Đại biểu Nguyễn Văn An - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình
Trước đó, ngày 03/6, tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV, Chính phủ đã trình bày Tờ trình về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) và được Uỷ ban Kinh tế của Quốc có báo cáo thẩm tra dự án. Cũng tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã tiến hành thảo thảo luận tại tổ với 90 lượt ý kiến về các nội dung, quy định của dự án Luật này.
Tại Phiên họp toàn thể tại hội trường thảo luận về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Văn An - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình phát biểu đề xuất một số nội dung liên quan xây dựng, hoàn thiện dự án Luật. Cụ thể:
Thứ nhất, theo Báo cáo số 1204/BC-TTKQH ngày 13/6/2022 tổng hợp ý kiến của Tổng Thư ký Quốc hội, thì một trong những vấn đề được quan tâm nhiều là vấn đề giá xăng hiện nay. Mặc dù trong hồ sơ trình, Chính phủ đã nêu căn cứ cho việc giới hạn phạm vi điều chỉnh ở các hoạt động thượng nguồn, nhưng sau kỳ họp này, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để làm rõ, cụ thể hơn nữa cho vấn đề này. Ví dụ như: đang thực hiện theo các văn bản quy phạm pháp luật nào? Sắp tới có kiến nghị gì không? Nếu không phù hợp với phạm vi dự án Luật thì nên có Báo cáo chuyên đề riêng gửi đến các đại biểu Quốc hội. Theo đại biểu, giá xăng dầu hiện nay là vấn đề quan trọng, nóng bỏng, liên quan đến quốc kế dân sinh và Nhân dân, cử tri đang hết sức quan tâm, lo lắng.
Thứ hai là về vấn đề bảo vệ môi trường trong các hoạt động dầu khí quy định tại Chương V. Theo đại biểu Nguyễn Văn An, khi thảo luận Tổ các đại biểu đã có ý kiến về việc bổ sung trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc thẩm định các loại kế hoạch. Cũng theo đại biểu, vấn đề thẩm định là rất quan trọng, tuy nhiên phải đi kèm với kiểm tra, giám sát. Các mỏ, bao gồm cả mỏ đã thu dọn xong, nếu có rò rỉ thì ảnh hưởng sẽ rất lớn, rất nghiêm trọng, vì nó sẽ tiêu diệt những loài sinh vật biển như phù du, từ đó mất cả ngư trường. Tại một số hội thảo, hội nghị, đã có những hiệp hội, tổ chức phản ánh việc này. Với trách nhiệm chung của Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, bản thân đại biểu cũng rất quan tâm vấn đề này.
Các đại biểu tham dự Phiên họp
Hiện nay, dự thảo Luật mới quy định vấn đề thanh tra, kiểm tra, giám sát tại khoản 3 Điều 53 (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có quyền giám sát hợp đồng dầu khí, các hoạt động dầu khí), khoản 7 Điều 58 (Bộ Công Thương chịu trách nhiệm kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động dầu khí theo thẩm quyền), khoản 2 Điều 59 (các Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về dầu khí theo quy định của Luật này và các quy định pháp luật khác có liên quan). Theo đại biểu, các quy định nêu trên chưa cụ thể, dẫn đến khó bảo đảm triển khai trong thực tế và chưa gắn được trách nhiệm nếu xảy ra sự cố môi trường. Đại biểu đề nghị bổ sung quy định cụ thể về việc kiểm tra, giám sát; nếu chưa quy định được trong Luật lần này thì giao Chính phủ quy định chi tiết; vì hầu như các mỏ đều nằm ngoài biển xa, muốn tới đó kiểm tra, khảo sát tình hình sinh thái, môi trường biển quanh mỏ dầu rất tốn kém, không đơn giản, thuận tiện như trên đất liền.
Thứ ba, về vấn đề chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, trong dự thảo Luật mới chỉ có quy định tại khoản 3 Điều 51 Chương VIII yêu cầu nhà thầu có nghĩa vụ “chuyển giao công nghệ; đào tạo, sử dụng cán bộ, công nhân Việt Nam và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động”. Nếu chỉ quy định khái quát như vậy, đại biểu cho rằng khó ràng buộc được trách nhiệm, nghĩa vụ các bên liên quan, nhất là đối với nhà thầu nước ngoài.
Đối chiếu sang điểm b khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 14 của Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017, đối với các dự án thực hiện theo Luật Đầu tư cho thấy: Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan có ý kiến về công nghệ đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ (nếu dự án đầu tư sử dụng công nghệ hạn chế chuyển giao); Bộ quản lý ngành, lĩnh vực chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, cơ quan, tổ chức liên quan có ý kiến về công nghệ đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ (nếu có nguy cơ tác động xấu đến môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường có sử dụng công nghệ);
Từ lý do trên, đại biểu đặt vấn đề: Các dự án dầu khí ở đây khi đã được Thủ tướng phê duyệt hợp đồng thì cũng là quyết định chủ trương đầu tư. Đó là áp dụng theo Luật Dầu khí chứ không phải Luật Đầu tư. Vậy vai trò của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc này như thế nào? Nếu vẫn ưu tiên áp dụng Luật chuyên ngành theo Điều 4 thì Bộ Khoa học và Công nghệ có được tham gia vấn đề công nghệ nữa không?
Đại biểu Nguyễn Văn An khẳng định, đây là Luật có tính chuyên ngành cao, sự chuẩn bị của Chính phủ và Ủy ban Kinh tế thực sự đã rất công phu cho nên việc tham gia đóng góp ý kiến để cân nhắc kỹ lưỡng trên mọi phạm vi, khía cạnh của dự án Luật là vô cùng quan trọng, cần thiết nhằm đảm bảo tính thực tiễn cao nhất.