ĐBQH NGUYỄN THỊ PHÚ HÀ: KHUYẾN KHÍCH CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN THAM GIA VÀO HOẠT ĐỘNG ĐIỆN ẢNH

06/04/2022

Tại hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách vừa qua, thảo luận về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà- Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình cho rằng, dự thảo Luật cần cần nghiên cứu bổ sung các quy định theo hướng thực sự khuyến khích cho các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế tham gia vào các hoạt động điện ảnh.

 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà- Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình

Phát biểu tại hội nghị, đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà đánh giá cao các nội dung tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự thảo Luật Điện ảnh của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Ban soạn thảo. Đại biểu cũng bày tỏ đồng tình với nhiều ý kiến giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục. Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3, đại biểu cho rằng, một số nội dung cần tiếp tục được nghiên cứu, bổ sung.

Liên quan đến chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh, Khoản 1 Điều 5 dự thảo quy định: Nhà nước có chính sách huy động các nguồn lực thực hiện các biện pháp bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, phát triển thị trường điện ảnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh để xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh gắn với phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Khẳng định đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Thị Phú nêu rõ, thực tế nội dung quy định tại dự thảo luật mới chủ yếu tập trung vào các quy định về quản lý hành chính mang tính cấm đoán, kiểm soát nhiều hơn, các quy định trong dự thảo luật chủ yếu nêu về quyền, nghĩa vụ và những điều kiện phải thực hiện các nội dung này, nội dung khác. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung các quy định theo hướng thực sự khuyến khích cho các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế tham gia vào các hoạt động điện ảnh. “Không chỉ hỗ trợ về ngân sách nhà nước, ở đây chúng ta cần phải có cơ chế, chính sách cụ thể để thu hút được các thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động này,..” đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà nhấn mạnh.

Cũng theo đại biểu, cần phải cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực điện ảnh. Từ đó, sẽ góp phần cho việc khuyến khích được các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế khác tham gia vào hoạt động điện ảnh.

Về chính sách nhà nước đầu tư và hỗ trợ, quy định tại khoản 2 Điều 5, đại biểu nêu thực tế: Luật Điện ảnh năm 2006 đã quy định những nội dung hỗ trợ này và trước năm 2015 chúng ta có những chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu về văn hóa và đã thực hiện đầu tư rất nhiều cho những dự án liên quan đến các hoạt động điện ảnh. Tuy nhiên, những công trình, dự án sử dụng từ nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho hoạt động này sử dụng không hiệu quả.

Theo báo cáo tổng kết 14 năm thi hành Luật Điện ảnh của Chính phủ chỉ rõ, trong thời gian vừa qua phần lớn các nguồn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, trang thiết bị điện ảnh là từ doanh nghiệp điện ảnh và từ các tập đoàn đầu tư nước ngoài. Trong tổng số các phòng chiếu đến cuối năm 2020 thì số phòng thuộc thành phần kinh tế nhà nước chỉ chiếm khoảng 20%, còn lại trên 80% là các thành phần kinh tế khác, chủ yếu là của các nhà đầu tư nước ngoài. Đầu tư nâng cấp các rạp chiếu phim, trung tâm chiếu phim, các trường quay trong thời gian vừa qua từ nguồn ngân sách nhà nước thì công năng sử dụng đều không đạt được yêu cầu đề ra, chủ yếu những nguồn thu từ các cơ sở này là thu từ những dịch vụ khác. Do đó, đại biểu đề nghị cần phải xem xét lại, đánh giá lại xem những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện.

Về hợp tác đầu tư nước ngoài trong hoạt động điện ảnh, đại biểu cho rằng, trong Báo cáo tổng kết việc thực hiện Luật Điện ảnh không nêu rõ trong 14 năm qua có bao nhiêu tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia vào lĩnh vực này. Nếu với mức góp vốn không vượt quá 51% sẽ không thể nào khuyến khích, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư trong lĩnh vực này.

Trong tương lai, đại biểu đề nghị cũng cần nghiên cứu để điều chỉnh, sửa đổi các cam kết này theo hướng là các tổ chức, cá nhân nước ngoài có thể tăng tỷ lệ đầu tư góp vốn trên 51% thì mới có thể phát triển được những hoạt động điện ảnh trong nước. “Đề nghị sửa lại điểm a khoản 1 điều này như sau: Tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền hợp tác đầu tư với các cơ sở điện ảnh Việt Nam để sản xuất, phát hành, phổ biến phim theo quy định của pháp luật về đầu tư doanh nghiệp theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và phù hợp với các điều ước quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.”, đại biểu đề xuất.

Liên quan đến cấp giấy phép phân loại (Điều 27), đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh lại để giảm bớt gánh nặng cho công việc quản lý nhà nước. Trường hợp bắt buộc vẫn phải cấp phép thì cũng đề nghị cần nghiên cứu để đơn giản hóa những thủ tục hành chính, đặc biệt là đối với những phim nhập khẩu đã được các tổ chức điện ảnh có uy tín, phân loại phổ biến chiếu trên thế giới ... Ngoài ra, đối với khoản 2 điều này quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép phân loại phim đối với phim nhập khẩu để phổ biến trên địa bàn quản lý, cũng đề nghị xem xét lại, không nên quy định tất cả các địa phương đều thực hiện cấp phép những bộ phim chiếu trên địa bàn./.

Lê Anh

Các bài viết khác