GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: HẠN CHẾ XUNG ĐỘT PHÁP LUẬT GIỮA LUẬT DẦU KHÍ VÀ CÁC LUẬT CÓ LIÊN QUAN

04/08/2022

Nhằm hoàn thiện dự án Luât Dầu khí (sửa đổi), tại Kỳ họp thứ 3, các đại biểu Quốc hội cho rằng cần xem xét quy định rõ trong dự thảo luật nguyên tắc áp dụng Luật Dầu khí theo hướng hạn chế tối đa việc dẫn chiếu đến quy định pháp luật tại luật khác để hạn chế xung đột pháp luật giữa Luật Dầu khí và các luật có liên quan và pháp luật quốc tế.

Uỷ ban Kinh tế lấy ý kiến dự án Luật Dầu khí (sửa đổi)

Đại biểu Cầm Thị Mẫn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tham gia thảo luận

Tham gia đóng góp ý kiến hoàn thiện dự án Luât Dầu khí (sửa đổi), đại biểu Cầm Thị Mẫn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng nguyên tắc áp dụng pháp luật quy định tại khoản 2 Điều 4 là chưa thực sự phù hợp.Đại biểu đề nghị cần xem xét lại vì quy định này vẫn chưa giải quyết được xung đột, chồng chéo trong quá trình áp dụng Luật Dầu khí với các luật khác có liên quan như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Quản lý và sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Do vậy, để đảm bảo thống nhất, hạn chế xung đột pháp luật giữa Luật Dầu khí và các luật có liên quan, kể cả pháp luật quốc tế và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế, đại biểu đề nghị cần xem xét quy định rõ trong dự thảo luật nguyên tắc áp dụng Luật Dầu khí theo hướng hạn chế tối đa việc dẫn chiếu đến quy định pháp luật tại luật khác để đảm bảo tính khả thi, rõ ràng và thống nhất trong quá trình thực hiện.

Đồng thời, đại biểu Cầm Thị Mẫn kiến nghị cần quy định rõ phải áp dụng pháp luật dầu khí để thực hiện các nội dung quan trọng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Dầu khí. Cụ thể là hoạt động dầu khí, điều tra cơ bản về dầu khí, dự án Luật Dầu khí theo chuỗi đồng bộ. Theo đó, việc điều chỉnh, áp dụng các luật khác có liên quan đến hoạt động trung nguồn, hạ nguồn cần quy định rõ ràng trong dự thảo luật để tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột, bảo đảm việc áp dụng Luật Dầu khí khi triển khai dự án dầu khí trên thực tế.

Quan tâm đến vấn đề này, đai biểu Nguyễn Lâm Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cho biết, theo quy định tại khoản 2 Điều 4 của dự thảo luật, trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Dầu khí và luật khác đã được ban hành trước ngày Luật Dầu khí có hiệu lực thi hành về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, điều kiện thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí, lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí thì thực hiện theo quy định của Luật Dầu khí. Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành, với quy định tại khoản 2 Điều 4 như trên thì dự thảo vẫn chưa giải quyết được xung đột, chồng chéo trong quá trình áp dụng Luật Dầu khí với các luật khác có liên quan như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Quản lý và sử dụng vốn Nhà nước. Do vậy, cần xem xét quy định rõ trong dự thảo luật nguyên tắc áp dụng Luật Dầu khí theo hướngà hạn chế tối đa việc dẫn chiếu các quy định pháp luật tại luật khác để bảo đảm tính khả thi, rõ ràng và thống nhất trong quá trình thực hiện; quy định rõ phải áp dụng pháp luật dầu khí để thực hiện các nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Dầu khí như hoạt động dầu khí, điều tra cơ bản về dầu khí và dự án dầu khí theo chuỗi đồng bộ.

Đai biểu Nguyễn Lâm Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành nhấn mạnh đây là điểm cần lưu ý đặc biệt và việc điều chỉnh, áp dụng các luật khác liên quan đến hoạt động trung nguồn, hạ nguồn cũng phải được quy định rõ ràng trong dự thảo luật để tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột với các luật dẫn đến việc không áp dụng được trên thực tế khi triển khai dự án dầu khí.

