ĐẠI BIỂU PHAN VIẾT LƯỢNG: QUAN TÂM CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN HIỆU QUẢ CÁC CHIẾN LƯỢC, CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN VĂN HÓA

27/10/2022

Phát biểu trong phiên họp toàn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 27/10 về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Phan Viết Lượng – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước đề nghị cần nỗ lực lớn hơn trong triển khai thực hiện các chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra, chú trọng phát triển văn hóa; sớm hướng dẫn đầy đủ tháo gỡ khó khăn cho thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

TỔNG THUẬT CHIỀU NGÀY 27/10: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN KẾT QUẢ PHÁT TRIỂN KT-XH NĂM 2022, DỰ KIẾN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KT-XH NĂM 2023

Đại biểu Phan Viết Lượng cho biết, năm 2022, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước đã đoàn kết, nỗ lực thực hiện đạt nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, chất lượng, năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn hạn chế, thu ngân sách chưa cao, thiếu bền vững, nợ đọng thuế có xu hướng tăng, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, an ninh trật tự, an toàn xã hội còn nhiều diễn biến phức tạp.

Sớm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa

Phát biểu tập trung về vấn đề phát triển văn hóa, đại biểu Phan Viết Lượng nêu rõ, trong 10 tháng đầu năm, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Theo đó, phát triển văn hóa chưa tương xứng, ngang hàng với phát triển kinh tế. Tổ chức bộ máy, cán bộ cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động của ngành văn hóa còn một số bất cập, hạn chế chưa được tháo gỡ.

Đại biểu Phan Viết Lượng – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước

Đại biểu chỉ rõ, trong giai đoạn trước, đầu tư cho văn hóa chủ yếu thực hiện thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, sau khi chương trình này kết thúc năm 2015 nguồn lực đầu tư cho văn hóa chủ yếu qua kế hoạch đầu tư công trung hạn và nguồn kinh phí sự nghiệp hàng năm nhưng luôn ở mức thấp. Trong khi năm 2022 Chương trình bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2025 và các dự án thành phần về văn hóa thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã được Chính phủ phê duyệt với số kinh phí hạn chế nhưng đến nay chưa được giao dự toán, cấp vốn thực hiện hoặc chưa được giải ngân. Những khó khăn về nguồn lực đầu tư đã ảnh hưởng đến sự nghiệp phát triển văn hóa, dẫn đến nhiều di sản, di tích văn hóa lịch sử bị mai một, xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng.

Để phát triển văn hóa, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, đại biểu Phan Viết Lượng đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các chiến lược, chương trình đã ban hành. Trong đó, cần ưu tiên các chính sách, giải pháp xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ làm công tác văn hóa, văn học nghệ thuật; xây dựng môi trường con người văn hóa và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; sớm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa.

Ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp

Về thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp, đại biểu Phan Viết Lượng cho biết trong nhiều năm qua, việc thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp tuy đạt kết quả tích cực nhưng còn không ít vướng mắc, bất cập. Nguyên nhân chính là công tác chỉ đạo chưa thực sự quyết liệt. Việc ban hành văn bản hướng dẫn còn chậm, không đồng bộ hoặc ban hành văn bản chưa đúng gây khó khăn cho quá trình tổ chức thực hiện.

Toàn cảnh phiên họp toàn thể tại hội trường của Quốc hội

Đại biểu dẫn chứng Nghị định 60/2021/NĐ-CP vẫn còn một số quy định chưa thực rõ để có thể tự thực hiện được hoặc không thể thực hiện ngay mà phải chờ hướng dẫn của các bộ, cơ quan. Một số quy định chưa đồng bộ với những quy định pháp luật khác như: pháp luật về giá, phí, sử dụng tài sản công, v.v. ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả cung cấp các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu, như dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, thông tin, truyền thông, v.v..

Nhấn mạnh, đẩy mạnh tự chủ của đơn vị sự nghiệp là yêu cầu cấp thiết cần tập trung giải quyết những nút thắt tồn tại, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo, tổ chức đánh giá, làm rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, có giải pháp hoàn thiện cơ chế tự chủ, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, khả thi, tăng cường chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực thực hiện nghiêm trách nhiệm ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện theo quy định.

Nỗ lực lớn hơn trong việc cải thiện năng suất lao động

Về thực hiện chỉ tiêu tăng năng suất lao động, đại biểu Phan Viết Lượng cho biết, dự kiến chỉ tiêu tăng năng suất lao động năm nay chỉ đạt khoảng 4,7 đến 5,2%, thấp hơn nhiều so với kế hoạch đề ra. Kết quả đạt được rất đáng lo ngại, bởi đây là chỉ tiêu có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển nhanh, bền vững đất nước. Với mức tăng này không chỉ thấp hơn giai đoạn vừa qua mà còn khó thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực.

Các đại biểu tham dự phiên họp

Đại biểu nêu rõ, chất lượng nguồn nhân lực là một trong những nhân tố quyết định đến tăng năng suất lao động, nhưng hiện nay nguồn nhân lực của nước ta đang bước vào giai đoạn già hóa dân số, chất lượng tuy có sự cải thiện nhưng vẫn còn thấp. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ ước đạt 27%, trong khi nhiều nước trong khu vực đạt trên 50%. Bên cạnh đó, ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề còn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Việc làm chủ công nghệ của chúng ta cũng đang thấp thua so với các nước.

Từ thực tế tình hình nêu trên, theo đại biểu Phan Viết Lượng cần phải nghiên cứu, xây dựng đề án tổng thể, nỗ lực lớn hơn trong việc cải thiện năng suất lao động. Đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ thực trạng tình hình, làm rõ nguyên nhân của việc không đạt chỉ tiêu. Đồng thời, quyết liệt chỉ đạo, có giải pháp hiệu quả, tạo đột phá về tăng năng suất lao động trong thời gian tới để thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội đất nước, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho giáo dục đào tạo, sớm khắc phục tình trạng tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp, cơ cấu đào tạo thiếu hợp lý, thiếu hụt lao động có tay nghề cao, khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động còn lớn.

Bên cạnh đó, đại biểu Phan Viết Lượng cũng cho biết, cử tri và Nhân dân mong muốn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phát huy quyết liệt chỉ đạo đối với các tồn tại, yếu kém, kéo dài, gây bức xúc dư luận như xử lý các công trình, dự án treo, thua lỗ, những tồn tại liên quan đến việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô thành phố Hà Nội./.

Bảo Yến