Đại biểu Vũ Thị Liên Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi tham gia ý kiến tại hội trường
Tham gia đóng góp ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), đại biểu Vũ Thị Liên Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cơ bản thống nhất nội dung dự thảo. Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, về quy định nội dung chủ yếu của hợp đồng bảo hiểm tại Điều 17, cần quy định nội dung về điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm và thỏa thuận thay đổi mức độ rủi ro là thành phần chủ yếu trong hợp đồng bảo hiểm. Vì hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng mẫu mà bên bảo hiểm chủ động đưa ra. Do đó, các điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm hoặc các thỏa thuận đưa ra yêu cầu điều chỉnh nội dung hợp đồng khi có yếu tố làm thay đổi mức độ rủi ro như tại Điều 23 thường theo hướng có lợi cho bên bảo hiểm. Nếu bên mua bảo hiểm không thỏa thuận kỹ về các nội dung này sẽ không lường hết những rủi ro, đến khi xảy ra sự kiện dẫn đến hủy hợp đồng quy định tại Điều 22 hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng quy định tại Điều 23 thì bên mua bảo hiểm chịu thiệt thòi. Do vậy, đại biểu cho rằng cần đưa vào quy định là nội dung chủ yếu của hợp đồng bảo hiểm để các bên thỏa thuận phù hợp với từng đối tượng bảo hiểm, đảm bảo nguyên tắc minh bạch, thiện chí, tự nguyện và bình đẳng giữa các bên trong giao dịch dân sự.
Về trách nhiệm cung cấp thông tin, tại khoản 2, khoản 3 Điều 22, dự thảo Luật quy định "bên mua bảo hiểm hoặc bên bảo hiểm cố ý không thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm thì bên kia có quyền hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm". Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự quy định việc cung cấp thông tin sai sự thật dẫn đến một bên hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó thì hợp đồng đó vô hiệu. Như vậy, hành vi không trung thực trong cung cấp thông tin dẫn đến hệ quả pháp lý khác nhau trong 2 đạo luật là không đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, hậu quả pháp luật của giao dịch dân sự vô hiệu và hủy bỏ hợp đồng là khác nhau. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát và cân nhắc để quy định thống nhất với quy định của Bộ luật Dân sự để tránh xung đột pháp lý, vướng mắc khi giải quyết tranh chấp trách nhiệm giữa các bên.
Về giao kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, hợp đồng bảo hiểm sức khỏe cho trường hợp người chết, đại biểu đề nghị sửa tiêu đề Điều 39 là "giao kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, hợp đồng bảo hiểm sức khỏe cho trường hợp chết của người khác" để thống nhất nội dung của điều luật. Bên cạnh đó, khoản 2 dự thảo quy định "không được giao kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, hợp đồng bảo hiểm sức khỏe cho trường hợp chết của những người: Người dưới 18 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, trừ trường hợp những người này được người đại diện theo pháp luật của họ đồng ý bằng văn bản".
Về vấn đề này, đại biểu đề nghị luật quy định rõ là "không được giao kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, hợp đồng bảo hiểm sức khỏe cho trường hợp chết của những người: Người dưới 18 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự". Người đại diện theo pháp luật của họ không có quyền thay họ trong việc đồng ý xác lập hợp đồng bảo hiểm cho trường hợp chết, vì vi phạm đến quyền con người. Người đại diện theo pháp luật chỉ đại diện cho họ trong thực hiện các giao dịch về dân sự, thực hiện các thủ tục pháp lý về hành chính. Theo đại biểu, Hiến pháp đã quy định quyền con người về thân thể là quyền bất khả xâm phạm, không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, chỉ có chính bản thân người có năng lực, hành vi dân sự đầy đủ trong trạng thái tinh thần minh mẫn, không bị ép buộc thì tự mình quyết định đối với bản thân mình, không ai có quyền thay người khác xác lập các giao dịch khác làm ảnh hưởng tính mạng người khác. Những người yếu thế, người hạn chế về năng lực hành vi dân sự cần phải được bảo vệ để đảm bảo chấp hành nghiêm chế định về quyền con người được Hiến pháp ghi nhận và đảm bảo tính nhân đạo, nhân văn của pháp luật.
Ngoài ra, về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm tại Điều 111a, đại biểu bày tỏ thống nhất bỏ quy định về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm và sửa đổi Điều 154 về điều khoản chuyển tiếp giao Chính phủ quy định chi tiết việc quản lý và sử dụng số dư quỹ với những lý do tại Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đã được nêu. Đồng thời, đại biểu đề nghị Chính phủ đề xuất rõ phương án xử lý số dư của quỹ.