ĐBQH TRẦN VĂN KHẢI: BỎ KHUNG GIÁ ĐẤT GÓP PHẦN CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC TRONG LĨNH VỰC ĐẤT ĐAI

18/10/2022

ĐBQH Trần Văn Khải - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nêu quan điểm: Việc bỏ Khung giá đất khi sửa đổi Luật Đất đai sẽ góp phần chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đất đai. Theo đó, cần quy định rõ tiêu chuẩn, tiêu chí để định giá đất; Quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan tham mưu...

GS.TS ĐẶNG HÙNG VÕ: NHÀ NƯỚC CẦN CÓ PHƯƠNG ÁN ĐỂ GIÁ TRỊ THỊ TRƯỜNG ĐƯỢC GHI TRÊN CÁC HỢP ĐỒNG CHUYỂN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI

PGS.TS PHAN TRUNG HIỀN: VIỆC ĐỊNH GIÁ ĐẤT PHẢI CÔNG KHAI, MINH BẠCH, DÂN CHỦ VÀ THỰC HIỆN TRÁCH NHIỆM GIẢI TRÌNH

Luật Đất đai đã ra đời hơn 30 năm, với 5 lần sửa đổi, bổ sung và gần nhất là vào năm 2013. Nhiều ý kiến cũng như Tờ trình của Chính phủ đã chỉ ra, sau hơn 8 năm thực thi, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Đất đai 2013 đã lộ rõ nhiều bất cập, chồng chéo so với các Luật khác dẫn đến việc mập mờ về trách nhiệm quản lý, khó khăn trong quá trình tổ chức, thực hiện trong thực tiễn.

Một trong những bất cập là thị trường đất đai của Việt Nam hiện nay đang tồn tại cơ chế 2 giá đất. Đó là một giá đất theo khung Nhà nước ban hành, là cơ sở để tính tiền đóng thuế hay tính giá đất đền bù giải tỏa dự án. Giá đất thứ hai được gọi là giá trên thị trường, thường cao hơn gấp nhiều lần so với khung giá Nhà nước quy định. Thực tế cho thấy, sự chênh lệch rất lớn giữa 2 loại giá này đã gây ra nhiều hệ lụy khác nhau như khiếu kiện kéo dài, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí...


Một trong những bất cập là thị trường đất đai của Việt Nam hiện nay đang tồn tại cơ chế 2 giá đất. Do đó, người dân mong đợi việc sửa đổi Luật Đất đai sẽ góp phần giải quyết được những bất cập vẫn còn đang tồn tại (ảnh minh họa: Internet).

Theo chương trình Kỳ họp thứ 4 diễn ra vào tháng 10/2022, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến đóng góp lần đầu tiên, cho ý kiến lần thứ hai tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

Để góp phần giải quyết bất cập trên, trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, đại biểu Trần Văn Khải - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hà Nam nêu quan điểm: Bỏ Khung giá đất khi sửa đổi Luật Đất đai sẽ góp phần chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đất đai.


Đại biểu Trần Văn Khải - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam.

Phóng viên: Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến đóng góp lần đầu tiên tại Kỳ họp thứ 4 tới. Xin đại biểu cho biết tầm quan trọng của Dự án Luật này?

ĐBQH Trần Văn Khải: Luật Đất đai có vị trí trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, một trong những hệ thống văn bản pháp luật có tầm quan trọng đặc biệt, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) lần này nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đặt ra trong Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Đây là nhiệm vụ lập pháp trọng tâm của nhiệm kỳ Quốc hội 2021-2026, dự kiến phải thông qua tại 3 kỳ họp để có thời gian rà soát kỹ lưỡng.

Quốc hội đã xác định đây là một Luật rất khó, chuyên sâu và rất phức tạp, là nhiệm vụ lập pháp hết sức quan trọng. Việc sửa đổi toàn diện Luật Đất đai vừa là thách thức, vừa là cơ hội để Quốc hội và Chính phủ thể hiện năng lực về xây dựng pháp luật; năng lực thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng; năng lực kiến tạo phát triển và năng lực tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn đã tồn tại trong nhiều năm qua nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của Đảng, Nhà nước, mong mỏi của nhân dân và doanh nghiệp.

Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thông qua sẽ tạo không gian mới, động lực mới để đột phá phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và giảm tối đa thủ tục hành chính về đất đai. Đặc biệt, sửa đổi Luật Đất đai lần này sẽ thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước ta là chống tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, cài cắm lợi ích trong quá trình xây dựng pháp luật.

Phóng viên:  Xin đại biểu cho biết Quốc hội đã có sự chuẩn bị như thế nào cho dự án Luật Đất đai (sửa đổi) lần này?

ĐBQH Trần Văn Khải: Để chuẩn bị cho nội dung này, cách đây hơn 01 năm, ngay sau khi nhận chức, ngày 19/8/2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về tiến độ, các bước chuẩn bị sửa đổi Luật Đất đai năm 2013. Điều đó thể hiện sự quan tâm đặc biệt, sự chỉ đạo sát sao, chủ động đồng hành cùng Chính phủ từ sớm của Quốc hội trong việc chuẩn bị sửa đổi Luật Đất đai.

