ĐBQH NGUYỄN THỊ VIỆT NGA: KỲ VỌNG TINH THẦN TRÁCH NHIỆM, CÂU TRẢ LỜI THẲNG THẮN TỪ CÁC THÀNH VIÊN CHÍNH PHỦ

07/06/2022

Trao đổi bên lề trước thời điểm diễn ra Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương kỳ vọng các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ sẽ nêu cao tinh thần trách nhiệm, trả lời thẳng thắn nhằm đạt được hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực trong những lĩnh vực được Quốc hội chất vấn.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương

Theo chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn bắt đầu từ chiều ngày 07/6 đến hết ngày 09/6. Qua tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội, các nhóm vấn đề được lựa chọn chất vấn tại Kỳ họp lần này gồm: tài chính; ngân hàng; giao thông vận tải; nông nghiệp và phát triển nông thôn. Sau hoạt động chất vấn, Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết để nâng cao hiệu lực thi hành, làm cơ sở giám sát việc thực hiện.

Đánh giá về 4 nhóm vấn đề sẽ được Quốc hội tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho biết, trên cơ sở xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn “trúng” bốn nhóm vấn đề nổi cộm, bao quát các lĩnh vực mang tính trước mắt và lâu dài đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong thời gian tới và được đông đảo cử tri cả nước quan tâm.

Đối với lĩnh vực giao thông vận tải, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu rõ, các vị đại biểu Quốc hội rất quan tâm đến tiến độ, chất lượng thực hiện các dự án, công trình giao thông. Hiện nay, nhiều dự án, công trình giao thông lớn đang được triển khai nhưng chậm tiến độ, giải ngân vốn đầu tư công chậm, tình trạng đội vốn gấp nhiều lần so với dự toán... Tại kỳ họp này, Chính phủ cũng trình Quốc hội xem xét, quyết định hàng loạt dự án giao thông trọng điểm ở phía Nam. Đây đều là những dự án quan trọng, được kỳ vọng sau khi hoàn thành sẽ có vai trò, tác động lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nhấn mạnh việc đảm đương khối lượng công việc lớn như vậy là rất khó, đặc biệt trong điều kiện khó khăn, thách thức khi vừa trải qua hơn 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh COVID-19 gây ra, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đặt vấn đề, làm thế nào để có thể triển khai được đồng thời nhiều dự án giao thông sắp tới mà vẫn có thể hoàn thành tốt, hiệu quả những dự án còn dang dở là bài toán đặt ra với ngành giao thông vận tải.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho hay, tại kỳ họp lần này, nhiều đại biểu Quốc hội rất quan tâm đến công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường nông sản; giải pháp ổn định thị trường, kiểm soát sự biến động giá của một số mặt hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp... đại biểu nhấn mạnh, giải pháp để tháo gỡ được nút thắt này nhằm phát triển sản xuất trong nước, bao tiêu sản phẩm cho nông dân cũng đang là vấn đề đặt ra hiện nay.

Cùng với đó, thời gian qua, Quốc hội đã đồng hành với Chính phủ ban hành nhiều chính sách kịp thời nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội, trong đó có Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ. Các chính sách tài khóa, tiền tệ nhằm hỗ trợ Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội được kỳ vọng sẽ tạo cú hích quan trọng để phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch. Đặc biệt, các chính sách này không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội trong hai năm 2022 - 2023 mà còn đóng vai trò quan trọng trong tạo đà cho việc thực hiện các mục tiêu đề ra cho cả nhiệm kỳ.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh, các vấn đề trên đều là vấn đề các vị đại biểu Quốc hội cũng như cử tri rất quan tâm. Do đó, việc lựa chọn các nhóm vấn đề trên để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp là rất xác đáng.

Chia sẻ về quan điểm cá nhân, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ quan tâm đến nhóm vấn đề nông nghiệp và phát triển nông thôn. Theo đại biểu, lĩnh vực này được đông đảo cử tri quan tâm. Hơn nữa, đối với các lĩnh vực khác thuộc kinh tế-xã hội đã có những hoạch định, đường hướng khá quan trọng để ứng phó phù hợp với tình hình mới. Tuy nhiên, riêng với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn vẫn đang loay hoay với đường hướng để phát triển nông nghiệp trước, trong và sau dịch bệnh. Hiện nay, bối cảnh, tình hình mới đòi hỏi cần phải có chiến lược mới nhằm phát triển nền nông nghiệp bền vững, nhất là khi nông nghiệp, nông thôn, nông dân được xác định là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội.

Đại biểu cũng cho biết, thời gian qua, nền kinh tế Việt Nam còn chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như dịch bệnh, giá dầu thế giới leo thang, xung đột giữa Nga - Ukraine… dẫn đến tình trạng giá thành nguyên vật liệu sản xuất đầu vào tăng, thậm chí khan hiếm nguồn cung nguyên liệu, vật tư nông nghiệp, điều đó đã gây tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất của nông dân. Đặc biệt, khi giá đầu vào sản xuất đã quá cao nhưng nông sản làm ra lại không bán được, hoặc tình trạng được mùa ép giá, các mặt hàng nông sản xuất khẩu bị ùn ứ tại biên giới, cửa khẩu do ảnh hưởng của đại dịch COVID -19 đã khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn.

Trong giai đoạn khó khăn vừa qua, khi hầu hết các lĩnh vực kinh tế-xã hội bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Tuy nhiên, đến nay, tình hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát nhưng những khó khăn, tồn tại, hạn chế trong sản xuất nông nghiệp như tìm đầu ra cho nông sản, tổ chức sản xuất chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, thiếu liên kết trong sản xuất kinh doanh; chưa đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp; chất lượng nguồn nhân lực cũng như chất lượng cuộc sống của nông dân và khu vực nông thôn chưa được nâng cao,…Vấn đề liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn luôn là lĩnh vực được cử tri và các vị đại biểu Quốc hội quan tâm.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng nêu rõ, tại những kỳ họp trước, “tư lệnh ngành” nông nghiệp và phát triển nông thôn đã nhiều lần trả lời trước Quốc hội về những vấn đề các vị đại biểu Quốc hội đặt ra. Tại các phiên thảo luận và các phiên chất vấn của những Kỳ họp trước, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cũng đã đưa ra những phương hướng, giải pháp nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trên cơ sở phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch… Tuy nhiên, với phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, bên cạnh các giải pháp đối với những vấn đề các vị đại biểu chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga kỳ vọng Bộ trưởng Lê Minh Hoan sẽ nêu rõ lộ trình thực hiện, những mục tiêu cụ thể Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hướng tới, qua đó, Quốc hội có cơ sở để đánh giá kết quả thực hiện lời hứa của Bộ trưởng.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng chia sẻ, 04 nhóm vấn đề được Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn lần này không chỉ là những lĩnh vực liên quan tới điều hành kinh tế vĩ mô mà còn có mối liên hệ mật thiết tới quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ kỳ vọng, các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ trả lời chất vấn lần này sẽ nêu cao tinh thần trách nhiệm, trả lời thẳng thắn đối với những vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra. Theo đại biểu, quan trọng hơn cả là đưa ra những giải pháp căn cơ, lộ trình thực hiện, mục tiêu phấn đấu cụ thể và quyết liệt trong tổ chức thực hiện nhằm đạt được hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực trong những lĩnh vực được Quốc hội chất vấn./.

Minh Thành