Thảo luận về việc áp dụng Luật Dầu khí và các luật có liên quan quy định tại Điều 4 của dự thảo luật, đai biểu Lưu Văn Đức – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cho rằng, do tính chất rất đặc thù của các dự án luật đầu tư trong hoạt động dầu khí, đại biểu cho rằng cần quy định trong trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của luật này với quy định tại các văn bản pháp luật khác thì áp dụng theo quy định đặc thù của luật này.

Tuy nhiên, về quy định cụ thể như thế nào trong Luật Dầu khí, đại biểu đề nghị cần phải rà soát, chỉnh lý lại quy định tại khoản 2 Điều 4 để bảo đảm thống nhất của hệ thống pháp luật. Theo đại biểu, quy định này liên quan trực tiếp tới hai văn bản luật khác là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật Đầu tư. Trong đó đặc biệt Điều 4 của Luật Đầu tư đã quy định: "Trường hợp luật khác ban hành sau Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành cần quy định đặc thù về đầu tư, khác với quy định của Luật Đầu tư thì phải xác định cụ thể nội dung thực hiện hoặc không thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư nội dung thực hiện theo quy định của Luật khác đó.” Vì vậy, đại biểu đề nghị chỉnh lý lại khoản 2 Điều 4 của dự thảo luật bám sát với quy định nêu trên của Luật Đầu tư.

Ngoài ra, về áp dụng thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế quy định tại khoản 3 Điều 4, trong trường hợp pháp luật Việt Nam không có quy định đối với hợp đồng dầu khí. Trong khi đó, ít nhất một bên tham gia là nhà thầu nước ngoài, các bên có thỏa thuận trong hợp đồng dầu khí việc áp dụng pháp luật nước ngoài hoặc thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế nếu hậu quả của việc áp dụng pháp luật nước ngoài hoặc thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế đó không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo giải trình làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng quy định này. Bởi vì nguyên tắc áp dụng tư vấn pháp luật nêu trên chưa đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam. Do đó, cần xác định rõ nội hàm thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế, trường hợp áp dụng thông lệ quốc tế tránh việc lợi dụng quy định này để vi phạm pháp luật.

Đai biểu Phạm Đức Ấn – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội tham gia phát biểu

Cho ý kiến về nội dung này, đai biểu Phạm Đức Ấn – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho rằng, việc đề cập "luật khác ban hành trước ngày Luật Dầu khí có hiệu lực thi hành" trong khoản 2, Điều 4 dự thảo Luật là không cần thiết. Bởi vì, tại khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định rất rõ trong trường hợp các văn bản pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau.

Chia sẻ về vấn đề áp dụng pháp luật hiện nay, đại biểu cho biết, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa xác định pháp luật chung và pháp luật chuyên ngành, nguyên tắc áp dụng pháp luật chuyên ngành, nên trong từng luật cụ thể khi có yếu tố chuyên về chuyên ngành thì đều phải quy định những nguyên tắc áp dụng luật, tức là phải quy định đi, quy định lại về vấn đề này, điều này dẫn đến một quan điểm áp dụng pháp luật tương đối khác nhau. Ví dụ, trong Luật Tổ chức tín dụng ban hành năm 2010 có quy định về tổ chức, hoạt động của ngân hàng thương mại, vấn đề này được ưu tiên áp dụng so với Luật Doanh nghiệp năm 2005. Nếu áp dụng nguyên tắc như khoản 3 Điều 156 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, sau khi Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2014 được ban hành thì được ưu tiên áp dụng so với Luật Tổ chức tín dụng năm 2010. Như vậy, vấn đề này cần được nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian tới.

Đối với khoản 2 Điều 4 dự thảo Luật Dầu khí, theo đại biểu, nên sửa đổi quy định như sau: "Trường hợp luật khác ban hành sau ngày luật này có hiệu lực thi hành có quy định về cùng một vấn đề thì ưu tiên áp dụng theo luật này, trừ khi luật ban hành sau có quy định cụ thể phải thực hiện theo luật đó".

Minh Hùng