Từ đầu năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Ủy ban Kinh tế chủ trì thẩm tra sơ bộ dự án Luật này. Qua theo dõi, tôi thấy mặc dù là thẩm tra sơ bộ nhưng Ủy ban Kinh tế đã tổ chức thực hiện hết sức cẩn trọng và kỹ lưỡng, lấy ý kiến rộng rãi của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan có liên quan, tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học với quy trình hết sức công phu, chặt chẽ, công khai minh bạch, cầu thị theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường, đó là: “Việc đại sự nên lắng nghe càng nhiều càng tốt, nhiều người nói, từ nhiều phía, khiêm tốn, cầu thị, gạn đục khơi trong để đây thực sự là cơ hội tạo ra sự thay đổi căn bản trong thực hiện”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã nghe cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra báo cáo ít nhất 02 lần để cho ý kiến để các cơ quan tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ, đủ điều kiện xin ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội lần đầu tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội XV.

Phóng viên: Trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) lần này, đại biểu quan tâm nhất là nội dung, vấn đề nào và có ý kiến, đề xuất sửa đổi, bổ sung ra sao?

ĐBQH Trần Văn Khải: Trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) lần này, tôi đặc biệt quan tâm đến ba nội dung lớn sau đây:

Thứ nhất, về giao đất, cho thuê đất được quy định tại Điều 64, 65, 66 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này, qua nghiên cứu tôi thấy dự thảo Luật đang mở ra một số trường hợp giao đất không qua đấu giá, đấu thầu đất, có cả trường hợp đặc biệt, vì ưu đãi đầu tư và một số chính sách xã hội đặc thù khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định giao đất không qua đấu thầu, đấu giá.

Tôi đề nghị cơ quan soạn thảo cần giải trình rõ hơn lý do, sự cần thiết quy định về việc giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu dự án có sử dụng đất đối với một số trường hợp mà dự thảo Luật nêu. Tôi đề nghị những vấn đề này cần phải được lý giải hết sức tường minh, tránh tiêu cực, tham nhũng trong việc giao đất, cho thuê đất.  

Thứ hai, về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng được quy định tại Điều 70, Điều 71 của dự thảo Luật lần này. Qua nghiên cứu, tôi thấy dự thảo Luật chưa thể hiện rõ mục đích, điều kiện, tiêu chí cụ thể để thu hồi đất, chưa bám sát và chưa thể chế hóa được tinh thần, đường lối, chủ trương của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 về vấn đề này.

Tôi cho rằng, đây là vấn đề phải hết sức thận trọng vì sẽ ảnh hưởng lớn tới quyền, lợi ích của người dân, tiềm ẩn nguy cơ gây khiếu nại, tố cáo, bất ổn xã hội, nhất là khi thu hồi đất, đặc biệt là đất ở của người dân để giao cho nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại. Bên cạnh đó, về nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất được quy định tại khoản 2 Điều 81 dự thảo luật, cụ thể: “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”.

Tôi đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ như thế nào là đảm bảo cuộc sống điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; quy định rõ tiêu chí để đánh giá, định lượng việc bồi thường tạo lập chỗ ở mới cho người bị thu hồi đất có điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Có như vậy mới thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022, bảo đảm tính khả thi, tránh khiếu kiện kéo dài. 

Thứ 3, về giá đất quy định tại mục 2 Chương X trong dự thảo Luật đã bỏ khung giá đất theo chủ trương của Nghị quyết số 18-NQ/TW. Có thể nói, giá đất là nội dung phức tạp và khó nhất. Qua nghiên cứu dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này, tôi thấy từ Điều 132 đến Điều 136 chưa làm rõ được trách nhiệm của các cơ quan có nhiệm vụ xác định giá đất như yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW, trong đó yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các cơ quan xác định giá đất vì giá đất rất quan trọng nhưng dự thảo luật chưa giải quyết được vấn đề này, tức là chưa đáp ứng được yêu cầu của Nghị quyết Trung ương.

Mặt khác, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này chưa làm rõ nội hàm của khái niệm “giá thị trường trong điều kiện bình thường”, các quy định trong dự thảo Luật chưa chặt chẽ, tường minh, tính khả thi chưa cao trong thực tiễn. Vì vậy, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định rõ tiêu chuẩn, tiêu chí để định giá đất; Quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan tham mưu, cơ quan tư vấn trong định giá đất; Quy định rõ vai trò trách nhiệm, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tại các địa phương; Phân cấp, phân quyền cho địa phương một cách cụ thể để thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực, giám sát thực hiện, khắc phục ách tắc, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất, giảm khiếu kiện về đất đai.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Bích Lan

(Cổng TTĐT)

Các bài viết khác