ĐBQH TRẦN HỒNG NGUYÊN: RÀ SOÁT QUY ĐỊNH ĐIỀU KIỆN CẤP GIẤY PHÉP KINH DOANH BẢO HIỂM, BẢO ĐẢM TÍNH MINH BẠCH

20/06/2022

Thảo luận về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 3, đại biểu Trần Hồng Nguyên – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận đề nghị tiếp tục rà soát kỹ các quy định về giấy phép, điều kiện cấp giấy phép trong dự thảo luật để bảo đảm tính minh bạch, không tạo cách hiểu khác nhau.

Đại biểu Trần Hồng Nguyên – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận phát biểu tại hội trường

Tham gia phát biểu ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), đại biểu Trần Hồng Nguyên – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cơ bản tán thành với nội dung báo cáo giải trình, tiếp thu và dự thảo luật. Về giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, đại biểu cho rằng việc quy định một cách rõ ràng về các vấn đề liên quan tới giấy phép, điều kiện, thủ tục cấp giấy phép thành lập và hoạt động có ý nghĩa rất quan trọng, là vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm. Quy định này là cơ sở để khuyến khích việc gia nhập thị trường, từ đó phát triển thị trường bảo hiểm một cách lành mạnh. Do đó, đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát kỹ các quy định về giấy phép, điều kiện cấp giấy phép trong dự thảo luật để bảo đảm tính minh bạch, không tạo cách hiểu khác nhau.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị bổ sung mục 1 Chương III một điều quy định về nội dung chủ yếu của giấy phép thành lập vào hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm chi nhánh nước ngoài để tạo cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết về các điều kiện hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy phép thành lập và vận động. Đây cũng là căn cứ để quy định một số nội dung trong dự thảo luật liên quan đến giấy phép thành lập và hoạt động. Ví dụ như điểm a khoản 1 Điều 102 quy định về việc công khai thông tin thường xuyên đối với thông tin liên quan đến giấy phép thành lập và vận động. Việc quy định nội dung chiếu của giấy phép cũng tạo sự minh bạch trong quy định của dự thảo luật và hiện nay Luật Chứng khoán cũng có quy định tương tự nội dung này.

Đại biểu cũng cho biết, điểm a khoản 3 Điều 64 của dự thảo luật quy định về điều kiện cấp giấy phép đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm thành lập dưới hình thức công ty cổ phần thì phải đáp ứng điều kiện về cơ cấu cổ đông như sau: có tối thiểu hai cổ đông là tổ chức đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 65 của luật này; hai cổ đông đó phải sở hữu ít nhất 20% vốn điều lệ. Tuy nhiên Điều 65 trong dự thảo Luật quy định về điều kiện đối với tổ chức tham gia góp vốn từ 10% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm. Đại biểu đề nghị làm rõ, nếu dẫn chiếu như quy định tại điểm a khoản 3 Điều 64 thì có phải hai cổ đông này là tổ chức tham gia đóng góp từ 10% vốn điều lệ trở lên hay không?

Cùng với đó, điểm c khoản 1 Điều 65 quy định tổ chức thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài khi tham gia góp vốn thành lập mua cổ phần, phần vốn góp từ 10% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm thì phải đáp ứng điều kiện hoạt động dự kiến đề nghị cấp phép thực hiện tại Việt Nam là hoạt động mà doanh nghiệp đã và đang trực tiếp thực hiện hoặc có công ty con thực hiện tối thiểu trong 7 năm gần nhất. Đại biểu đề nghị quy định cụ thể đối với điều kiện 7 năm gần nhất có cần phải là 7 năm liên tục hay không?

Về các vấn đề liên quan đến quản lý nhà nước, dự thảo luật quy định một chương riêng về quản lý nhà nước là Chương VI, trong khi nhiều nội dung tại các điều của chương này chỉ nhắc lại thẩm quyền của Bộ Tài chính đã được quy định rõ trong các điều khác của dự thảo luật dẫn tới vừa thừa, vừa thiếu hoặc thậm chí không thống nhất. Đại biểu nêu dẫn chứng, về thẩm quyền đình chỉ tại điểm c, khoản 2 Điều 149 không rõ là đình chỉ nội dung gì, trong khi dự thảo luật có quy định về các thẩm quyền đình chỉ khác nhau, như: đình chỉ nội dung hoạt động ở Điều 69, đình chỉ việc chính thức hoạt động ở Điều 75, ngoài ra còn có đình chỉ chức vụ đối với một số người giữ chức vụ trong quản lý doanh nghiệp bảo hiểm. Mặt khác, việc quy định quá cụ thể trong luật về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính cũng không thật sự phù hợp, do nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ là vấn đề thuộc thẩm quyền phân công của Chính phủ. Do đó, đại biểu đề nghị cân nhắc không quy định một chương riêng về quản lý nhà nước mà nội dung về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính nên thiết kế theo hướng ngắn gọn, khái quát, đồng thời đưa các nội dung này tại Chương 1 về những quy định chung.

Về tên ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, dự thảo luật đã sửa đổi toàn diện các quy định của luật hiện hành, trong khi đó, tên ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm tại Phụ lục 4 của Luật Đầu tư lại được thể hiện trên cơ sở của Luật Kinh doanh bảo hiểm cũ, vì vậy không còn phù hợp với dự thảo luật. Vì vậy, đại biểu đề nghị rà soát lại tên các ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Phụ lục 4 của Luật Đầu tư và đề xuất sửa đổi, bổ sung đồng thời, ngay tại dự thảo luật để đảm bảo tính thống nhất theo hướng bổ sung một điều trước Điều 153 quy định về việc sửa đổi, bổ sung một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện có liên quan trong Phụ lục 4 của Luật Đầu tư.

Ngoài ra, tại khoản 5 Điều 9 của dự thảo luật có quy định về hành vi đe dọa, ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm là hành vi bị cấm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy bên cạnh hành vi nêu trên còn có hành vi dụ dỗ, lôi kéo giao kết hợp đồng bảo hiểm của các nhân viên đại lý bảo hiểm gây nhiều hệ lụy đến người tham gia bảo hiểm, vì vậy đại biểu đề nghị bổ sung hành vi này vào dự thảo luật.

Minh Hùng

Các bài viết khác