ĐBQH NGUYỄN THỊ TUYẾT NGA: QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ NHIỆM VỤ XEM XÉT, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VÀ HOẠT ĐỘNG THANH TRA PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

31/08/2022

Tại Kỳ họp thứ 4 tới đây, Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua. Nhằm hoàn thiện dự án Luật, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng dự thảo Luật cần quy định rõ hơn về nhiệm vụ xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo và hoạt động thanh tra phòng, chống tham nhũng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thanh tra (sửa đổi)

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình tham gia thảo luận

Tham gia ý kiến hoàn thiện dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng, dự án Luật được xây dựng tương đối công phu và có nhiều điểm mới, tập trung vào các quy định về Thanh tra nhà nước, làm rõ hơn các khái niệm pháp lý cơ bản về tổ chức và hoạt động thanh tra, nhận diện và giải quyết được một số bất cập về công tác thanh tra.

Đối với một số vấn đề cụ thể về tính độc lập của hoạt động thanh tra, đại biểu cho biết, Chiến lược phát triển ngành thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã nêu: Việc xác định vị trí, vai trò và chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan thanh tra nhà nước chưa phù hợp, bộ máy của cơ quan thanh tra còn thiếu tính hệ thống, chưa tạo ra được sự chủ động, độc lập cần thiết để đảm bảo tính khách quan, kịp thời trong quá trình hoạt động. Thực tiễn cũng cho thấy, các cơ quan thanh tra hiện phụ thuộc gần như vào thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp, từ kế hoạch chỉ đạo, kết luận, kiến nghị thanh tra, nhân sự và các điều kiện hoạt động. Việc quy định vị trí pháp lý của cơ quan thanh tra nhà nước bởi vậy là một nội dung được tranh luận trong nhiều diễn đàn và có hai luồng ý kiến: Thứ nhất là đề nghị tách cơ quan thanh tra thành cơ quan độc lập trực thuộc Thủ tướng Chính phủ hoặc trực thuộc Quốc hội như mô hình Kiểm toán Nhà nước. Thứ hai là giữ nguyên mô hình tổ chức thanh tra như hiện nay, là cơ quan chuyên môn giúp thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát các cá nhân, tổ chức thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga bày tỏ nhất trí với mô hình tổ chức thanh tra như hiện nay, bởi thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước cũng rất cần một công cụ kiểm soát, kiểm soát quyền lực cũng phải song song cả từ bên trong và bên ngoài hệ thống. Tuy nhiên, giữ mô hình này như dự thảo thì cần thiết phải tăng thẩm quyền của cơ quan thanh tra và đảm bảo tính độc lập tương đối trong thực hiện hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thanh tra nhà nước là hoạt động trong hệ thống hành chính nên không thể có tính độc lập cao như các hoạt động tư pháp nhưng vẫn đòi hỏi phải có tính độc lập nhất định và rõ ràng khi thực hiện các nhiệm vụ thanh tra để bảo đảm khách quan, vô tư, bảo đảm không phụ thuộc vào đối tượng thanh tra, không bị chi phối bởi các nhóm lợi ích. Vì vậy, đại biểu cho rằng cần bổ sung thích hợp yêu cầu này ngay tại Điều 4 dự thảo về nguyên tắc hoạt động thanh tra và thể hiện hợp lý, tính độc lập trong hoạt động thanh tra trong các điều liên quan của dự thảo luật.

Đối với trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan thanh tra, về pháp lý và trong thực tiễn hiện nay công tác thanh tra là để phục vụ cho quản lý nhà nước do thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ thanh tra, quyết định xử lý kết quả thanh tra tại các kết luận thanh tra, chịu trách nhiệm về tổ chức và hoạt động thanh tra. Nhiều tổ chức Thanh tra cấp huyện, như báo cáo của tổng kết của Chính phủ đã nêu, còn hoạt động chưa tốt, ít việc làm, do thủ trưởng cơ quan không nhận thức được vai trò quan trọng của thanh tra, chưa phân biệt được thanh tra và kiểm tra hoặc ít quan tâm giao nhiệm vụ cho thanh tra và sử dụng công cụ thanh tra. Chính vì vậy, đại biểu cho rằng trong luật này cần nhấn mạnh, đặt ra yêu cầu cụ thể và đề cao hơn nữa trách nhiệm pháp lý của cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về tổ chức và hoạt động thanh tra, đồng thời cũng phải đảm bảo tôn trọng tính độc lập của hoạt động thanh tra. Theo đại biểu, Điều 6 của dự thảo luật quy định về trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan nhà nước đã có nhiều sửa đổi nhưng cũng chưa đủ, chưa cải thiện được những bất cập trong công tác thanh tra hiện nay.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ hơn về nhiệm vụ xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo và hoạt động thanh tra phòng, chống tham nhũng. Việc xem xét, giải quyết khiếu nại và tố cáo thực hiện theo Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và do nhiều cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Tuy nhiên, Thanh tra nhà nước có vai trò chủ yếu và rất quan trọng trong việc xem xét giải quyết khiếu nại, tố cáo. Dự thảo dành nhiều sự quan tâm đến hoạt động thanh tra, hệ thống tổ chức thanh tra, tuy nhiên cũng cần có sự tiếp cận ở mức độ thích hợp đối với việc thực hiện nhiệm vụ xem xét, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo. Đặc biệt là những vấn đề phát sinh trực tiếp có liên quan tới tổ chức và hoạt động thanh tra. Đồng thời, với việc thực hiện các hoạt động thanh tra thì việc thực hiện tiếp công dân và xem xét giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động thanh tra cần được tổ chức bài bản, khoa học, trực tiếp, có liên quan tới việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp 2013. Thực tế cho thấy có rất nhiều vụ việc thanh tra bắt nguồn từ những thông tin của khiếu nại, tố cáo, cũng tương tự như vậy, mặc dù đã có Luật Phòng, chống tham nhũng nhưng hệ thống các cơ quan thanh tra góp phần rất quan trọng trong hoạt động này. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, các cơ quan thanh tra bằng hoạt động thanh tra cần đảm nhận trọng trách lớn hơn nữa trong lĩnh vực này. Vì vậy, đại biểu cho rằng cần nghiên cứu để đưa vào dự thảo luật những quy định về hoạt động thanh tra phòng, chống tham nhũng ở mức độ thích hợp vừa để bảo đảm đồng bộ trong hệ thống pháp luật, vừa không trùng lắp, chồng chéo giữa các luật. Đặc biệt là đề cao quyền và trách nhiệm của Cục Phòng, chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị có một chương quy định rõ quản lý nhà nước về thanh tra. Đại biểu cho biết, hiện chưa có chương riêng về quản lý nhà nước đối với thanh tra, vì vậy, vấn đề trách nhiệm quản lý nhà nước đối với thanh tra là chưa thật rõ. Bản thân các tổ chức thanh tra được quy định như trong dự thảo có cả 3 chức năng thực tế: tham mưu cho các cơ quan quản lý và thủ trưởng cơ quan quản lý; quản lý hoạt động thanh tra; trực tiếp hoạt động thanh tra. Vì thế, đại biểu cho rằng hướng hoàn thiện luật này là cần làm rõ hơn các chức năng, nhiệm vụ trên để tổ chức và hoạt động thanh tra có chất lượng và có hiệu quả thiết thực hơn.

Minh Hùng

Các bài viết khác