu tư dự án được quy định tại khoản 2 Điều này phải thực hiện quy trình lựa chọn dự án sản xuất phim theo quy định của Chính phủ và thành lập Hội đồng thẩm định kịch bản, Hội đồng lựa chọn dự án sản xuất phim theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; 4. Việc sử dụng ngân sách nhà nước để sản xuất phim phục vụ nhiệm vụ chính trị được thực hiện bằng hình thức giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng hoặc đấu thầu phù hợp với đặc thù của việc sản xuất phim theo quy định của Chính phủ; 5. Chủ đầu tư dự án quy định tại khoản 2 Điều này được huy động các nguồn tài chính hợp pháp khác để sản xuất phim phục vụ nhiệm vụ chính trị; 6. Chủ đầu tư dự án quy định tại khoản 2 Điều này là đại diện Nhà nước thực hiện quyền của chủ sở hữu phim, chủ sở hữu quyền tác giả và quyền liên quan theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ”).

Ngoài ra tại Điều 20 dự thảo luật, đại biểu chỉ ra, tại khoản 1 Điều này có quy định về biên tập đối với phim phổ biến trên dịch vụ truyền hình theo yêu cầu nhưng toàn bộ dự thảo luật không thấy có quy định ai là người được biên tập trước khi phổ biến, phát hành phim? Toàn bộ dự thảo luật chưa thấy có các quy định về quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của người được giao nhiệm vụ biên tập... đề nghị nghiên cứu thêm về nội dung này với lý do như đã nêu như tại điểm a khoản 2 Điều 9 dự thảo luật)

Tại khoản 4 Điều 20 của dự thảo quy định: “Khuyến khích phổ biến phim Việt Nam sản xuất sử dụng ngân sách nhà nước, phim do tổ chức, cá nhân tài trợ, hiến, tặng theo quy định của Chính phủ”. Quy định này tại dự thảo về việc phổ biến phim chỉ đề cập đến nguồn tài chính để sản xuất phim và bộ phim đó do ai tặng, hiến, tài trợ...  

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, việc phổ biến phim cần phải quan tâm mục tiêu định hướng được quần chúng nhân dân để thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước đề ra. Do đó, việc phổ biến phim phải xuất phát từ mục tiêu chính trị của Đảng và Nhà nước và việc phổ biến phim phải định hướng được tư tưởng, hiệu triệu quần chúng ủng hộ chủ trương, đường lối và lý tưởng của Đảng. Theo đại biểu Lò Thị Luyến, việc phổ biến phim không nên chỉ khuyến khích phổ biến phim Việt Nam mà các bộ phim của nước ngoài cũng phải được phổ biến nếu giá trị của bộ phim đó phục vụ được mục tiêu chính trị nêu trên đều cần được phổ biến (chúng ta đã được xem những bộ phim của nước ngoài như Liên Xô trước đây về cuộc chiến tranh vệ quốc, lịch sử hào hùng và lý tưởng cách mạng vẫn nguyên giá trị, người Việt nam chúng ta cũng rất ngưỡng mộ, tôn vinh, những bộ phim này đã truyền cảm hứng và năng lượng cho nhiều thế hệ người Việt Nam chúng ta về lý tưởng cách mạng và tinh thần đấu tranh quật cường để bảo vệ Tổ Quốc, vậy nên những bộ phim như thế cũng rất đáng được phổ biến tại Việt Nam. Mặt khác, những bộ phim phục vụ nhiệm vụ chính trị phải được ưu tiên phổ biến trên hệ thống truyền hình quốc gia chứ không chỉ khuyến khích phổ biến.  Do vậy đề nghị chỉnh lý lại khoản 4 như sau: “4. Ưu tiên phổ biến phim phục vụ nhiệm vụ chính trị”

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu, hoàn thiện kỹ thuật văn phong đối với  điểm a khoản 1, Khoản 2 Điều 38 dự thảo; điểm a khoản 5 Điều 38 sao cho thống nhất, rõ ràng./.

Thu Phương