ĐBQH TRẦN HOÀNG NGÂN: TẬP TRUNG CHO BA ĐỘT PHÁ CHIẾN LƯỢC ĐỂ GIỮ VỮNG ĐÀ PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN CỦA NỀN KINH TẾ

27/10/2022

Trả lời phỏng vấn bên hành lang Quốc hội về giải pháp để tiếp tục giữ vững đà phục hồi và phát triển của nền kinh tế Việt Nam, đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng cần tập trung triển khai thực hiện ba đột phá chiến lược Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.

ĐẠI BIỂU TRẦN VĂN LÂM: NĂM 2023 CẦN ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG VÀ KIỂM SOÁT LẠM PHÁT

Đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh

Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết năm 2022, trước những diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, vượt khỏi khả năng dự báo, nhiều yếu tố mới xuất hiện, chưa từng có tiền lệ của tình hình thế giới, khu vực, tình hình các nước chịu nhiều biến động, lạm phát ở mức cao, tăng trưởng thấp, thậm chí đối mặt với nguy cơ suy thoái, mất ổn định tăng cao, biến đổi khí hậu ngày càng bất thường.

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng Việt Nam đã đạt được những kết quả rất tích cực. Trong năm 2022, nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, ổn định kinh tế vĩ mô giữ vững, lạm phát được kiểm soát, bảo đảm được các cân đối lớn, có nhiều chuyển biến tích cực về thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, nhất là người nghèo, thu nhập thấp. Công tác chăm lo phát triển văn hóa, xã hội, cải thiện đời sống nhân dân thực hiện tốt; cơ bản đảm bảo việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản ở mức tối thiểu về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin cho người dân, góp phần từng bước nâng cao phúc lợi, đảm bảo cuộc sống an toàn và hạnh phúc của nhân dân….

Trao đổi bên lề phiên họp về kết quả đạt được của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua, đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, khi bước vào thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2022, Việt Nam đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn và thách thức, nguyên nhân là do năm 2021 đã bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Với tinh thần quyết tâm chính trị rất cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, Việt Nam đã từng bước vượt qua những khó khăn, thách thức để có được kết quả như ngày hôm nay.

Năm 2022, Việt Nam hoàn thành và vượt 14/15 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến năm nay sẽ đạt khoảng 8%, trong khi đó, kế hoạch đề ra là 6-6,5%. Nhiều chỉ tiêu về văn hóa, xã hội, ngân sách đều đạt. Quan trọng hơn nữa, những khó khăn, thách thức Việt Nam phải đương đầu thì cả thế giới hiện nay cũng đang gặp phải; xuất hiện rất nhiều yếu tố vừa bất định, vừa bất ngờ, vừa bất ổn và rất bất thường trước những yếu tố của thế giới. Vấn đề về xung đột Nga - Ukraine tiếp tục kéo dài, tình hình lạm phát về giá xăng dầu, giá nguyên vật liệu của thế giới đều biến động bất thường. Đặc biệt là vấn đề tăng lãi suất đồng USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tác động đến hệ thống tiền tệ của thế giới, cũng như biến động tỷ giá với các đồng ngoại tệ.

Nhớ lại thời điểm vào tháng 10/2021, đại biểu Trần Hoàng Ngân chia sẻ khi đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia vẫn còn thực hiện chính sách ZERO COVID, Quốc hội đã nhanh chóng ban ngành Nghị quyết 30/2021/QH15, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” để từng bước thích nghi với đại dịch COVID-19. Cùng với đó, tăng cường ngoại giao vaccine để triển khai tiêm vaccine cho người dân, từ đó giúp cho hoạt động kinh tế phục hồi, xã hội ổn định. Có thể thấy rằng, kết quả có được hôm nay là hết sức đáng trân quý. Đạt được kết quả này là nhờ sự ứng biến kịp thời và những quyết sách đúng đắn, trí tuệ của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, trong thời gian tới sẽ có thuận lợi, khó khăn, thậm chí khó khăn nhiều hơn. Do đó phải tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa, nỗ lực nhiều hơn nữa để thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra. Bởi, trong kế hoạch kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2025 thì năm 2021 Việt Nam đã bị ảnh hưởng rất nặng nề do đại dịch COVID-19 gây ra, vì vậy chỉ còn lại 4 năm để hoàn thành được kế hoạch, cho nên cần nỗ lực rất lớn. Để nền kinh tế tiếp tục giữ vững đà phát triển, đại biểu cho rằng cần phải tập trung cho 03 đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định. Theo đó, phải hoàn thiện thật nhanh, đồng bộ hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi cho cho doanh nghiệp. Phải đặc biệt ưu tiên hạ tầng giao thông, hạ tầng số để có thể phát triển một cách đồng bộ. Đồng thời tăng cường việc đào tạo nhân lực, trong đó đặc biệt ưu tiên nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ngoài ra, đại biểu Trần Hoàng Ngân chỉ ra rằng, báo cáo của Chính phủ đề cập nhiều hơn tới tập trung phát triển văn hóa, chú ý đến văn hóa nhiều hơn so với kinh tế, tập trung nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đầu tư nhiều hơn cho giáo dục, cho y tế. Tuy nhiên, trong lĩnh vực y tế thời gian vừa qua, mặc dù đội ngũ y bác sĩ, những người trong ngành y đã cống hiến, đã chiến đấu hết sức mình để bảo vệ sức khỏe và tính mạng nhân dân, nhưng những chính sách để hỗ trợ cho đội ngũ này vẫn còn thiếu. Do vậy, cần phải quan tâm hơn đến thu nhập của người làm việc trong lĩnh vực y tế. Đồng thời cần có các cơ chế, chính sách để nâng cao thu nhập của đội ngũ giáo viên. Đại biểu nhấn mạnh đây là hai lĩnh vực có tác động trực tiếp cũng như ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống của nhân dân./.

Minh Thành