ĐBQH NGUYỄN PHƯƠNG TUẤN: CẦN CÓ CÁC BIỆN PHÁP QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN CHẶT CHẼ

02/06/2022

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng Nhà nước cần có các biện pháp quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện chặt chẽ, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông.


Theo chương trình Kỳ họp thứ 3, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện dư kiến sẽ được Quốc hội cho ý kiến thảo luận ở Tổ vào ngày 03/6 và tại Hội trường vào ngày 15/6.

Luật Tần số vô tuyến điện được Quốc hội khóa XII thông qua tại Kỳ họp thứ 6 ngày 23/11/2009 đã tạo hành lang pháp lý toàn diện, phù hợp với thông lệ quốc tế cho quản lý hoạt động và phát triển lĩnh vực vô tuyến điện tại Việt Nam và tạo cơ sở pháp lý cho việc đàm phán, tham gia các hoạt động phối hợp tần số quốc tế. Tuy nhiên, trải qua quá trình thực thi cho đến nay, một số điều của Luật hiện không còn phù hợp với thực tiễn nên cần có sự chỉnh sửa, bổ sung. Chính vì vậy, Chính phủ đã có Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.


Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Xác định tần số vô tuyến điện là tài sản quốc gia quan trọng và ngày càng có giá trị, đặc biệt là trong bối cảnh nước ta đang thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển kinh tế số, xã hội số, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho rằng, Nhà nước cần phải có các biện pháp quản lý sử dụng tần số vô tuyến điện chặt chẽ, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp viễn thông phát triển, đồng thời phải có các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển, ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, đi cùng với đó là các chế tài xử phạt hợp lý, khả thi nhằm bảo đảm sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.

Phóng viên: Luật Tần số vô tuyến điện được Quốc hội khóa XII thông qua tại Kỳ họp thứ 6 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc đàm phán, tham gia các hoạt động phối hợp tần số quốc tế. Nhưng đến nay, một số điều của Luật hiện không còn phù hợp tình hình thực tế. Qua thẩm tra, đại biểu có đánh giá như thế nào về dự án Luật do Chính phủ soạn thảo trình Quốc hội xem xét, đóng góp ý kiến tại kỳ họp này?

Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường: Nhìn chung, Hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị kỹ càng, công phu, đầy đủ, bao gồm 17 đầu mục tài liệu và thực hiện theo đúng quy trình xây dựng văn bản theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Dự án Luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 10 (tháng 4/2022), đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).

Dự án Luật về cơ bản bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, minh bạch, khả thi trong việc thực hiện các quy định của Luật Tần số vô tuyến điện hiện hành. Bảo đảm tuân thủ các cam kết hội nhập của Việt Nam, trong đó có các cam kết liên quan đến phân bổ và sử dụng tài nguyên khan hiếm theo các Hiệp định các hiệp định thương mại tự do FTAs, CPTPP, WTO; cam kết về đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên theo Thể lệ vô tuyến điện quốc tế, Công ước quốc tế về tiêu chuẩn huấn luyện, cấp chứng chỉ và trực ca cho thuyền viên STCW, Công ước Chicago về hàng không dân dụng.

Nội dung dự án Luật tập trung chủ yếu vào việc hoàn thiện một số chính sách quản lý sau: (1) đối với băng tần, kênh tần số có thể mang lại giá trị thương mại cao, như băng tần di động, các nội dung sửa đổi nhằm tạo điều kiện và thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của hạ tầng viễn thông số, bảo đảm quản lý chặt chẽ, phân bổ hợp lý, hiệu quả quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông; (2) hoàn thiện cơ sở pháp lý để quản lý, sử dụng hiệu quả, không can nhiễu đối với các tần số vô tuyến điện sử dụng ngoài quy hoạch tần số vô tuyến điện trong hoạt động đo kiểm, nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ mới; (3) tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật để đẩy mạnh cải cách hành chính, thông qua việc xã hội hóa công tác đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên; (4) nâng cao trách nhiệm các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình quản lý, khai thác, sử dụng đảm bảo tính an toàn, không can nhiễu và chủ quyền quốc gia về tần số vô tuyến điện, kết hợp chặt chẽ giữa bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế xã hội.

Những chính sách này gắn với việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về quản lý chặt chẽ, hiệu quả tần số vô tuyến điện, thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.

Phóng viên: Trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, đại biểu quan tâm nhất là những nội dung nào và có thể cho ý kiến, đề xuất của mình về những vấn đề đưa ra?

Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn-Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường: Dự án Luật bổ sung thêm 03 điều; sửa đổi 15 điều, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số cụm từ tại một số điều nhưng tôi thấy nội dung của dự thảo Luật liên quan đến cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện là một trong các nội dung sửa đổi then chốt, tác động đến các doanh nghiệp viễn thông, người sử dụng dịch vụ, đặc biệt là vấn đề đấu giá, thi tuyển.

