ĐBQH HOÀNG VĂN CƯỜNG: ĐỀ XUẤT TIẾP TỤC GIẢM CÁC LOẠI THUẾ XĂNG DẦU

01/06/2022

Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022 tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường- Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội đề nghị Chính phủ đề xuất với Quốc hội có chính sách tiếp tục giảm các loại thuế xăng dầu để bình ổn giá xăng dầu.

 

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường- Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội 

Tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường- Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội  bày tỏ sự đồng tình với những đánh giá của Chính phủ, và các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính, ngân sách về những kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế trong phát triển kinh tế xã hội năm 2021 và những tháng đầu năm 2022.

Đại biểu cho biết, năm 2021 Kinh tế trong nước tăng trưởng đạt 2,58%, trong kinh tế thế giới tăng trưởng 5,5%. Nhiều ý kiến băn khoăn vì sao tăng trưởng kinh tế Việt Nam thấp hơn thế giới? Thực tế không hẳn là như vậy. Kinh tế thế giới tăng trưởng 5,5% so với năm 2020 là năm tăng trưởng âm 3,4%; Trong khi kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2,58% trên nề kinh tế năm 2020 tăng trưởng dương 2,91%. Như vậy, nếu cùng so với năm 2019 trước khi có đại dịch, thì năm 2021 kinh tế Việt Nam tăng 5,56% kinh tế thế giới chỉ tăng 1,9% so với năm 2019. 

Theo đại biểu, kết quả đó là điều dường như không tưởng, nếu chúng ta nhớ lại bối cảnh năm 2021, diễn biến dịch vô cùng phức tạp, nhiều nơi có nguy cơ chìm vào thảm hoạ của đại dịch COVID-19, hàng loạt các doanh nghiệp đóng cửa đứng bên bờ vực phá sản, dòng người lao động rời bỏ các trung tâm kinh tế lũ lượt kéo nhau về quê, lần đầu tiên trong lịch sử kinh tế tăng trưởng âm 6,1% vào Quý 3 năm 2021, đặc biệt là các trung tâm kinh tế lớn âm càng sâu như Hà Nội âm 7,02% và Tp.HCM âm 24,3%.

Trong bối cảnh đó, chúng ta chỉ mong thu ngân sách đạt kế hoạch để không làm vỡ chỉ tiêu kế hoạch bội chi. Chắc ít ai dám mơ đến con số thu ngân sách vượt 16,8% so với kế hoạch thu năm 2021 và 5 tháng đầu năm 2022 đã đạt 57%, tiếp tục hứa hẹn một năm bội thu ngân sách. Vì vậy, kết quả vượt thu trên cả nước cũng như các địa phương có mức vượt thu cao như Hà Nội, cần được đánh giá, ghi nhận là những nỗ lực để có được thành công ngoài mong đợi. Đó là nhờ những lỗ lực của chúng ta đã lội ngược dòng chống dịch một cách ngoạn mục với việc bao phủ vaccine thần tốc, cũng như các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi có hiệu quả, để có được cuộc sống trở lại bình thường như hôm nay.

Đại biểu cho rằng, Chính nhờ có vượt thu, nên mặc dù phải tăng nhiều khoản chi phí phát sinh cho phòng chống dịch, phải tăng các gói hỗ trợ an sinh cho người người lao động, nhưng bội chi ngân sách lại thấp hơn kế hoạch giúp cho nợ công được kiểm soát ổn định. Đây là một trong các tiêu chí quan trọng để tổ chức xếp hạng tín nhiềm quốc tế S&P nâng hạng tín nhiệm của Việt Nam lên mức BB+ với triển vọng ổn định, và dự báo tốc độ tăng trưởng năm 2022 có thể đạt 6,9% và các năm sau có thể lên trên 7%.

Trong bối cảnh phải sử dụng các biện pháp tài khoá hỗ trợ doanh nghiệp như giãn hoãn, giảm các khoản thu, tăng các gói hỗ trợ hục hồi kinh tế đồng thời phải kiểm soát nợ công, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tất cả các giải pháp để có thể tăng được nguồn thu ngân sách đều cần coi trọng và huy động. Việc tăng thu từ thuế chuyển nhượng đất đai bằng các biện pháp kiểm soát giá nộp thuê sát với giá giao dịch thị trường, trong bối cảnh thị trường bất động sản tăng trưởng nóng, không chỉ góp phần tăng nguồn thu ngân sách mà còn có tác dụng góp phần hạn chế các hoạt động đầu cơ, mua đi bán lại.

Trong bối cảnh giá dầu thế giới tăng cao như hiện nay, việc tăng sản lượng khai thác và lọc hoá dầu trong nước không chỉ tăng hiệu quả khai thác gấp nhiều lần so với thời điểm giá thấp, mà còn tạo nguồn cung trong nước ổn định, là cơ sở để bình ổn giá xăng dầu trong nước không quá nhạy cảm với biến động giá xăng dầu nhập khẩu trên thị trường quốc tế. Đồng thời, với nguồn thu tăng lên từ khai thác dầu, đại biểu đề nghị Chính phủ đề xuất với Quốc hội có chính sách tiếp tục giảm các loại thuế xăng dầu để bình ổn giá xăng dầu, tránh những tác động đẩy mặt bằng giá các hàng hoá khác tăng.

Thu Phương