ĐBQH NGUYỄN THỊ MAI THOA: CHA MẸ ÉP CON HỌC QUÁ NHIỀU CÓ THỂ ĐƯỢC LIỆT KÊ VÀO CÁC TRƯỜNG HỢP BẠO LỰC VỀ TINH THẦN

31/05/2022

Góp ý vào dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương nêu quan điểm: Việc cha mẹ ép con học quá nhiều hoặc lăng nhục, chửi mắng khi con không đạt thành tích như kỳ vọng có thể được liệt kê vào các trường hợp bạo lực về tinh thần.

Thực hiện Kỳ họp thứ 3, Quốc hội vừa tiến hành thảo luận ở Tổ về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) để chuẩn bị cho phiên thảo luận tại Hội trường dự kiến diễn ra vào ngày 14/6/2022. 

Góp ý vào dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), cụ thể là các quy định về phòng chống bạo lực trẻ em trong gia đình, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương khẳng định: Trẻ em là tương lai của đất nước, phát triển toàn diện trẻ em là một trong những mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam đã cam kết với quốc tế. Trẻ em cần được chăm sóc, giáo dục và bảo vệ đồng bộ trong cả 3 môi trường là gia đình, nhà trường và xã hội.

Trong thời gian qua, mặc dù công tác phòng chống bạo lực gia đình nói chung và bạo lực đối với trẻ em nói riêng đã được quan tâm chỉ đạo, cải thiện nhưng số lượng các vụ việc bạo lực đối với trẻ em trong môi trường gia đình vẫn còn ở mức cao và trong thời gian gần đây, có nhiều vụ việc đã gây ra hậu quả nghiêm trọng. Do đó, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong môi trường gia đình là cực kỳ quan trọng, liên quan trực tiếp đến việc hình thành và phát triển nhân cách của trẻ em trong tương lai cũng như xây dựng những gia đình văn hoá, gia đình không bạo lực trong tương lai.


Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương.

Nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em là nguyên tắc xuyên suốt, được xác định trong các văn bản của Đảng đã được khẳng định trong Luật trẻ em và cần  được tiếp tục thể hiện trong Luật này, không chỉ ở các nguyên tắc chung mà còn trong toàn bộ các quy định của dự thảo luật. Trẻ em, trong phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) là một trong những đối tượng yếu thế, là người bị bạo lực, có đặc điểm riêng là: chưa phát triển hoàn thiện, sống phụ thuộc, khả năng tự bảo vệ và nhận thức về bạo lực gia đình còn hạn chế, còn yếu thế hơn những đối tượng yếu thế khác trong gia đình bao gồm phụ nữ, người già, người khuyết tật… nên cần được xác định là chủ thể đặc thù để có một nguyên tắc riêng; cũng như có một hệ thống các quy định riêng, xuyên suốt trong dự thảo Luật. Một số quy định không phù hợp để quy định cho đối tượng là trẻ em.

Ví dụ về hành vi phát tán thông tin về đời tư của người bị bạo lực gia đình, Điều 3 dự thảo Luật quy định: là hành vi truyền bá thông tin về nhân thân, chỗ ở, nơi làm việc của người bị bạo lực gia đình hoặc của người đại diện theo pháp luật của người đó. Tuy vậy, đối với các trường hợp người bị bạo lực gia đình là trẻ em thì các thông tin cần giữ kín không chỉ về nhân thân, chỗ ở mà còn là trường học, hình ảnh và các thông tin định danh liên quan khác của trẻ.

Ví dụ về quy định về báo tin, xử lý tin báo bạo lực gia đình, Điều 27 dự thảo Luật quy định địa chỉ tiếp nhận tin báo tố giác bạo lực gia đình gồm: UBND, cơ quan Công an, Trưởng thôn, Tổ trưởng dân phố, đường dây nóng, người đứng đầu tổ chức chính trị xã hội ở địa phương. Tuy vậy, đối với trẻ em, trong nhiều trường hợp, các em khó có thể tiếp cận được với các địa chỉ đã được được liệt kê. Những người các em có thể báo cho những người gần gũi với mình hơn, ví dụ như thầy cô giáo hàng xóm và bất cứ người lớn nào về hành vi bạo lực.

