Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cơ bản thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), trong đó có quy định Nhà nước tiếp tục xem xét, khen thưởng Huân chương, Huy chương và danh hiệu vinh dự Nhà nước cho tập thể, cá nhân, hộ gia đình tham gia kháng chiến bảo vệ Tổ quốc theo các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng Nhà nước trước đây. Đại biểu cho rằng, đây là một trong những quy định thể hiện chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước ta.
Tại khoản 2 Điều 95 dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) quy định thanh niên xung phong tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ được tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang phải có thời gian tại ngũ liên tục từ 2 năm trở lên hoàn thành nhiệm vụ, trung thành với cách mạng và thanh niên xung phong là liệt sĩ thì phải có thời hạn tại ngũ một năm trở lên. Theo đại biểu Đỗ Thị Lan, quy định như vậy về điều kiện để tặng và truy tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang cũng có những điểm chưa phù hợp với thực tiễn.
Đại biểu phân tích, điều kiện tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang như dự thảo luật là chưa phù hợp với thời gian tham gia, sự cống hiến, hy sinh của thanh niên xung phong trong thời kỳ kháng chiến. Lấy dẫn chứng về trường hợp 10 cô gái thanh niên xung phong ở ngã ba Đồng Lộc trên đường Trường Sơn thuộc huyện Cam Lộc, tỉnh Hà Tĩnh làm nhiệm vụ san lấp hố bom trong điều kiện chiến tranh rất ác liệt. Chỉ từ tháng 4 cho đến tháng 10/1968, 214 ngày đêm địch ném gần 50.000 quả bom các loại xuống địa bàn, 10 cô gái thanh niên xung phong ở ngã ba Đồng Lộc đã phải làm việc suốt ngày đêm và đã anh dũng hy sinh vào ngày 24/07/1968. Lịch sử dân tộc đã ghi nhận 10 cô gái thanh niên xung phong hy sinh bảo vệ Tổ quốc. Nhưng trong số 10 cô gái thanh niên xung phong ở ngã ba Đồng Lộc có người tham gia lực lượng thanh niên xung phong chưa đủ thời gian 1 năm đã hy sinh như chị Trần Thị Dạng tham gia ngày 3/11/1967 thì hy sinh vào ngày 24/07/1968, như vậy chưa đủ 6 tháng.
Đại biểu Lan lấy ví dụ, cũng có trường hợp thanh niên xung phong làm nhiệm vụ đặc biệt do chiến tranh ác liệt bị thương nặng, phải chuyển về tuyến sau, thời gian tham gia lực lượng thanh niên xung phong mới chỉ là mấy tháng, không đủ thời gian 2 năm. Như vậy, quy định tại khoản 2 Điều 95 dự thảo Luật thì những trường hợp này sẽ không thuộc diện được tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang. Như thế chưa phù hợp.
Đại biểu nhấn mạnh, thanh niên xung phong tham gia kháng chiến có đặc điểm, tính chất đặc biệt, thời gian tham gia trong lực lượng ngắn, tính chất công việc, yêu cầu nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm nơi tuyến đầu như mở đường, lấp hố bom, tải đạn, vận chuyển vũ khí, cứu tàu quân sự... trực tiếp tham gia chiến dịch trên chiến trường, chiến đấu dũng cảm, anh dũng hy sinh bảo vệ Tổ quốc. Do vậy, cần quy định linh hoạt về thời gian, điều kiện tặng, truy tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang để ghi nhận được sự đóng góp vào thành tích của thanh niên xung phong trong kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Nếu quy định phải có thời hạn tại ngũ liên tục 2 năm trở lên, thanh niên xung phong là liệt sĩ phải có thời gian tại ngũ một năm trở lên là chưa sát với thực tiễn.
Do vậy, đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét giảm điều kiện tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang, tham gia kháng chiến quy định tại khoản 2 Điều 95 theo hướng có thời gian tham gia liên tục trong lực lượng thanh niên xung phong từ 1 năm trở lên. Trường hợp đặc biệt cũng phải xem xét; nếu như trường hợp thời gian ngắn nhưng thành tích đặc biệt cần ghi nhận thì cũng cần phải có quy định riêng. Đối với thanh niên xung phong là liệt sĩ, có thời gian tham gia lực lượng thanh niên xung phong dưới 1 năm để có một một khung có thể ghi nhận được sự cống hiến của những người đã là liệt sĩ, thậm chí thời gian rất ngắn nhưng thành tích lại rất cao.
Đại biểu cho rằng, chúng ta cần điều chỉnh quy định cho phù hợp để ghi nhận được những thành tích của thanh niên xung phong, nhất là những người đã là liệt sĩ, những người đã là thương binh, đặc biệt là thương binh nặng, đến bây giờ cũng không thể làm được gì kể cả hạnh phúc gia đình cũng như các công việc khác; cần phải có sự linh hoạt trong quy định thời hạn cũng như điều kiện để công nhận tặng và truy tặng danh hiệu Thanh niên xung phong vẻ vang cho các đối tượng này phù hợp với thực tiễn cũng như đúng với chủ trương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa vào trong luật./.