ĐBQH HOÀNG ĐỨC THẮNG: MỞ RỘNG PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH LUẬT DẦU KHÍ (SỬA ĐỔI), ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CỦA TÌNH HÌNH MỚI

13/07/2022

Phát biểu ý kiến thảo luận về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), đại biểu Hoàng Đức Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh Luật Dầu khí, cụ thể, cần bổ sung nội dung về vận chuyển, sản xuất, chế biến, dự trữ, phân phối dầu khí vào dự thảo Luật lần này.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị đóng góp ý kiến

Tham gia thảo luận về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), đại biểu Hoàng Đức Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị tán thành sự cần thiết ban hành Luật Dầu khí (sửa đổi) nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, hấp dẫn môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí, đồng thời đáp ứng yêu cầu bảo vệ lợi ích quốc gia, bảo vệ chủ quyền dân tộc, đặc biệt là chủ quyền trên biển. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của đất nước, trong đó dầu khí có vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là khi thị trường dầu khí thế giới đang diễn biến hết sức phức tạp và khó đoán định.

Nhấn mạnh Việt Nam cần có một chiến lược về dầu khí như một công cụ hữu hiệu để bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước, tránh những cú sốc lớn về dầu khí thế giới khi mà năng lượng tái tạo chưa đủ năng lực để thay thế, đại biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng việc bổ sung, sửa đổi Luật Dầu khí phải tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để thực hiện các mục tiêu này. Đại biểu cho rằng, nguyên tắc xuyên suốt trong xây dựng luật nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển ngành dầu khí, đóng góp ngày càng quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, an ninh Tổ quốc. Theo đó, phát triển công nghiệp dầu khí là phát triển đồng bộ tất cả các lĩnh vực từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác đến thu gom, vận chuyển, chế biến, dự trữ, phân phối, xuất nhập khẩu dầu khí và các sản phẩm chế biến từ dầu khí. Tất cả nội hàm trên đây là tiếp cận mới phù hợp với định hướng chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn 2045 tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị. Yêu cầu và đòi hỏi đó là tất yếu và nhất thiết cần được luật hóa trong quá trình xây dựng, sửa đổi Luật Dầu khí lần này nhằm tạo hành lang pháp lý phù hợp để thúc đẩy phát triển toàn diện ngành, lĩnh vực công nghiệp dầu khí quốc gia trong thời kỳ mới và điều kiện mới. Do đó, đại biểu đề nghị phạm vi điều chỉnh Luật Dầu khí lần này cần được mở rộng với nội hàm đầy đủ trên đây chứ không chỉ dừng lại giới hạn bó hẹp trong cách tiếp cận cũ, tư duy cũ và phạm vi điều chỉnh cũ cách đây đã gần 30 năm, khi chúng ta xây dựng Luật Dầu khí vào năm 1993. Theo đó, nội dung về vận chuyển, sản xuất, chế biến, dự trữ, phân phối dầu khí cũng cần được đưa vào nội dung sửa đổi trong một chỉnh thể đồng bộ, thống nhất, toàn diện trong một đạo luật chung về dầu khí sửa đổi lần này.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN là doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực dầu khí có tính đặc thù cao. Trong nhiều năm qua, PVN đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển ngành dầu khí Việt Nam và nền kinh tế của đất nước rất đáng trân trọng và ghi nhận. Tuy nhiên, PVN cũng có những sai phạm, tiêu cực. Vì vậy, việc bổ sung, sửa đổi những quy định mới về tổ chức, hoạt động trong khuôn khổ hành lang pháp lý nhằm đào tạo điều kiện cho PVN tiếp tục phát triển xứng tầm và xứng đáng với vị trí, chức năng, nhiệm vụ và truyền thống tốt đẹp của doanh nghiệp, đồng thời khắc phục hạn chế và kiểm soát chặt chẽ hoạt động, những hạn chế, sơ hở pháp luật là nguyên nhân cho những tiêu cực là cần thiết. Theo đó, cần tiếp cận giải quyết 2 vấn đề cơ bản sau đây:

Trước hết, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là một doanh nghiệp nhà nước, nhất thiết phải hoạt động theo quy định pháp luật về doanh nghiệp, bảo đảm công bằng và bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Điều đó cũng sẽ tạo ra môi trường tốt cho PVN vươn lên trong thế cạnh tranh lành mạnh để đổi mới, sáng tạo và hiệu quả, không dựa dẫm, ỷ lại vào thế độc quyền.

Thứ hai, ở vị trí là một doanh nghiệp được Nhà nước giao thực hiện một số nhiệm vụ theo ủy quyền của Chính phủ, PVN được hưởng những cơ chế đặc thù là phù hợp, là công bằng về nghĩa vụ và quyền lợi. Tuy nhiên, cả hai đặc điểm cơ bản này trong dự thảo luật chưa làm rõ, chưa tách bạch để thiết kế hành lang pháp lý cho phù hợp. Đây chính là hạn chế căn bản cần khắc phục theo hướng chuyển hóa đặc điểm và yêu cầu này vào nội dung ở Chương IX về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ngay từ xây dựng vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đến thiết kế chính sách đặc thù, có như vậy mới đảm bảo giải quyết hài hòa giữa quyền lợi và nghĩa vụ, công bằng và bình đẳng trong hoạt động của PVN mà không xung đột với các quy định của các đạo luật khác.

Mục tiêu sửa đổi Luật Dầu khí lần này nhằm đáp ứng yêu cầu tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và khu vực tư nhân vào lĩnh vực dầu khí. Theo đại biểu, đây là việc làm cần thiết, đúng đắn và phù hợp với chính sách của Nhà nước về dầu khí. Trong thực tế, chúng ta đã có các quan hệ hợp tác với nước ngoài, thu hút đầu tư khu vực tư nhân và hoạt động dầu khí, kể cả đầu tư ra ngoài nước trong lĩnh vực dầu khí, liên doanh, liên kết về khai thác, sản xuất, chế biến dầu khí. Tuy nhiên, dự thảo luật chưa thể hiện rõ nét được quan điểm, chủ trương, chính sách này, mặc dù một số nội dung có đề cập rải rác đâu đó ở trong dự thảo luật và còn rất đơn giản, chưa thể hiện được các quan hệ hợp tác quốc tế cũng như xã hội hóa về đầu tư, liên doanh, liên kết trong lĩnh vực dầu khí. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần thiết phải thiết kế dành riêng một chương về việc thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế về lĩnh vực dầu khí, theo hướng quy định đầy đủ về chính sách về thu hút đầu tư tư nhân, thu hút đầu tư nước ngoài, liên doanh, liên kết và hợp tác quốc tế về lĩnh vực dầu khí.

Hồ Hương