ĐBQH NGUYỄN THỊ LỆ THỦY: TỈNH KHÁNH HÒA CẦN RÚT KINH NGHIỆM CỦA CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ ĐÃ THÍ ĐIỂM CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ

10/06/2022

Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ĐBQH đơn vị tỉnh Bến Tre bày tỏ sự thống nhất cao về sự cần thiết ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, một tỉnh có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của cả nước. Theo đại biểu, Nghị quyết này phải được ra đời sớm hơn.

 

Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ĐBQH đơn vị tỉnh Bến Tre phát biểu tại Hội trường ngày 10/6/2022

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy đồng tình cao với 11 nhóm chính sách như trong dự thảo Nghị quyết. Trong đó, có 7 nhóm chính sách tương tự như các chính sách đặc thù của một số tỉnh đã áp dụng. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng không phải tỉnh nào cũng khai thác hiệu quả 7 nhóm chính sách đó. Do đó, đại biểu đề nghị tỉnh Khánh Hòa cần nghiên cứu rút kinh nghiệm của các tỉnh, thành phố đã áp dụng trước để vận dụng phù hợp điều kiện của tỉnh nhằm khai thác hiệu quả chính sách. Đối với 4 nhóm chính sách mới đặc thù riêng cho tỉnh Khánh Hòa, đại biểu bày tỏ một số ý kiến cụ thể như sau:

Thứ nhất, chính sách phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển hoàn toàn phù hợp với điều kiện tự nhiên và định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa; ngư dân trên biển vừa là nguồn lực phát triển lực lượng dân quân biển bền vững, vừa là các cột mốc sống trên biển góp phần đảm bảo quốc phòng an ninh khu vực biển, nhất là quần đảo Trường Sa. Khuyến khích nuôi khơi ở vùng biển bình thường đã khó, trong vùng nhạy cảm về an ninh quốc phòng lại càng khó hơn. Nghề nuôi khơi đòi hỏi đầu tư nguồn vốn lớn, rủi ro cao cả về thiên tai và nhân tai, cho nên những chính sách ưu đãi, hỗ trợ cần phải khả thi, thực tiễn và đủ hấp dẫn nhà đầu tư. Do đó, đại biểu đề nghị miễn toàn bộ tiền thuê mặt nước biển và áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 0% trong suốt vòng đời dự án nhưng tối đa không quá 30 năm cho cả khu vực từ 3 hải lý trở ra. Về chính sách được hỗ trợ mua bảo hiểm tai nạn cho người lao động làm việc trên lồng bè nuôi trồng thủy sản và trên các phương tiện phục vụ hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển, đại biểu đề nghị bắt buộc áp dụng mà không cần phụ thuộc vào khả năng cân đối ngân sách địa phương.

Thứ hai, về chính sách quản lý môi trường tại Khu kinh tế Vân Phong quy định tại khoản 11 Điều 7 của Dự thảo Nghị quyết: theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường do hội đồng thẩm định thực hiện, cơ quan chuyên môn chỉ công nhận và phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Do đó đại biểu thống nhất với Dự thảo nghị quyết ủy quyền cho Ban quản lý Khu kinh tế tổ chức thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các Dự án đầu tư thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh khi đầu tư vào Khu kinh tế. Đồng thời, đề nghị ngoài việc ủy quyền cấp phép môi trường, cần mạnh dạn ủy quyền chức năng thanh tra chuyên ngành để tạo thuận lợi cho Khu kinh tế.

Thứ ba, về việc thực hiện chuẩn bị thu hồi đất tại Khu kinh tế Vân Phong và huyện Cam Lâm, Dự thảo Nghị quyết đã liệt kê chi tiết các bước từ điểm a đến đ khoản 2 Điều 5, đây là thủ tục mất nhiều thời gian, nhất là đối với những dự án có những thửa đất đang có tranh chấp, chưa rõ nguồn gốc đất, sẽ làm mất cơ hội đầu tư và làm nản lòng nhà đầu tư. Do đó, để đảm bảo quyền lợi cho người dân trong vùng dự án cần giới hạn thời gian từ khi kiểm đếm (điểm a) đến khi sử dụng kết quả kiểm đếm để bồi thường, hỗ trợ tái định cư (điểm đ) tốt nhất là không nên quá 1 năm và việc áp giá đền bù phải theo giá thời điểm. 

Thứ tư, Về danh mục ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong: đề nghị cân nhắc ưu đãi đầu tư đối với các lĩnh vực dịch vụ như đầu tư xây dựng và kinh doanh trung tâm thương mại, khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp và vui chơi giải trí tổng hợp có sân golf. Đồng thời bên cạnh dự báo tích cực của chính sách cũng cần lường trước và phòng ngừa tiêu cực trong việc lợi dụng chính sách ưu đãi như xin đầu tư các dự án có nhiều ngành nghề hỗn hợp với tổng nguồn vốn đảm bảo tiêu chí được hưởng ưu đãi, nhưng quy mô của ngành nghề ưu đãi đầu tư không đáng kể.

Thứ năm, một số chính sách khác:

- Đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ cơ sở đề xuất áp dụng cho nhà đầu tư chiến lược được trừ 150% chi phí nghiên cứu và phát triển thực tế khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp tại điểm a khoản 8 Điều 7 dự thảo nghị quyết. Nội dung chính sách ưu đãi này tương tự như Quỹ phát triển Khoa học Công nghệ của doanh nghiệp theo quy định tại Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-BKHCN-BTC ngày 28/6/2016, hiện nay Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 05/2022/TT-BKHCN ngày 31/5/2022 để giải quyết các vướng mắc chủ yếu của việc trích lập và sử dụng quỹ. Tại sao không đề xuất một tỉ lệ trích lập quỹ khác hơn, hấp dẫn hơn và những thủ tục rút gọn để áp dụng trích lập Quỹ Khoa học Công nghệ của doanh nghiệp để đầu tư nghiên cứu phát triển, mà phải nghĩ ra một chính sách hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ, chưa được áp dụng trong thực tiễn và chưa được đánh giá tác động chính sách nên chắc chắn chưa có hướng dẫn thực hiện, cũng như chưa quy định thủ tục hành chính để doanh nghiệp có thể áp dụng được ngay khi nghị quyết có hiệu lực.

- Về chính sách hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm rủi ro thiên tai đối với đối tượng nuôi thủy sản trên biển: đề nghị cân nhắc bãi bỏ chính sách này vì thiếu thực tiễn, theo thống kê đến giờ này chưa có doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nào bán bảo hiểm rủi ro thiên tai đối với đối tượng nuôi khơi vì rủi ro cao cho doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, nhất là trong vùng nhạy cảm về quốc phòng, an ninh. Thay vì áp dụng chính sách này thì nên dồn hỗ trợ vào chính sách miễn giảm tiền thuê mặt nước biển và thuế thu nhập doanh nghiệp đến mức đủ hấp dẫn thu hút đầu tư và khuyến khích nghề nuôi biển, nuôi khơi./.

Hoàng Nhân