ĐBQH NGUYỄN TẠO: CẦN CÓ NHỮNG CHÍNH SÁCH CAN THIỆP KỊP THỜI ĐỂ BÌNH ỔN GIÁ CẢ VẬT TƯ ĐẦU VÀO

01/06/2022

Cho ý kiến về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Chính phủ cần có những chính sách can thiệp kịp thời để bình ổn giá cả vật tư đầu vào như giá phân bón, giá vật tư nông nghiệp, giá xăng dầu… Đồng thời chú trọng việc giải quyết cơ chế, thủ tục cải cách hành chính để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là ba Chương trình mục tiêu quốc gia.

Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng.

Thống nhất cao với các nội dung trong Báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng khẳng định, tình hình kinh tế xã hội của nước ta tiếp tục khởi sắc trên nhiều lĩnh vực. Việc triển khai thực hiện các chính sách của Nghị quyết 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế đã có những tín hiệu vui đáng chú ý. Đặc biệt, chính sách mở cửa du lịch sau ngày 15 tháng 3 đã tác động rõ nét đến hoạt động kinh tế xã hội của đất nước. Du lịch đã phục hồi nhanh tại các địa bàn trọng điểm. Khách quốc tế đến nước ta trong tháng 4 tăng 2,4 lần so với tháng trước. Tính trung bình quân 5 tháng tăng trên 190% so với cùng kỳ. Đại biểu nhấn mạnh, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã tăng 2,45% so với cùng kỳ của năm 2021, trong đó các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản lần lượt tăng 2,35%, 3,86%, 2,54%.

Bên cạnh những mặt tích cực của nền kinh tế, đại biểu Nguyễn Tạo cũng chỉ ra những khó khăn nhất định như giá vật tư đầu vào phân bón tăng ở mức cao so với bình quân hằng năm do những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, giá xăng dầu, chuỗi giá trị nông sản còn bị hạn chế, chưa thực sự bền vững, tiêu thụ nông sản còn gặp nhiều khó khăn. Một số thời điểm giá sản phẩm xuống thấp, ảnh hưởng đến thu nhập và khả năng tái đầu tư của nông dân.… Do vậy, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị Chính phủ cần có những chính sách can thiệp kịp thời để bình ổn giá cả vật tư đầu vào như giá phân bón, giá vật tư nông nghiệp, giá xăng dầu… Đồng thời có những giải pháp đấu tranh quyết liệt với tệ nạn gian lận thương mại, nhất là đối với nạn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả. Chú trọng việc giải quyết cơ chế, thủ tục cải cách hành chính để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là ba Chương trình mục tiêu quốc gia (gồm Chương trình nông thôn mới, Chương trình xóa đói giảm nghèo và Chương trình thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi).

Đề cập đến việc giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu cho rằng đây là một điểm nghẽn, vướng mắc lâu nay. Việc thực hiện các dự án giao thông và hạ tầng khó nhất là công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng. Do đó, đại biểu Nguyễn Tạo đề xuất với Quốc hội và Chính phủ cần có cơ chế riêng hợp phần bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng thành những dự án độc lập giao cho cấp tỉnh làm chủ đầu tư. Song song với đó là cải cách thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian chuẩn bị, bảo đảm quyền lợi cao nhất cho người dân bị ảnh hưởng, bảo đảm về giá đền bù thỏa đáng, tái định cư thuận lợi, tạo điều kiện ổn định sinh kế cho bà con phát triển cuộc sống. Đại biểu cũng đề nghị nên có những chương trình, cơ chế, chính sách thí điểm, nếu có hiệu quả thì áp dụng chung cho cả nước.

Liên quan đến các dự án hiện nay đang khó khăn trong việc tiến hành chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và đất lúa, đại biểu Nguyễn Tạo cho rằng, việc quy định phê duyệt chủ trương chuyển đổi mục đích đất rừng và đất lúa đồng thời với việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 83 ngày 15/7/2020 của Chính phủ thì rất khó khăn thực hiện trong thực tiễn. Bởi lẽ còn nhiều bất cập, mất nhiều thời gian, tăng chi phí, không phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt là các công trình theo tuyến.

Đại biểu giải thích, vì thường qua nhiều tỉnh, thành phố nên quá trình lập, hoàn thiện hồ sơ rất khó khăn, trong khi ở bước phê duyệt chủ trương đầu tư thì hướng tuyến mới là sơ bộ như bước tiền khả thi và sẽ có nhiều thay đổi khi triển khai ở các bước tiếp theo chi tiết hơn, như là bước khả thi, bước thiết kế kỹ thuật, bước thiết kế bản vẽ thi công. Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cho xem xét, sửa đổi ngay Nghị định số 83. Đặc biệt, trong việc quá trình triển khai Luật PPP, tại Điều 6, các dự án đường cao tốc thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ phải thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành gồm có 9 bộ, Hội đồng thẩm định sẽ thẩm định để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, sau đó tiếp tục thẩm định để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt dự án đầu tư, hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi. Đại biểu cho rằng, quy định như vậy là không có trọng tâm, trọng điểm, phát sinh nhiều thủ tục hành chính, kéo dài thời gian chuẩn bị đầu tư./.

Bích Ngọc