Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)
Đại biểu Lý Anh Thư – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang
Tại Kỳ họp thứ 4 sắp tới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua. Thảo luận về dự án Luật này, đại biểu Lý Anh Thư – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang cho rằng việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (năm 2007) là rất cần thiết nhằm hiện thực hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý, đồng thời tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự án Luật, đại biểu cho rằng, về điều, khoản dự thảo xác định vi hành vi bạo lực gia đình, tại điểm q khoản 1 Điều 4 dự thảo luật quy định về hành vi bạo lực gia đình đã xác định "có khả năng và phải thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính mà không cưỡng ép thành viên gia đình đóng góp tài chính quá khả năng của họ". Trong thực tiễn, hiện nay chưa có văn bản quy định nào của pháp luật cụ thể về nghĩa vụ đóng góp tài chính trong gia đình, ai là người đóng góp tài chính trong gia đình, phải đóng góp như thế nào, đóng góp bao nhiêu cho gia đình, gia đình nào phải thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính, những thành viên trong gia đình là những ai phải đóng góp. Vậy căn cứ vào đâu để xác định có khả năng phải thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính mà không đóng góp là một hành vi bạo lực gia đình? Đại biểu cho rằng, nếu muốn quy định về điều, khoản này thì cần phải có một cơ chế, các quy định pháp luật bổ sung một cách cụ thể, rõ ràng thì mới có thể thi hành trên thực tế. Trong khi đó, hệ thống pháp luật của nước ta hiện nay cho phép công dân có quyền sở hữu, định đoạt tài sản riêng của mình, trong đó cụ thể là Luật Hôn nhân và gia đình, cho phép vợ chồng phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Đại biểu cho rằng quy định trong dự thảo luật là không rõ ràng, chưa đủ cụ thể, không xác định rõ hành vi bạo lực không đóng góp tài chính là áp dụng với tất cả các thành viên trong gia đình hay chỉ áp dụng giữa vợ và chồng, cha và mẹ. Vì vậy, đại biểu cho rằng cần rà soát, nghiên cứu, chỉnh sửa để quy định này tường minh, cụ thể hơn.
Về biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, dự thảo Luậ quy định tại Chương II từ Điều 14 đến 16. Theo đại biểu, việc phòng ngừa bạo lực gia đình bao giờ cũng là việc làm trước khi chống bạo lực gia đình. Dự thảo luật quy định về việc chống bạo lực gia đình tương đối đầy đủ, tuy nhiên phần phòng bạo lực gia đình này còn hạn chế, chủ yếu tập trung vào công tác thông tin tuyên truyền. Đại biểu đề nghị dự thảo luật cần chú trọng vào việc nâng cao ý thức cho người dân trong phát hiện, kịp thời ngăn chặn bạo lực gia đình, theo đó, thay vì chỉ quy định về quyền và nghĩa vụ như hiện nay thì cần quy định thêm chế tài trong trường hợp biết mà im lặng, không hành động thực hiện tố giác theo quy định. Đồng thời, cần quy định rõ về cách thức bảo vệ người báo tin tố giác bạo lực gia đình để họ được an toàn, tránh trường hợp bị trả thù. Khuyến khích người khác tích cực tham gia vào hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình.
Về điều, khoản trách nhiệm của người có hành vi bạo lực gia đình, tại khoản 4 Điều 12 dự thảo của luật quy định "Chủ động khắc phục hậu quả đã gây ra cho người bạo lực gia đình, bồi thường thiệt hại cho người bị bạo lực gia đình và người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình". Quy định này đặt ra vấn đề bồi thường thiệt hại giữa người có hành vi bạo lực gia đình và người bị bạo lực gia đình, người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng dự thảo Luật cần xác định rõ những người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình gồm những ai, nguồn lực tài chính, tiền, tài sản dùng bồi thường thiệt hại này là tài sản của chung hay tài sản riêng của người gây ra bạo lực gia đình.
Ngoài ra, về điều khoản dự thảo về tiếp nhận, xử lý tin tố giác về bạo lực gia đình, Điều 28 dự thảo luật đã quy định quy trình xử lý xác minh, tin báo, tố giác về bạo lực gia đình. Tuy nhiên, quy định này còn nặng về thủ tục hành chính. Hành vi bạo lực gia đình là những hành vi có tính chất manh động, người bạo lực thường không kiềm chế được cảm xúc, hành vi, nhiều trường hợp dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Do vậy, điều luật cần bổ sung thêm quy định ngay sau khi nhận được tin tố giác về bạo lực gia đình, cơ quan có thẩm quyền cần xử lý ngay, căn cứ vào tình hình thực tế, mức độ vi phạm và sắp xếp chỗ ở tránh nạn cho người bị bạo lực, sau đó mới tiến hành quy trình xử lý người bị bạo lực theo quy định.