Thứ nhất là, quy định về loại tần số được đấu giá, thi tuyển: với mục tiêu của chính sách này là làm rõ băng tần di động nào được đấu giá, cái nào được thi tuyển; việc đấu giá băng tần, kênh tần số được áp dụng theo pháp luật về đấu giá tài sản. Hiện nay, dự thảo Luật đang quy định “Ưu tiên áp dụng phương thức đấu giá”, chỉ thi tuyển khi Đảng và Nhà nước có các chủ trương, chính sách “cần phủ sóng công nghệ mới trên diện rộng trong một khoảng thời gian nhất định hoặc khi cần có yếu tố mới thúc đẩy cạnh tranh cho hoạt động viễn thông” (khoản 3 Điều 18 được sửa đổi, bổ sung). Quy định như vậy mang tính mở nhưng chưa thật sự rõ ràng, minh bạch, cần phải được tiếp tục chỉnh lý trong giai đoạn tiếp theo của quá trình xây dựng Luật.

Thứ hai là, về cấp lại giấy phép sử dụng băng tần cho thông tin di động: Luật đưa ra chính sách mới để cho phép cấp lại giấy phép sử dụng băng tần sau khi hết hạn cho các doanh nghiệp nếu đáp ứng các điều kiện cụ thể do Luật đưa ra. Tôi cho rằng, đây là một chủ trương hết sức đúng đắn của Nhà nước. Quy định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp rất nhiều trong quá trình phát triển mạng và dịch vụ của mình, người sử dụng cũng được đảm bảo dịch vụ thông suốt, đồng thời cũng buộc doanh nghiệp nếu mong muốn được cấp lại thì phải thực hiện đầy đủ các cam kết triển khai mạng viễn thông đối với băng tần được cấp, bảo đảm sử dụng hiệu quả phổ tần.

Thứ ba là, về đình chỉ có thời hạn quyền sử dụng tần số vô tuyến điện khi doanh nghiệp vi phạm cam kết triển khai mạng viễn thông mà không thu hồi ngay giấy phép. Đây là một bước đi “mềm mại” vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp cơ hội khắc phục hậu quả bằng cách buộc phải tăng cường số trạm phát sóng để giữ chân khách hàng, vừa hạn chế ảnh hưởng đến người sử dụng dịch vụ. Sau thời hạn đình chỉ một phần, nếu doanh nghiệp không khắc phục, không tăng cường số trạm phát sóng thì chất lượng dịch vụ không bảo đảm, tự động người dùng sẽ chuyển mạng và việc thu hồi giấy phép khi đó ít ảnh hưởng nhất đến khách hàng.

Phóng viên: Theo đại biểu, để quản lý và sử dụng tốt nguồn tài nguyên này thì cơ quan quản lý Nhà nước cần đưa ra quy định cụ thể nào để vừa thực hiện được chức năng của mình nhưng cũng vừa tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước?

Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn-Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường: Tần số vô tuyến điện là một tài nguyên quan trọng, là tài nguyên then chốt để phát triển viễn thông quốc gia, một trong các nền tảng để phát triển đất nước, như: điện, đường, trường học,…

Với bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển kinh tế số, xã hội số thì không thể thiếu thông tin vô tuyến điện. Viễn thông có phát triển thì mới thực hiện được kinh tế số, xã hội số. Doanh nghiệp thông tin di động là một trong các nhân tố để phát triển viễn thông của Nhà nước. Do đó, Nhà nước cần phải có các biện pháp quản lý sử dụng tần số vô tuyến điện chặt chẽ, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp viễn thông phát triển, đồng thời phải có các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển, ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, đi cùng với đó là các chế tài xử phạt hợp lý, khả thi nhằm bảo đảm sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.

Để làm được điều đó, Nhà nước cần: (1) đưa ra các quy định về giới hạn tổng độ rộng băng tần di động của một doanh nghiệp nắm giữ, bảo đảm tránh tập trung tài nguyên nhưng cũng phải thúc đẩy cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, không cào bằng; (2) cần quy định các điều kiện tham gia đấu giá, thi tuyển và các chế tài xử lý phù hợp để bảo đảm sau khi trúng đấu giá, trúng thi tuyển doanh nghiệp phải triển khai mạng viễn thông và cung cấp dịch vụ cho khách hàng theo đúng định hướng của nhà nước thông qua cam kết triển khai mạng viễn thông mà doanh nghiệp đã cam kết khi đăng ký tham gia đấu giá, thi tuyển; (3) cần có các quy định về cấp lại giấy phép đối với băng tần di động nếu Nhà nước không thay đổi quy hoạch, không cần thiết thu hồi lại băng tần này để thực hiện mục tiêu khác về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; cho phép doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, sử dụng hiệu quả phổ tần có cơ hội được cấp lại giấy phép để tiếp tục được sử dụng băng tần sau khi giấy phép hết thời hạn.

Phóng viên: Đại biểu có kỳ vọng, mong đợi gì khi dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện được đưa ra Quốc hội xem xét, đóng góp ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 này?

Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường: Tôi mong muốn các chính sách, tinh thần mới của dự án Luật được các đại biểu góp ý và hoàn thiện tốt nhất để Luật khi được Quốc hội thông qua sẽ sớm đi vào thực tiễn, góp phần thúc đẩy phát triển viễn thông, qua đó tạo nền tảng cho chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số. Đặc biệt, tôi rất mong đợi dự án Luật khi được Quốc hội thông qua sẽ giải quyết được vấn đề vướng mắc trong 13 năm qua là triển khai được hoạt động đấu giá các băng tần số vô tuyến điện có giá trị thương mại.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Bích Lan