ĐBQH NGUYỄN VĂN AN: RÀ SOÁT QUY ĐỊNH VỀ NHÃN HIỆU NỔI TIẾNG, BẢO ĐẢM TÍNH THỐNG NHẤT TRONG HỆ THỐNG PHÁP LUẬT

31/05/2022

355 lượt xem

Đưa ra quan điểm tại phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, đại biểu Nguyễn Văn An, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đề nghị rà soát lại việc giải thích khái niệm “Nhãn hiệu nổi tiếng” để bảo đảm vừa phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, vừa bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

 

Đại biểu Nguyễn Văn An, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình phát biểu

Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn An đánh giá cao Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan trong việc tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ trong thời gian vừa qua để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3. Nhấn mạnh đây là một đạo luật rất phức tạp, mang tính chuyên môn sâu, vừa kết hợp yếu tố kinh tế, dân sự vừa mang tính khoa học cao, đại biểu cho biết các cơ quan đã chuẩn bị tài liệu một cách công phu, nghiêm túc trên cơ sở lắng nghe cả ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và khảo sát thực tiễn.

Tán thành với nhiều nội dung trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự  thảo Luật, nhằm hoàn thiện hơn nữa dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Văn An đóng góp một số ý kiến về khái niệm “nhãn hiệu nổi tiếng” và về quyền, nhiệm vụ của Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan.

Cụ thể, về khái niệm “nhãn hiệu nổi tiếng”, khoản 20 Điều 4 của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành được sửa đổi, bổ sung tại điểm e khoản 1 Điều 1 của dự thảo Luật quy định: “Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được bộ phận công chúng có liên quan biết đến rộng rãi trên lãnh thổ Việt Nam.” Đại biểu cho biết, Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp, Hiệp định TRIPs về các khía cạnh thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ và Khuyến nghị chung của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới WIPO đều không định nghĩa khái niệm “Nhãn hiệu nổi tiếng”,  tuy nhiên có quy định về 6 yếu tố được khuyến nghị trước khi quyết định một nhãn hiệu có nổi tiếng hay không nổi tiếng ở một nước thành viên. Xét theo 06 yếu tố này của WIPO thì việc Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam đưa ra khái niệm “Nhãn hiệu nổi tiếng” tại khoản 20 Điều 4 cũng là phù hợp.

Tuy nhiên, đại biểu nêu rõ, việc dự thảo Luật thay thế cụm từ “người tiêu dùng” của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành bằng cụm từ “bộ phận công chúng có liên quan” khiến nội hàm của quy định này trở nên khó hiểu. Hiện chưa có giải thích nhất quán về các hiểu từ ngữ “bộ phận công chúng có liên quan”, pháp luật Việt Nam chưa có văn bản nào giải thích, quy định nội hàm thế nào là “bộ phận công chúng có liên quan”.   Trong khi đó, cụm từ “người tiêu dùng” đang được quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đó là “người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức.”. 

Hơn nữa, dự thảo Luật chỉ thay cụm từ “người tiêu dùng” bằng cụm từ “bộ phận công chúng có liên quan” tại khoản 20 Điều 4 mà vẫn giữ cụm từ  “người tiêu dùng”  tại khoản 1 Điều 75 của Luật Sở hữu trí tuệ khi xem xét, đánh giá một nhãn hiệu là nổi tiếng:“Số lượng người tiêu dùng liên quan đã biết đến nhãn hiệu thông qua việc mua bán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc thông qua quảng cáo;”. Đại biểu cho rằng việc sửa đổi như vậy chưa bảo đảm sự thống nhất trong chính Luật Sở hữu trí tuệ. Đại biểu đề nghị rà soát lại việc giải thích khái niệm “Nhãn hiệu nổi tiếng” để bảo đảm vừa phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, vừa bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật cũng như chính nội tại Luật Sở hữu trí tuệ.

Đối với quyền và nhiệm vụ của Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan (khoản 3 Điều 56 của Luật Sở hữu trí tuệ được sửa đổi, bổ sung theo khoản 30 Điều 1 của dự thảo Luật), đại biểu cho biết, khoản 1 Điều 56 của dự thảo Luật đã quy định: Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan là tổ chức tự nguyện, tự bảo đảm kinh phí hoạt động, không vì mục đích lợi nhuận do các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan thỏa thuận thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật để thực hiện ủy thác quyền tác giả, quyền liên quan.

Theo đại biểu, cần thiết phải trao quyền cho tổ chức được giữ lại một khoản tiền trên tổng số tiền bản quyền thu được để chi cho việc thực hiện nhiệm vụ của tổ chức hay Phân chia tiền bản quyền thu được từ việc cấp phép khai thác, sử dụng cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan sau khi trừ chi phí. Tuy nhiên,việc này cũng cần phải tuân thủ theo quy định tại Điều lệ hoạt động của tổ chức.

Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung vào điểm đ và điểm e khoản 3 Điều 56 cụm từ “theo quy định tại Điều lệ hoạt động của tổ chức”. Việc bổ sung quy định như vậy cũng thống nhất với quy định về thu, phân chia tiền bản quyền quy định tại điểm d khoản 3 Điều 56 của dự thảo Luật. Theo đó, đại biểu kiến nghị sửa đổi, bổ sung điểm đ và điểm e khoản 3 Điều 56 của Luật Sở hữu trí tuệ cụ thể như sau:“đ) Được giữ lại một khoản tiền trên tổng số tiền bản quyền thu được để chi cho việc thực hiện nhiệm vụ của tổ chức trên cơ sở thỏa thuận của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan đã ủy quyền và theo quy định tại Điều lệ hoạt động của tổ chức...; e) Phân chia tiền bản quyền thu được từ việc cấp phép khai thác, sử dụng cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan sau khi trừ chi phí quy định tại điểm đ khoản này theo quy định tại Điều lệ hoạt động của tổ chức”./.

Hồ Hương- Nghĩa Đức

Các bài viết khác