Ví dụ về các giải pháp phòng ngừa bạo lực gia đình cho đối tượng trẻ em, dự thảo Luật đã quy định nhiều giải pháp hỗ trợ người bị bạo lực như giải pháp truyền thông, hoà giải, chấm dứt bạo lực… Những giải pháp này có thể phù hợp với các phần lớn các xung đột, mâu thuẫn giữa cha mẹ già và con cái, giữa vợ - chồng. Nhưng không phải giải pháp nào cũng phù hợp với các hành vi bạo lực gia đình với trẻ em. Ví dụ giải pháp hoà giải, bởi hành vi bạo lực là từ một phía, kẻ mạnh đối với kẻ yếu, không thể hoà giải. Theo giải thích tại Điều 20 của dự thảo, hoà giải là biện pháp giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình giữa người bạo lực và người bị bạo lực. Tuy nhiên, với các vụ án bạo lực gia đình đối với trẻ gần đây không xuất phát từ mâu thuẫn và tranh chấp giữa người bạo lực và trẻ bị bạo lực. Hơn thế, việc thực hiện hoà giải phải tuân thủ theo nguyên tắc “tôn trọng sự tự nguyện của các bên” và nguyên tắc “bình đẳng” tại dự thảo Luật khó có thể thực hiện trong thực tế bởi lẽ trẻ em là đối tượng yếu thế, non nớt và lệ thuộc thì khó có thể đảm bảo nguyên tắc tự nguyên hay bình đẳng trước cha, mẹ.

Đề cập quy định về 4 loại  hình bạo lực, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa cho rằng, thể chất, tinh thần, kinh tế và tình dục đối với trẻ em cũng cần được quy định rõ hơn. Đặc biệt là cần cụ thể hóa các hành vi bạo lực về tinh thần. Ví dụ về hành vi chứng kiến bạo lực gia đình; hành vi ép con học cũng là một hành vi bạo lực tinh thần. Cha mẹ ép con học quá nhiều hoặc lăng nhục, chửi mắng khi con không đạt thành tích như kỳ vọng có thể được liệt kê vào các trường hợp bạo lực về tinh thần. Bởi từ những thúc ép của cha mẹ, sự kỳ vọng quá cao của cha mẹ, sẽ dẫn tới sự căng thẳng tâm lý, gây ra những áp lực đối với trẻ em, dần dần tích tụ có thể là nguyên nhân gây ra các bệnh về tinh thần, tâm lý như tình trạng trầm cảm hoặc các hành vi quá khích, tự tử là những hậu quả hết sức nghiêm trọng, không ai mong muốn.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, việc ép con học cũng là một trong những biểu hiện của bệnh thành tích trong giáo dục đang là một vấn nạn trong xã hội chúng ta, làm xói mòn các nguyên tắc cơ bản của giáo dục và gây tác hại lâu dài cho xã hội. Đó là đem đến những nhận thức lệch lạc cho trẻ em về giá trị của cuộc sống, về nhân cách, về những giá trị đạo đức tốt đẹp của con người và hủy hoại sức sáng tạo của mỗi cá nhân.

Hiện nay, ngành Giáo dục đang nỗ lực từng bước giải quyết vấn nạn này một cách căn cơ, bài bản tại các nhà trường. Nhưng để giải quyết triệt để thì ngoài các nhà trường, còn cần sự chung tay của các gia đình và cả xã hội.  Do đó, quy định hành vi ép con học là một trong những hành vi bạo lực gia đình sẽ góp phần phòng ngừa, xử lý dẫn đến xoá bỏ bệnh thành tích trong môi trường gia đình là rất cần thiết./.

Bích Lan

Các bài viết khác