ĐBQH NGUYỄN QUỐC LUẬN: CẦN TỔNG KẾT, ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ SẮP XẾP ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG

13/06/2022

Thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, đại biểu Nguyễn Quốc Luận, Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái đề nghị cần sớm tổng kết, đánh giá kết quả sắp xếp đơn vị sự nghiệp công trong thời gian qua; nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công theo từng ngành, lĩnh vực.

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận, Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái tham gia ý kiến thảo luận

Tham gia thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, đại biểu Nguyễn Quốc Luận, Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái bày tỏ quan tâm đặc biệt đến việc quy hoạch sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đại biểu, thời gian qua, việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công theo Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã được triển khai quyết liệt, đã giảm mạnh số đầu mối thông qua việc hợp nhất, sáp nhập, giải thể các đơn vị có cùng chức năng, nhiệm vụ trên cùng địa bàn hoặc hoạt động không hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế. Sau khi sắp xếp, các đơn vị được tổ chức lại hoạt động hiệu quả hơn, năng lực tự chủ, khả năng cung ứng dịch vụ công được cải thiện, đặc biệt là đã tiết kiệm được đáng kể nguồn ngân sách nhà nước, bao gồm cả chi thường xuyên và chi đầu tư. Tuy nhiên, việc sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công trong thời gian qua còn nhiều khó khăn, vướng mắc do chưa có sự đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực ở trung ương và địa phương. Việc ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định về điều kiện, tiêu chí sắp xếp chưa đầy đủ, thiếu tính đồng nhất, đơn cử như lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học thì hiện nay vẫn còn tình trạng trên cùng một địa bàn có nhiều trường cao đẳng, trung cấp cả trực thuộc bộ, ngành và cả địa phương có cùng chức năng, ngành, nghề đào tạo thường xuyên tuyển sinh cả học sinh và sinh viên theo kế hoạch thì không phát huy hết công suất đào tạo dẫn đến lãng phí nguồn lực.

Từ thực trạng trên, đại biểu đề nghị cần sớm tổng kết, đánh giá kết quả sắp xếp đơn vị sự nghiệp công trong thời gian qua; nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công theo từng ngành, lĩnh vực để các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát tổng thể quy hoạch và sắp xếp hợp lý, quy mô mạng lưới các cơ sở giáo dục, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công, góp phần tiết kiệm, chống lãng phí cho ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, về cơ chế đấu thầu, đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước, đại biểu cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 32 năm 2019 quy định về giao nhiệm vụ đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên và Nghị định số 60 năm 2021 quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó quy định các bộ, ngành trung ương có trách nhiệm ban hành, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hệ thống định mức kinh tế, kỹ thuật, định mức chi phí, đơn giá, giá sản phẩm dịch vụ công sử ngân sách nhà nước thuộc phạm vi phụ trách làm cơ sở để cơ quan nhà nước thực hiện cơ chế đấu thầu, đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ theo quy định. Tuy nhiên, việc ban hành hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá, khung giá và giá các loại dịch vụ công còn chưa kịp thời, chưa đầy đủ dẫn đến các địa phương không thể thực hiện đấu thầu, đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công có sử dụng ngân sách nhà nước trên nhiều lĩnh vực.

Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm rà soát, xây dựng và ban hành hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá, khung giá và các loại giá dịch vụ sự nghiệp công có sử dụng ngân sách nhà nước, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục làm cơ sở cho các địa phương thực hiện cơ chế đấu thầu, đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống thất thoát và nâng cao hiệu quả, sử dụng ngân sách nhà nước.

Chia sẻ về vấn đề hoàn thiện thể chế liên doanh, liên kết trong hoạt động của đơn vị sự nghiệp công, đại biểu nhấn mạnh, liên doanh, liên kết giữa các đơn vị sự nghiệp công lập với các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công là một trong những phương thức thực hiện chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa các loại hình dịch vụ công của Đảng và Nhà nước ta. Thông qua đó, các đơn vị sự nghiệp có thêm nguồn lực ngoài nhà nước để đầu tư mở rộng, nâng cao năng lực cũng như đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và xã hội. Tuy nhiên, thời gian qua hoạt động này cũng gặp phải rất nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập. Nhiều trường hợp cán bộ lãnh đạo các đơn vị sự nghiệp công lập có sai phạm phải bị xử lý kỷ luật và cả xử lý hình sự, gây bất bình trong xã hội và tạo tâm lý hoang mang, lo lắng cho nhiều cán bộ lãnh đạo quản lý viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là lĩnh vực y tế. Theo đại biểu, có nhiều nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc, bất cập nêu trên, trong đó có nguyên nhân là do thể chế chính sách của Nhà nước chưa theo kịp với sự phát triển của xã hội, không đủ cơ sở để các đơn vị triển khai thực hiện hoặc các quy định hướng dẫn không rõ ràng khi triển khai thực hiện sẽ dễ dẫn đến sai phạm. Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm rà soát, đánh giá, bổ sung, hoàn thiện hệ thống thể chế về liên doanh, liên kết trong hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục để các đơn vị có cơ sở triển khai thực hiện, góp phần nâng cao năng lực và chất lượng cung ứng dịch vụ, tránh lãng phí cơ sở vật chất và nguồn nhân lực của các đơn vị sự nghiệp công lập cũng như khắc phục và hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp sai phạm có thể xảy ra như thời gian vừa qua.

Minh Hùng

Các bài viết khác